Việt Nam Thời Báo

Hố tử thần ở kênh Nhiêu Lộc là do nhà thầu Trung Quốc!

Pháp luật TPHCM
 
Hố tử thần ở kênh Nhiêu Lộc là do nhà thầu Trung Quốc!
 

Tại gói thầu quan trọng nhất của dự án Nhiêu Lộc – Thị Nghè do nhà thầu Trung Quốc thi công liên tiếp xảy ra sự cố nghiêm trọng.

Sự cố lớn từ nhà thầu Trung Quốc

Phải sử dụng robot gắn camera quan sát và mất gần một tháng, các đơn vị liên quan mới xác định được nguyên nhân sự cố sụp lún mặt đường Trường Sa xảy ra vào đầu tháng 8-2016, đoạn gần đường Đặng Văn Ngữ, quận Phú Nhuận (Pháp Luật TP.HCM đã thông tin) là do hở mối nối đốt cống. Theo Ban Quản lý (BQL) dự án Nhiêu Lộc – Thị Nghè, vị trí lún sụp thuộc gói thầu số 7 do nhà thầu Trung Quốc (liên danh TMEC-CHEC 3 của Trung Quốc) thực hiện.

Điều đáng lo ngại, khu vực nhà thầu Trung Quốc thi công nói trên từng xảy ra sự cố lún sụp vào giữa tháng 4-2016. Đó là hố sụp khá lớn, có bề ngang rộng hơn 3,2 m, dài hơn 6 m. Đơn vị khắc phục sự cố phải đào sâu 6 m mới xác định được nguyên nhân do hàng cừ trên lưng cống D600 (600 mm) băng ngang kênh bị hở làm cho đất, đá bị cuốn trôi ra kênh. Ngoài ra, tại vị trí kích ống D600 và “mắt mềm” của giếng cũng không kín.

Theo tài liệu do chúng tôi thu thập được, gói thầu số 7 là gói thầu khá quan trọng của dự án Nhiêu Lộc – Thị Nghè, gồm các hạng mục như tuyến cống bao, cống đào hở, hố ga, thiết bị tách dòng (CSO), giếng (Shaft) và miệng xả ngầm. Nhiều kỹ sư từng tham gia thực hiện dự án Nhiêu Lộc – Thị Nghè cho biết gói thầu số 7 và gói thầu số 10 là hai gói thầu xương sống của dự án Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Tuy nhiên, trong quá trình thi công do liên tục chậm trễ tiến độ nên gói thầu số 7 phải chia nhỏ ra – phát sinh thêm gói thầu 7A (gồm cống đào hở, hố ga và thiết bị tách dòng – CSO).

Trong một báo cáo gửi UBND TP vào cuối tháng 8-2016, Trung tâm Chống ngập cho biết tại gói thầu số 7 và 7A xảy ra nhiều sự cố nghiêm trọng. Cụ thể, vào đầu tháng 6-2013, xuất hiện hố sụp trên tuyến cống dẫn dòng từ CSO C23A về giếng Shaft chính S23. Đến ngày 26-8-2013 lại xảy ra hố sụp trên tuyến cống dẫn dòng từ CSO C4C về giếng Shaft chính S4. Đầu năm 2014, các đơn vị liên quan lại xác định lưu lượng nước thải trong cống dẫn dòng từ CSO C27A về giếng Shaft phụ S27-d1 bị hạn chế gây tắc nghẽn dòng chảy…

 

 

Hố tử thần ở kênh Nhiêu Lộc là do nhà thầu Trung Quốc! - Ảnh 1.

 

Mô phỏng hoạt động của công trình Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Ảnh: TTCN
Thi công không đảm bảo, nhiều hệ lụy

Theo xác định của Trung tâm Chống ngập, nguyên nhân gây ra các sự cố trên là do chất lượng thi công không đảm bảo, nhất là tình trạng hở mối nối cống ở những tuyến cống dẫn dòng từ các CSO về giếng Shaft. Các sự cố này ngoài gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông, còn làm một lượng lớn vật liệu (cát, đá) chảy về trạm bơm Nhiêu Lộc – Thị Nghè ảnh hưởng đến công tác vận hành trạm bơm, gây tốn kém kinh phí duy tu, nạo vét hầm bơm.

Để thực hiện công tác khắc phục sự cố, BQL dự án và nhà thầu đã phải chặn dòng thoát nước tại thiết bị tách dòng khiến toàn bộ lượng nước thải thu gom không thể thoát về giếng lớn, phải thoát ra kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, gây ô nhiễm dòng kênh” – một kỹ sư tham gia khắc phục các sự cố cho biết thêm.

Trả lời PV về trách nhiệm của các đơn vị liên quan đến những khiếm khuyết và sự cố trên, Trung tâm Chống ngập cho biết công trình vẫn còn trong giai đoạn bảo hành nên chủ đầu tư có trách nhiệm chỉ đạo nhà thầu thi công sửa chữa những khiếm khuyết, hư hỏng công trình theo đúng quy định.

Về những sự cố liên quan đến các gói thầu của nhà thầu Trung Quốc, theo Trung tâm Chống ngập, do đơn vị này tiếp nhận công trình đã hoàn thành từ chủ đầu tư nên chỉ theo dõi các khiếm khuyết chung của cả dự án, không nắm rõ gói thầu nào do nhà thầu Trung Quốc thực hiện.

Tuy vậy, đại diện Trung tâm Chống ngập cũng kiến nghị UBND TP xem xét, chỉ đạo BQL dự án khẩn trương rà soát, kiểm tra cống ngầm của các tuyến cống băng kênh từ Shaft phụ sang Shaft chính trên tuyến cống bao và các CSO để đánh giá lại chất lượng công trình đã thi công. Việc này cũng nhằm đảm bảo an toàn giao thông trên hai tuyến đường ven kênh cũng như công tác vận hành công trình Nhiêu Lộc – Thị Nghè.

.

Các vụ nổ lớn tại các giếng Shaft
– Ngày 8-10-2012: Nổ tại vị trí giếng chính S13.
– Ngày 12-7-2013: Tại giếng chính S19, nắp giếng bị nứt vỡ, gây hư hỏng một phần mặt đường xung quanh giếng.
– Ngày 16-6-2014: Tại giếng chính S27 xuất hiện hiện tượng nổ gây hư hỏng một phần mặt đường, thảm cỏ, gây mất an toàn giao thông.
– Ngày 15-10-2015: Tại giếng chính S13 xuất hiện hiện tượng nổ gây hư hỏng một phần mặt đường và thảm cỏ xung quanh nắp giếng.
Được biết BQL dự án Nhiêu Lộc – Thị Nghè giải thích nguyên nhân gây ra sự cố nổ tại các giếng là do khí phát sinh trong tuyến cống bao D3000 trong khi thiết kế không phù hợp.
Theo Trung tâm Chống ngập, hiện tượng nổ tại các giếng có ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho người tham gia lưu thông trên hai đường Trường Sa và Hoàng Sa cũng như người dân khu vực. Về biện pháp xử lý trước mắt, theo đề nghị của Sở GTVT, Trung tâm Chống ngập đã thuê Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP gia công thay thế 12 nắp giếng định hình nhằm tăng cường khả năng thoát khí tại các giếng. Ngoài ra, về biện pháp xử lý triệt để, hiện BQL dự án đang nghiên cứu triển khai phương án lắp đặt ống thoát khí tại các giếng.
Theo Trung Thanh – Khang Bách
Pháp luật TPHCM

Tin bài liên quan:

Quảng Ngãi: Vẫn chưa hành động dù rõ ràng nhà thầu Trung Quốc đang làm xiếc

Phan Thanh Hung

VNTB – Âm mưu của Trung Quốc phía sau những xe hơi điện của Vinfast

Do Van Tien

VNTB – Kiện Trung Quốc: cả thế giới làm được, Việt Nam sao lại không?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.