RFI
Chiều ngày 19/01/2016, bộ Ngoại Giao Việt Nam tổ chức một cuộc họp báo về sự cố xảy ra gần đây liên quan đến việc Trung Quốc di chuyển giàn khoan dầu HD981 vào vùng biển đang có tranh chấp. Theo nhận định của giáo sư Carlyle Thayer, Học viện Quốc phòng Úc, hạ đặt giàn khoan ở bên phía Việt Nam của đường trung tuyến, là không hợp thời.
Chiều ngày 19/01/2016, bộ Ngoại Giao Việt Nam tổ chức một cuộc họp báo về sự cố xảy ra gần đây liên quan đến việc di chuyển giàn khoan dầu HD981 của Trung Quốc. Theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam, vào tối ngày 16/01/2016, giàn khoan HD981 đã được đưa đến khu vực cách đường trung tuyến (giữa các đường cơ sở của Trung Quốc và Việt Nam) 21,4 hải lý về phía đông, hoàn toàn nằm bên ngoài Vịnh Bắc Bộ. Đây là vùng chồng lấn giữa miền trung Việt Nam và đảo Hải Nam Trung Quốc và chưa được phân định giữa hai nước. Ngày 18/01, bộ Ngoại Giao Việt Nam đã triệu đại sứ Trung Quốc lên để bày tỏ quan ngại của Hà Nội và ngày 19/01 thì họp báo đòi Trung Quốc rút ngay lập tức giàn khoan.
Giáo sư đánh giá như thế nào về sự cố này và Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao về việc Việt Nam kêu gọi rút giàn khoan ?
Carlyle Thayer : Người ra lệnh triển khai giàn khoan HD981 vào vùng biển đang có tranh chấp, hạ đặt ở bên phía Việt Nam của đường trung tuyến, đã ra một quyết định không hợp thời. Nếu chúng ta giả định rằng việc triển khai giàn khoan không vì mục đích kinh tế thì dường như Trung Quốc sẽ không rút giàn khoan do có sự phản đối ngoại giao của Việt Nam. Các phát ngôn viên của Trung Quốc sẽ nhắc lại những phát biểu quen thuộc rằng Trung Quốc hành động một cách hợp pháp trong vùng biển của mình.
Giáo sư có nghĩ sự cố này sẽ làm dấy lên một cuộc khủng hoảng giống như hồi mùa hè 2004 hay không ?
Carlyle Thayer : Nếu việc triển khai giàn khoan HD981 không vì mục đích kinh tế thì sự cố này xảy ra vào lúc ban lãnh đạo Việt Nam đang bận bịu với Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12. Cho đến lúc này, chưa rõ là có bao nhiêu tàu và những loại tàu gì đi tháp tùng giàn khoan 981 vào nơi hạ đặt mới. Nếu Trung Quốc thông báo có ý định đặt giàn khoan ở vị trí này trong một thời gian nào đó, thì Việt Nam sẽ phải có hành động đáp trả qua các hoạt động phản đối, ngăn chặn của lực luợng tuần duyên. Nếu Việt Nam không có phản ứng thì Trung Quốc sẽ tiếp tục quay lại khu vực này. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hiện đang công du Trung Đông. Đây sẽ là một trắc nghiệm về khả năng xử lý khủng hoảng của ông ta.
Theo giáo sư, sự cố này có liên quan gì đến Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 hay không ?
Carlyle Thayer : Nếu quyết định triển khai giàn khoan HD981 trùng với việc Việt Nam tổ chức Đại hội 12 thì đây là một quyết định không hợp thời và sẽ phản tác dụng. Năm 2014, khi Trung Quốc lần đầu tiên triển khai giàn khoan HD981 thì hệ lụy trước tiên đó là lòng tin chiến lược giữa Hà Nội và Bắc Kinh. Ngay cả chuyến thăm Hà Nội của chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 11/2015 cũng không tái lập được lòng tin chiến lược giữa hai nước. Việc triển khai giàn khoan H 981 hiện nay sẽ gây khó khăn cho Việt Nam trong việc tiếp tục quan hệ hữu nghị với Trung Quốc mà không cần tìm kiếm các cường quốc lớn khác để làm đối trọng với Trung Quốc.