Việt Nam Thời Báo

Giải trình gấp về bôxit Tây Nguyên

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa thúc giục Bộ Công Thương, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam khẩn trương báo cáo Thủ tướng về các vấn đề mà 12 nhà khoa học đã kiến nghị Thủ tướng ở dự án boxit Tây Nguyên.

Thời hạn phải gửi báo cáo là ngày 15/4 tới.
Đây là lần thứ hai, Văn phòng Chính phủ có văn bản đôn thúc Bộ Công Thương, Tập đoàn Than – Khoáng sản về vấn đề này.
Trước đó, ngày 23/10/2014, tập thể 12 nhà khoa học đã gửi bản kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ về chương trình bô xit Tây Nguyên.
Hai tuần sau đó, ngày 5/11/2014, Văn phòng Chính phủ đã ra thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, yêu cầu tới Bộ Công Thương, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam nghiên cứu, giải trình, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ gấp.
Theo bản kiến nghị của 12 nhà khoa học tại thời điểm tháng 10/2014, hiệu quả kinh tế, tài chính của các dự án sẽ rất thấp.

Sản phẩm alumin
Về năng lực công nghệ, nhà thầu Chalieco chưa có kinh nghiệm về công nghệ xử lý quặng bôxít như của Tây Nguyên, áp dụng trình độ công nghệ thấp trong thiết kế kỹ thuật nhà máy alumin Tân Rai. Các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật của nhà máy như mức tiêu hao năng lượng, nguyên vật liệu, hóa chất và nước cao hơn mức trung bình của thế giới. Trong khi đó, tổng thực thu alumin ghi trong thiết kế chỉ ở mức trung bình.
Đặc biệt, thiết bị ở nhà máy Tân Rai không đồng bộ, hệ thống đo lường tự động hoạt động không ổn định, nên nhà máy phải vận hành bằng tay. Do vậy, các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật thực tế còn kém hơn thiết kế rất nhiều.
Về hiệu quả tài chính dự án, các nhà khoa học cho hay, tổng chi phí thực tế cho 2 dự án đang vượt cao hơn nhiều so với dự toán ban đầu, trong khi sản lượng đầu ra không đạt thiết kế. Ngoài ra, đã phát sinh thêm nhiều hạng mục trong quá trình thực hiện (ví dụ chi phí xây dựng đường vận chuyển bôxít, đường tránh khu dân cư,… ). Bên cạnh đó, giá khoáng sản hiện nay đang ở mức thấp, dao động khó lường.
Do vậy, theo các nhà khoa học, hiệu quả tài chính của hai dự án này càng bị giảm sút, làm gia tăng sức ép lên nợ công đang tăng cao hiện nay. Hiệu quả kinh tế – xã hội của chương trình bôxit Tây Nguyên sẽ không đạt như dự kiến.
Thêm vào đó, các nhà khoa học lo ngại về độ an toàn hồ chứa bùn đỏ sau sự cố đập ngăn hồ chứa bùn thải quặng đuôi của nhà máy Tân Rai đã bị vỡ đầu tháng 10/2014.
Các nhà khoa học đã kiến nghị Bộ Chính trị chỉ thị tiến hành đánh giá toàn diện, tổng thể và khách quan về hiệu quả kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường, an ninh, quốc phòng,… của hai dự án bôxít, đồng thời, giao Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam chủ trì thực hiện. Kết quả đánh giá sẽ là cơ sở cho mọi quyết định tiếp theo đối với chương trình bôxít Tây Nguyên.
Tuy nhiên, mới đây, ngày 9/2, trong chuyến khảo sát, kiểm tra thực tế các dự án bô xit, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng dự án đã triển khai đạt hiệu quả cả về kinh tế, xã hội. Vấn đề an toàn từ bùn đỏ không còn đáng lo ngại. Đặc biệt, Thủ tướng đã chỉ đạo cần đẩy nhanh tiến độ dự án, tạo nền tảng sớm hình thành nền công nghiệp nhôm bền vững.
Ngày 30/3, Bộ Công Thương cũng lên tiếng khẳng định hiệu quả ở hai dự án để bác lại ý kiến cho rằng, dự án bị lỗ hơn 37 triệu USD/tấn là vội vã, thiếu cơ sở.
Năm 2014, dự án Tân Rai sau 2 năm thí điểm đã xuất khẩu 490 ngàn tấn, thu về 160 triệu USD, đạt doanh thu 3.500 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 200 tỷ.
Phạm Huyền

Tin bài liên quan:

Ảnh hưởng của tỷ giá trên bất động sản, vàng và chứng khoán

Phan Thanh Hung

Đến 2019: EVN vẫn muốn giữ thế độc quyền?

Phan Thanh Hung

Sân bay Long Thành trung chuyển cho ai?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.