Việt Nam Thời Báo

Hậu sát nhập, 2000 tỷ đồng “hỗ trợ” Southern Bank được Sacombank… xóa ?

Ngày 01/10/2015, Southern Bank chính thức sáp nhập vào Sacombank. Và điều này cũng đồng nghĩa với việc hơn 2.000 tỷ đồng mà Sacombank đã “bơm” qua Southern Bank cũng như các khoản công nợ khác giữa hai ngân hàng chính thức được “xí xóa” ?

Ảnh minh họa.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – Sacombank (HSX: STB) mới công bố Báo cáo tình hình quản trị ngân hàng năm 2015.

Theo đó, trong năm 2015, giới tinh hoa Sacombank đã tổ chức tổng cộng 77 phiên họp hội đồng quản trị, chia làm 26 phiên trong nửa đầu năm và 51 phiên trong nửa cuối năm.

Trong đó, ông Trầm Bê, nhà tài phiệt lừng danh với thương vụ “áp-phe” kinh điển Southern Bank – Sacombank, chỉ tham dự 50/77 phiên họp. Lý do không tham dự 27 phiên họp HĐQT còn lại của vị đại gia Khmer gốc Hoa này được Sacombank giải thích gọn lỏn bằng hai cụm từ: “Nội dung họp có liên quan đến cá nhân” (1 phiên) và “Vắng mặt” (26 phiên).

Sau 77 phiên họp, HĐQT Sacombank đã phê duyệt và ban hành tổng cộng 91 Nghị quyết và Quyết định.

Đáng chú ý trong đó là các văn bản có liên quan đến hoạt động “bơm vốn” qua Southern Bank (Ngân hàng Phương Nam), nhà băng cũ của ông Trầm Bê.

Có thể kể đến như Nghị quyết số 42/2015/NQ-HĐQT ngày 31 tháng 8 năm 2015, về việc cấp hạn mức giao dịch liên ngân hàng 150 tỷ đồng cho Ngân hàng Phương Nam.

Chưa đầy một tháng sau, ngày 21/09/2015, HĐQT Sacombank lại nhóm họp để thông qua quyết định hỗ trợ thanh khoản cho Southern Bank với giá trị lên đến 2.000 tỷ đồng (Nghị quyết số 48/2015/NQ-HĐQT).

Ngày 01/10/2015, Southern Bank chính thức sáp nhập vào Sacombank, thương hiệu “Ngân hàng Phương Nam – Southern Bank” chính thức xóa sổ trên thị trường tài chính. Và điều này cũng đồng nghĩa với việc hơn 2.000 tỷ đồng mà Sacombank đã “bơm” qua Southern Bank cũng như các khoản công nợ khác giữa hai ngân hàng chính thức được “xí xóa”.

Tính toán của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho thấy, số nợ xấu thực tế của Southern Bank cuối năm 2014 có thể lên đến 18.058 tỷ đồng. Bao gồm 2.553 tỷ nợ xấu báo cáo, 2.059 tỷ nợ xấu đã bán cho VAMC và 10.756 tỷ nợ xấu tăng thêm theo phân loại của VCBS.

Trên cơ sở này, VCBS đánh giá, cùng với những xáo trộn trong sở hữu, việc sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam có thể sẽ khiến Sacombank phải đối mặt với nhiều khó khăn trong những năm tới.

Ngân hàng sau sáp nhập sẽ cần khoảng 4 năm để xử lý khối tài sản có chất lượng kém của Southern Bank.

“Điều này sẽ khiến lợi nhuận trước thuế của STB suy giảm mạnh trong năm 2015 và 2016, và dù được dự báo tăng trưởng cao sau đó nhưng phải đến năm 2019 thì LNTT của Sacombank mới có khả năng hồi phục về mức tương đương năm 2014”, các chuyên gia của VCBS nhận định.

Trầm gia vẫn nắm gần 9,5% vốn Sacombank

Trở lại với Báo cáo tình hình quản trị ngân hàng năm 2015 của Sacombank, tài liệu này cũng cho biết một số thông tin về cơ cấu sở hữu của Trầm Bê và một số “VIP” khác tại Sacombank.

Theo đó, Chủ tịch HĐQT Kiều Hữu Dũng và những người liên quan không nắm giữ bất kỳ một cổ phiếu nào tại Sacombank.

Ông Nguyễn Miên Tuấn – Phó Chủ tịch HĐQT đang sở hữu 0,007% vốn. Ông Phan Huy Khang – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc sở hữu 1,19% vốn Sacombank.

Trầm gia vẫn nắm gần 9,5% vốn Sacombank.

Đáng chú ý, gia đình ông Trầm Bê – người vẫn là thành viên HĐQT STB, theo báo cáo – đang sở hữu 9,49% vốn tại ngân hàng.

So với báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2015, tỷ lệ sở hữu của gia đình ông Trầm Bê đã tăng đáng kể từ mức 6,773%.

Trong đó, riêng ông Trầm Bê nắm giữ hơn 27,6 triệu cổ phiếu STB, tương đương nắm 1,46% vốn. Hai con trai của ông Trầm Bê là ông Trầm Trọng Ngân nắm giữ 4,73% vốn và ông Trầm Khải Hòa – thành viên HĐQT ngân hàng đang sở hữu 1,76% vốn Sacombank. Con gái ông Trầm Bê là bà Trầm Thuyết Kiều sở hữu 1,43% vốn và chồng bà Kiều là ông Lê Trọng Trí – Phó Tổng giám đốc Sacombank đang nắm giữ 0,11% vốn ngân hàng.


Nguyên nhân khiến tỷ lệ sở hữu của các cá nhân nói trên tăng là sau khi SouthernBank chính thức được sáp nhập vào Sacombank từ ngày 1/10/2015 với tỷ lệ hoán đổi được xác định 1 cổ phần của SouthernBank hoán đổi thành 0,75 cổ phần của Sacombank đã khiến tổng số cổ phiếu của gia đình ông Trầm Bê tại ngân hàng sau sáp nhập tăng lên.

Được biết, trong năm 2015, ông Trầm Bê tự nguyện cam kết ủy quyền (không hủy ngang, vô thời hạn) cho Ngân hàng Nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân do cơ quan này chỉ định, thực hiện các quyền theo quy định và điều lệ của hai ngân hàng, đối với toàn bộ số cổ phần tại Sacombank, Southern Bank và tổ chức sau sáp nhập mà ông và các bên có liên quan sở hữu.

Cũng liên quan đến Trầm Bê, ngày 11/11/2015, thể theo nguyện vọng cá nhân, HĐQT Sacombank chấp thuận cho ông Trầm Bê thôi giữ chức vụ Phó Chủ tịch thường trực STB. 

Và đến ngày 16/11/2015, Sacombank chính thức nhận đơn từ nhiệm thành viên HĐQT Sacombank nhiệm kỳ 2010 – 2015 của ông Trầm Bê.

Tiết lộ của cơ quan quản lý, song song với việc ủy quền toàn bộ số cổ phần tại Sacombank, Southern Bank cho Ngân hàng Nhà nước, ông Trầm Bê cũng đã cam kết trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của ngân hàng sau sáp nhập, nếu giá trị tài sản đảm bảo cho các nghĩa vụ nợ của cá nhân và những người có liên quan không đủ, sẽ bổ sung thêm các tài sản khác thuộc sở hữu của mình.

Theo Viettimes

Tin bài liên quan:

VNTB – Tư nhân xây chùa, họ muốn thờ ai thì thờ?!

Do Van Tien

Sacombank đang “ẩn” khối nợ xấu cực khủng?

Phan Thanh Hung

Chuyện gì xảy ra ở MHBS trước khi 2 lãnh đạo ngân hàng MHB bị khởi tố?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo