Việt Nam Thời Báo

Hà Nội có thể còn ô nhiễm nặng hơn Bắc Kinh

Theo đánh giá của chúng tôi, mức độ ô nhiễm của Hà Nội chưa tới mức như Bắc Kinh, song nếu không có giải pháp quyết liệt, kịp thời thì e rằng trong tương lai Hà Nội có thể sẽ ô nhiễm hơn.

Đây là thông tin được Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) Ngụy Thị Khanh trả lời phóng viên trước thông tin “ô nhiễm không khí ở Hà Nội gần gấp đôi TP Hồ Chí Minh” do đơn vị này vừa công bố.
PV: GreenI​D vừa công bố một báo cáo chỉ ra rằng không khí ở Hà Nội ô nhiễm gần gấp đôi so với TP Hồ Chí Minh, xin bà cho biết kết quả này căn cứ vào những số liệu nào?
Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) Ngụy Thị Khanh
Bà Ngụy Thị Khanh: Nghiên cứu này tập trung vào phân tích tình hình không khí năm 2016 và chúng tôi đã xem xét số liệu, thông tin công bố công khai từ các trạm quan trắc không khí ở cả 2 thành phố.
Tuy nhiên hiện chỉ có duy nhất một nguồn dữ liệu công khai của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội (từ cuối năm 2015) và Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Hồ Chí Minh (từ đầu năm 2016) đã tiến hành đo nồng độ của bụi PM 2.5 trong không khí và chỉ số chất lượng không khí (AQI) theo giờ, và các dữ liệu lịch sử có thể truy cập được qua chương trình Air Now.
Từ dữ liệu thu thập được qua Air Now, chúng tôi đã tiến hành phân tích và đánh giá mức độ ô nhiễm bụi PM 2.5 tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và ra được kết quả nồng độ bụi PM 2.5 trung bình năm tại Hà Nội là 50,5 μg/m3 và tại Tp. HCM là 28,5 μg/m3.
PV: Với thủ đô Hà Nội, nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát, thu thập số liệu từ những địa điểm cụ thể nào? Qua kết quả, khu vực nào của Hà Nội ô nhiễm nặng nhất?
Bà Ngụy Thị Khanh: Như đã đề cập ở câu trên, dữ liệu ở Hà Nội được thu thập qua chương trình Air Now, trạm đo Đại sứ quán Mỹ.
Chất lượng không khí của mỗi khu vực tại mỗi thời điểm cụ thể khác nhau và tùy thuộc vào nhiều yếu tố (nguồn thải, hướng gió, tốc độ gió, mật độ dân số tại khu vực). Chỉ có kết quả quan trắc công khai tại từng điểm đo mới có thể cho biết hiện trạng không khí ở từng điểm.
Trong năm 2016, ở Hà Nội chưa có nhiều trạm quan trắc cung cấp dữ liệu lịch sử theo ngày như trên đã trao đổi nên chưa thể trả lời được khu vực nào ô nhiễm nặng nhất.
Tại Văn phòng chúng tôi cũng đặt một máy đo nhanh và chúng tôi thấy các chỉ số tại khu vực Duy Tân (Cầu Giấy) cũng khá tương đồng với kết quả tại điểm đo ở Láng Hạ của sứ quán Mỹ. 
Rất mừng là cách đây khoảng 10 ngày, Hà Nội có thêm mấy trạm quan trắc đưa vào hoạt động. Theo đó, vào ngày 19/1, kết quả từ trạm quan trắc được công bố trên Cổng thông tin quan trắc môi trường (UBND TP Hà Nội) cho thấy, tại hầu hết các điểm (từ Nhà hát lớn đến Hoàng Thành Thăng Long hay khu vực ven đô như Tây Tựu) chất lượng không khí đều kém (chỉ số AQI từ 100 đến dưới 200). Cá biệt trạm quan trắc đặt ở CA phường Hàng Mã đo tại khu vực Hàng Đậu cho kết quả chỉ số AQI lên tới 173 gần với ngưỡng xấu (200) trong hai ngày qua.
PV: Chủ tịch TP Hà Nội từng khẳng định Hà Nội không ô nhiễm như TP Bắc Kinh, thưa bà điều này có đúng không? Nếu không có những biện pháp ngăn chặn kịp thời, bà dự báo Hà Nội sẽ như Bắc Kinh trong vòng bao nhiêu năm tới?
Bà Ngụy Thị Khanh: Hiện tại theo đánh giá của chúng tôi, mức độ ô nhiễm của Hà Nội chưa tới mức giống như Bắc Kinh, tuy nhiên nếu chúng ta không có giải pháp quyết liệt và kịp thời thì e rằng với tình trạng gia tăng ô nhiễm không khí từ các nguồn phát thải chưa được kiểm soát như hiện nay, trong tương lai Hà Nội có thể sẽ ô nhiễm hơn.

PV: Vậy Hà Nội nói riêng các đô thị lớn nói chung cần phải làm gì lúc này?
Bà Ngụy Thị Khanh: Ô nhiễm không khí là một vấn đề môi trường quan trọng đặt ra nhiều thách thức trong quản lý cũng như giảm thiểu. Để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí và nâng cao chất lượng không khí tại Hà Nội cũng như các địa phương khác trên toàn quốc, chúng ta cần phải xác định được tất cả các nguồn gây ô nhiễm do con người gây ra và cần có hành động để nhanh chóng giảm thiểu các nguồn này.
“Ô nhiễm không khí ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người dân đặc biệt là ở trẻ em. Ở Việt Nam, có đến 98% dân số đang bị phơi nhiễm với nồng độ bụi PM2.5 cao hơn mức khuyến cáo của WHO. Cũng theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Các bệnh tim mạch và đột quỵ là những nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tử vong sớm có liên quan đến ô nhiễm không khí, chiếm tới 80% số ca tử vong sớm; tiếp theo đó là các bệnh về phổi và ung thư phổi”- bà Ngụy Thị Khanh.
Nguồn gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội bao gồm phát thải từ nhiệt điện than, công nghiệp nặng, đốt rác thải, hoạt động xây dựng, phát thải trong nhà và giao thông. Như vậy cần có hành động để kiểm soát từng nhóm nguyên nhân trên.
Trước tiên phải đưa ra giải pháp để cắt giảm nguồn ô nhiễm nội đô ví dụ tăng cường thực thi nghiêm ngặt các quy định về phòng chống bụi trong xây dựng, giải quyết vấn đề phát thải từ giao thông, xem lại việc quy hoạch đô thị.
Khí thải từ các phương tiện giao thông là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội. (Ảnh minh họa)
Đặc biệt, thành phố cần đẩy mạnh việc cung cấp thông tin cảnh báo về ô nhiễm không khí và cách phòng tránh, giảm thiểu tác động cho người dân một cách kịp thời giống như thông tin thời tiết hàng ngày. Điều này là vô cùng quan trọng và chắc chắn sẽ được sự ủng hộ rất lớn của người dân.
Song song với đó, cần phải có sự phối hợp quản lý với các tỉnh thành xung quanh để kiểm soát nguồn thải từ bên ngoài vào. Bởi 8 thời điểm ô nhiễm bụi mịn ở Hà Nội nặng nề theo kết quả phân tích vệ tinh là do nguồn thải do gió đưa đến từ phía Đông Hà Nội. Như vậy các giải pháp tại chỗ là chưa đủ để kiểm soát nguồn gây ô nhiễm không khí ở Thủ đô. Điều này để làm được cần tới vai trò của chính sách quản lý ô nhiễm không khí.

PV: Và những kiến nghị của GreenID với Chính phủ và người dân về vấn đề này là gì thưa bà?
Bà Ngụy Thị Khanh: GreenID kiến nghị ban hành luật không khí sạch, điều chỉnh các tiêu chuẩn về chất lượng không khí tương đương với tiêu chuẩn quốc tế (WHO). Hành động khẩn cấp để giảm phát thải từ các nhà máy nhiệt điện than.Thay đổi chính sách phát triển năng lượng, chuyển sang thúc đẩy phát triển và ứng dụng nhanh năng lượng tái tạo. Giảm phát thải từ các phương tiện giao thông. Cải thiện chất lượng không khí trong nhà. Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về đốt rác thải theo Nghị định số 167/2013/NĐ – CP. Cải thiện quy hoạch đô thị và công khai thông tin và tác động thay đổi hành vi của công dân.
Đối với người dân, GreenID cũng khuyến nghị mỗi cá nhân hãy chủ động nâng cao hiểu biết về vấn đề này để có cách bảo vệ sức khỏe bản thân và người thân, nhất là cho các em bé. Chọn khẩu trang có khả năng ngăn được bụi mịn cũng như tránh hoạt động mạnh ở bên ngoài trời khi không khí ô nhiễm và chỉ số chất lượng không khí cảnh báo ở mức không tốt hoặc nguy hại cho sức khỏe.
Theo Infonet

Tin bài liên quan:

Giông tố làm lộ mặt chuột

Phan Thanh Hung

Hà Nội tính thay 4.000 cây xà cừ: Mất phố lá vàng?

Phan Thanh Hung

VNTB – Biển miền Trung sau hơn 7 năm ‘xả thải Formosa’

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo