Ảnh chụp màn hình từ website chính thức của Phòng Tư pháp tỉnh Liêu Ninh, ông Tống Vạn Trung, cựu Giám đốc nhà tù Bàn Cẩm. Theo cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc vào ngày 1 tháng 4 năm 2015, ông Tống đang bị điều tra vì đã “vi phạm kỷ luật và điều lệ Đảng nghiêm trọng” (Screenshot/Epoch Times)
Nhà tù Bàn Cẩm ở tỉnh Liêu Ninh phía đông bắc Trung Quốc (được mô tả là “địa ngục trần gian” trong những bản tường thuật của nước ngoài) là nơi diễn ra những tội ác khủng khiếp của các nhà chức trách Trung Quốc, ngược đãi các tù nhân bị bắt giữ vì đức tin của vào môn tu luyện tâm linh truyền thống Pháp Luân Công.
Ông Tống Vạn Trung từ lâu đã là người đứng đầu nhà tù khét tiếng này. Ông Tống hết sức nhiệt tình trong việc thực hiện các chính sách khủng bố của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc: nhân viên ở đây được tự do bạo hành, ngược đãi, kể cả đánh đập và tra tấn các học viên Pháp Luân Công đến mức tử vong hoặc tàn tật. Nhờ đó, ông Tống đã được trao cho một vị trí trong ban thường trực của hệ thống quản lý nhà tù tỉnh Liêu Ninh vào năm 2013.
Hiện giờ, chính quyền Trung Quốc có vẻ như đã chán ngán ông Tống Vạn Trung.
Ngày 1 tháng 4 vừa qua, cơ quan chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên bố ông Tống Vạn Trung đã bị điều tra vì “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và điều lệ Đảng.”
Một trong những cổng vào nhà tù Bàn Cẩm (ảnh : Minghui.org)
Say máu bức hại
Các tổ chức nhân quyền quốc tế đã nhiều lần xác nhận ông Tống có dính líu trực tiếp đến việc đàn áp Pháp Luân Công. Theo các báo cáo của Minh Huệ, một trang web về Pháp Luân Công có những tài liệu chứng minh cuộc đàn áp của chính quyền Trung Quốc, thì tính đến tháng 5 năm 2013 đã có ít nhất tám học viên Pháp Luân Công bị tra tấn đến chết ở nhà tù Bàn Cẩm.
Một số phương pháp cụ thể nhằm ép buộc các học viên từ bỏ đức tin của họ vào Pháp Luân Công bao gồm: không cho ngủ, hoặc cho điện giật và ép ăn bằng ống nhựa luồn qua lỗ mũi.
Bàn tay, bàn chân, và cẳng chân của tôi sưng phồng như bánh bao hấp.
— Học viên Pháp Luân Công bị giam giữ tại nhà tù Bàn Cẩm.
Giống như tại các nhà tù khác của Trung Quốc, nhân viên tại Bàn Cẩm được trả tiền để “chuyển hóa” các học viên Pháp Luân Công, tức là buộc họ phải ký văn bản từ bỏ đức tin của họ. Dưới sự quản lý của ông Tống Vạn Trung, đội bảo vệ ở nhà tù Bàn Cẩm được nhận 300 USD và sẽ nhận thêm một điểm cộng trong hồ sơ công tác của mình đối với mỗi một học viên mà họ đã “chuyển hóa” thành công. Những tù nhân nào trợ giúp cho sự bức hại, ngược đãi các học viên Pháp Luân Công khác thì được giảm án tù.
Theo báo cáo của Minh Huệ, một học viên giấu tên—người bị cầm tù và tra tấn tại Bàn Cẩm trong năm 2007, đã bị xích vào một chiếc ghế kim loại trong 50 ngày.
“Tôi bị xích chặt đến nỗi chỉ có thể cựa quậy được cái đầu. Bàn tay, bàn chân, và cẳng chân của tôi sưng phồng như bánh bao hấp”, “Tôi liên tục bị nguyền rủa và bị đe dọa. Những tù nhân khác được giao nhiệm vụ vào mọi lúc phải đảm bảo rằng không để cho tôi ngủ. Họ đánh thức tôi dậy mỗi khi tôi nhắm mắt” – Người học viên này kể lại.
Người học viên ẩn danh này cũng chỉ ra rằng anh ấy/cô ấy đã bị cấm mở miệng nói và cấm không được sử dụng nhà vệ sinh, lẫn không được phép mặc ấm trong mùa đông khắc nghiệt của vùng đông bắc Trung Quốc.
Chính sách không thể đảo ngược
Mặc dù ông Tập Cận Bình lên nắm quyền ĐCSTQ vào năm 2012 và phát động chiến dịch chống tham nhũng trên diện rộng vốn đã kỷ luật hàng trăm ngàn quan chức Trung Quốc, nhưng cuộc đàn áp Pháp Luân Công vẫn tiếp tục cho đến ngày nay như là một chính sách đã ăn sâu vào tận trong gốc rễ của ĐCSTQ.
Trong tuyên bố điều tra ông Tống Vạn Trung, cơ quan chống tham nhũng của Đảng không đề cập đến vai trò của ông trong cuộc đàn áp hoặc về các hành vi bạo ngược đã được tiến hành theo chỉ đạo của ông ta tại nhà tù Bàn Cẩm.
Thay vào đó, ông Tống được “trao” cho một loạt cáo buộc tương tự như các quan chức ĐCSTQ bị ngã ngựa: nhận các khoản hối lộ, biển thủ công quỹ, ngoại tình,…
Quyết định “nhổ tận gốc” Pháp Luân Công đã được thực hiện vào năm 1999 bởi cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân. Do tính phổ biến rộng rãi của môn tập luyện này với người dân Trung Quốc, ông Giang đã thấy Pháp Luân Công là một mối đe dọa mang tính ý thức hệ đối với chủ nghĩa duy vật vô thần mà Đảng Cộng sản luôn rao giảng. Đồng thời, với tính chất phi chính trị và những lời giáo huấn phi bạo lực của môn khí công này, Pháp Luân Công có vẻ như là một mục tiêu dễ dàng đối với các lực lượng an ninh của chế độ này.
Mọi thứ hóa ra lại không hề tuân theo nguyện ý của ông Giang hay của Đảng. Đối mặt với các mối đe dọa bị đánh đập, tra tấn, lạm dụng tình dục và thậm chí mổ cướp các cơ quan nội tạng của mình với quy mô công nghiệp, các học viên Pháp Luân Công quy tụ trên mạng internet, tập hợp ở nước ngoài và ngầm đưa ra sự phản kháng bất bạo động đối với cuộc đàn áp này của nhà nước Trung Quốc.
Dưới vỏ bọc là “chiến dịch chống tham nhũng”, phong trào chính trị mới đây của ông Tập Cận Bình thực chất là nhắm mục tiêu đến các quan chức dựa trên khuynh hướng bè phái của họ. Các quan chức nổi tiếng – những nhân vật có liên kết với phe cánh chính trị rộng lớn của ông Giang Trạch Dân, chính là đối tượng chính trong những động thái của ông Tập.
Ông Giang đã thôi giữ chức Tổng Bí thư ĐCSTQ vào năm 2002. Tuy nhiên, nhiều cán bộ, công chức cộng sản nổi lên giành được quyền lực trong giai đoạn thập niên 1990 và 2000 (như Tống Vạn Trung) là do được hưởng ân huệ từ Giang Trạch Dân và phe cánh của Giang dựa trên mức độ sẵn lòng của họ trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Leo Timm, Epoch Times và Lu Chen, Epoch Times
(Đại Kỷ Nguyên)