VNTB – Kiện Trung Quốc: cả thế giới làm được, Việt Nam sao lại không?

VNTB – Kiện Trung Quốc: cả thế giới làm được, Việt Nam sao lại không?

Trần Dzạ Dzũng

(VNTB) – Chính phủ Việt Nam nói rằng kiện nhà thầu Trung Quốc vi phạm sẽ tốn nhiều tiền, mà lại khó thắng. Thật vậy không?

Trong báo cáo tình hình và kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của 12 đại dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương vừa gửi tới Quốc hội, cho biết trong trường hợp thua kiện, số tiền phải trả cho các nhà thầu Trung Quốc, cộng với tiền theo đuổi vụ kiện sẽ cao hơn tổng số tiền đang còn tranh chấp trong hợp đồng EPC (hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị, công nghệ và thi công xây dựng) của 5/12 dự án thua lỗ ngàn tỷ.

Nhà thầu Trung Quốc dễ thắng thầu vì biết ‘phải quấy’?

Báo chí đưa tin, trong số 12 dự án, doanh nghiệp thua lỗ ngàn tỷ, có 5 dự án có tranh chấp hợp đồng EPC, gồm DAP số 2 – Lào Cai; cải tạo, mở rộng nhà máy Phân đạm Hà Bắc; đạm Ninh Bình; nhà máy công nghiệp tàu thủy Dung Quất; và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên.

Nhiều nội dung trong hợp đồng EPC đã đàm phán nhiều lần với nhà thầu Trung Quốc, nhưng vẫn chưa thống nhất việc xác định giá trị quyết toán, do thay đổi về thông số kỹ thuật, xuất xứ, số lượng thiết bị và khối lượng phát sinh ngoài nội dung hợp đồng đã ký.

Chủ đầu tư và nhà thầu Trung Quốc chưa thống nhất trong việc xác định thuế phải nộp và tiền phạt chậm nộp thuế. Các tranh chấp quyết toán chi phí chạy thử, giá trị quyết toán thực tế không phù hợp với hợp đồng đã ký. Ngoài ra nhà thầu Trung Quốc chây ì không thực hiện các yêu cầu bồi thường chi phí dịch vụ kỹ thuật kéo dài, chi phí bảo dưỡng khắc phục hư hỏng thiết bị, thay đổi thiết kế, sửa chữa công trình đã thi công. ( tham khảo: https://tuoitre.vn/toan-canh-12-dai-du-an-thua-lo-ngan-ti-cua-nganh-cong-thuong-20190410123834377.html ).

Câu hỏi đặt ra: phải chăng hợp đồng EPC có một nhược điểm là khi xảy ra tranh chấp, bên chủ dự án luôn nhận phần thua thiệt? Và nếu đã như vậy thì vì sao Việt Nam lại chọn hợp đồng EPC để ký kết với nhà thầu Trung Quốc, bất chấp đây là quốc gia nổi tiếng là ‘bội tín’, và còn nổi tiếng hơn nữa trong thói quen ‘lại quả’, tức hối lộ cho quan chức quốc gia sở tại? Chính điều này sẽ dễ mang đến tâm lý ‘một cú ăn ba’ cho phía các chủ dự án ‘yêu thích hoa hồng’.

EPC là gói thầu hỗn hợp, được viết tắt từ cụm từ tiếng Anh: Engineering – Procurement of Goods – Construction. Tên đầy đủ của EPC là Hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình, theo Nghị định Chính phủ 37/2015/NĐ-CP. Có nghĩa trong cùng một gói thầu, nhà thầu chịu trách nhiệm cho cả ba nội dung công việc: tư vấn (khảo sát, thiết kế, giám sát xây dựng), mua vật tư và thiết bị, cũng như lắp đặt hoàn thiện công trình.

Điều kiện quyết định để dự án theo phương thức EPC đạt được hiệu quả cao, là nhờ sự hợp tác hiệu quả từ hai bên. Tuy nhiên ở thời điểm ký kết EPC với nhà thầu Trung Quốc, thì pháp luật Việt Nam chưa quy định cụ thể về loại hợp đồng EPC, ngoài một số nội dung khái quát nêu tại các Điều 30, 31 của Nghị định số 48/2010/CP-NĐ về quyền và nghĩa vụ của bên giao thầu, bên nhận thầu EPC, hay tại Điều 20, 21 của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP và số 99/2007/NĐ-CP về công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng. Do đó, khi áp dụng gói thầu EPC, không phải lúc nào các điều khoản trong hợp đồng cũng được hiểu và vận dụng đúng.

Có phải lỗi do Việt Nam thiếu luật?

Phải đến tháng 6-2015, với Nghị định số 37/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định số 48/2010/CP-NĐ, mới nêu chi tiết về EPC. Mặc dù ở đây không có tính hồi tố, song trong Nghị định này có điều khoản như sau:

“Điều 53. Xử lý chuyển tiếp

1. Các hợp đồng xây dựng đã ký và đang thực hiện trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì thực hiện theo quy định về hợp đồng xây dựng trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

2. Các hợp đồng xây dựng đang trong quá trình đàm phán, chưa được ký kết nếu có nội dung nào chưa phù hợp với quy định tại Nghị định này thì báo cáo người có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét, quyết định trên nguyên tắc bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả của dự án đầu tư xây dựng và không làm phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

3. Nội dung về hợp đồng xây dựng trong các hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đã phê duyệt nhưng chưa phát hành nếu có nội dung nào chưa phù hợp với quy định tại Nghị định này thì phải điều chỉnh lại cho phù hợp; trường hợp đã phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, nếu có thay đổi nội dung liên quan đến hợp đồng cho phù hợp với các quy định của Nghị định này, thì phải thông báo cho tất cả các nhà thầu đã mua hồ sơ dự thầu, hồ sơ yêu cầu biết để điều chỉnh các nội dung hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất cho phù hợp; trường hợp đã đóng thầu thì thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều này”.

Như vậy, cần minh bạch về trách nhiệm từ những quan chức, viên chức phía Việt Nam trong tranh chấp 5 dự án hợp đồng EPC mà chính phủ đang trình Quốc hội. Có phải họ đã không cập nhật các luật pháp chuyên ngành cho điều chỉnh những lỗ hổng trong quản lý ở hợp đồng EPC?

Tuy nhiên cũng sòng phẳng mà nói là ở đây không thể ‘đổ thừa’ sự chậm trễ của luật pháp Việt Nam. Trước hết, để thống nhất cách hiểu về bản chất loại hợp đồng EPC, về nghĩa vụ và quyền hạn theo hợp đồng của các bên, về sự phân bổ rủi ro cho mỗi bên, Hiệp hội Quốc tế các kỹ sư tư vấn (FIDIC) đã xây dựng và công bố bộ Điều kiện hợp đồng EPC mẫu vào năm 1999.

Trên thế giới, khi áp dụng hình thức EPC người ta sử dụng phổ biến bộ Điều kiện hợp đồng EPC mẫu do Hiệp hội Quốc tế các kỹ sư tư vấn (FIDIC) ban hành, để thương thảo, đàm phán các hợp đồng EPC. Với việc sử dụng bộ Điều kiện hợp đồng EPC của FIDIC, các bên chủ đầu tư và nhà thầu EPC có cách hiểu thống nhất về bản chất, về quyền và nghĩa vụ của từng bên theo hợp đồng.

Và nếu phía Việt Nam thực hiện theo như cả thế giới đang làm, thì khó thể đưa đến tình cảnh bi quan như hiện tại là “kiện nhà thầu Trung Quốc vi phạm sẽ tốn nhiều tiền, mà lại khó thắng”.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)