Nguyễn Cao
* Tác giả gửi bài cho VNTB
Thời gian qua, dư luận đặt ra câu hỏi: Nhận hối lộ tình dục sẽ bị xử lý như thế nào?
Trên thực tế, dù gọi là “hối lộ tình dục” nhưng hành vi này không cấu thành Tội nhận hối lộ tại điều 279 Bộ luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung bởi năm 2009) cũng như không cấu thành bất kỳ tội danh nào khác.
Đưa mỡ tới miệng mèo là… hối lộ?
Xảy ra chuyện quan hệ nam nữ để đổi lại vật chất thì đó là sự thỏa thuận của người nam và người nữ. Và họ hoàn toàn có thể nói đó là quan hệ tình cảm, nếu không đúng thì chỉ không đúng về đạo đức và cần được xem xét ở mặt đạo đức chứ không phải dưới góc độ hình sự.
Thực tế có thể cũng có việc mua nhà, mua xe cho bồ, hoặc có người dùng thân xác để làm con đường tiến thân. Tuy nhiên tất cả những lợi ích xảy ra đồng thời, hoặc sau khi có quan hệ tình cảm đều bị điều chỉnh bởi những phạm trù pháp luật khác. Trường hợp có chuyện “hối lộ tình dục” để nhận dự án nếu sai quy trình hoặc vi phạm thì thuộc sự điều chỉnh của luật đấu thầu, nếu hối lộ để thăng chức thì chịu sự điều chỉnh của luật công chức…
Và các loại lợi ích khác nếu được nhận sau khi có sự “hối lộ” bằng tình cảm thì đều thuộc phạm vi điều chỉnh của những hình thức pháp luật liên quan. Do đó thuật ngữ “hối lộ tình dục” chưa từng xuất hiện trong quá trình tố tụng, mặc dù ai cũng hiểu thế nào là “mỹ nhân kế”.
Gạ tình… là vô tội!?
Tuy nhiên khi những vụ việc báo chí đã nêu, như “thầy giáo gạ tình lấy điểm”, nhân viên bị sếp “gạ tình”… thì hành vi “gạ tình” đủ cho thấy rõ động cơ, mục đích của việc gợi ý nhận hối lộ về tình dục. Song không phải nạn nhân nào cũng dám tố cáo, thường ngậm bồ hòn làm ngọt.
Gạ tình được hiểu nôm na là hành động gạ gẫm tình cảm của người khác bằng các quan hệ vật chất, hay phi vật chất nhằm thỏa mãn dục vọng của bản thân trong khi người đó không muốn, hay chưa muốn.
Hiện tại, gạ tình là… vô tội, nếu như người bị “gạ tình” đã trên 16 tuổi.
Theo Điều 113 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định về tội “Cưỡng dâm”, người phạm tội thường dùng các thủ đoạn khác nhau như lừa phỉnh, mua chuộc, dụ dỗ, đe dọa hoặc bằng tiền bạc, lời hứa khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu.
Đây là tội có cấu thành vật chất, nghĩa là bắt buộc đã xảy ra việc người lệ thuộc phải miễn cưỡng giao cấu. Còn “gạ tình” là hành vi thể hiện chủ yếu bằng lời nói nên không có dấu hiệu của tội “Cưỡng dâm”, đương nhiên cũng chưa đủ cơ sở để cáo buộc trách nhiệm hình sự.
Gạ tình là đòi “hối lộ tình dục”?
“Nếu xem xét hành vi “gạ tình” như hành vi hối lộ bằng tình dục thì việc xử lý người “gạ” sẽ dễ hơn, không phải đợi đến khi hậu quả của việc hối lộ này diễn ra trọn vẹn như tội hiếp dâm. Việc xem xét đưa vào trong luật như một hình thức định khung của tội nhận hối lộ thì may ra việc đưa và nhận hối lộ bằng tình dục trong xã hội mới bớt. Chúng ta không thể vì thiếu luật, hoặc khó mà không quy định, luật có thể đưa ra để ngăn chặn, không chỉ để đảm bảo về mặt đạo đức mà còn ổn định xã hội”.
Theo Thẩm phán Tòa hình sự TAND TP.HCM, ông Vương Văn Nghĩa, không chỉ những vụ án lớn, án kinh tế mới thể hiện điều này mà trong nhiều vụ án rất bình thường nhưng hồ sơ thể hiện có việc hối lộ bằng tình dục để nhận được quyền lợi. Và thậm chí, trong những vụ tố cáo lừa đảo cũng có dấu hiệu của việc người có quyền hành và chức vụ gợi ý nhận tình dục để đánh đổi thứ mình có thể cho những người cần.
“Đó có thể là người có quyền hành và chức vụ, có chức năng tuyển dụng lao động, công chức viên chức đã không ngại ngần gợi ý việc được nhận hối lộ bằng tình dục, đổi lại người hối lộ sẽ nhận được công việc hoặc được tăng lương. Hoặc đơn giản, trong quan hệ cần sự đồng thuận của cán bộ, quan chức, doanh nghiệp cũng phải thực hiện hình thức hối lộ bằng tình dục để nhận được dự án, phê duyệt hoặc thông qua…”.
Thẩm phán Nghĩa cho biết tất cả những vụ việc khi thụ lý trong hồ sơ vụ án có thể hiện “gạ tình”, hiện tại đều không xử lý cho cáo buộc ở bất kỳ tội danh nào – kể cả “quấy rối tình dục”.
Bộ Luật Hình sự, Điều 279 “Tội nhận hối lộ”, quy định yếu tố bắt buộc để cấu thành “Tội nhận hối lộ” là đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.
Trong khi đó, tình dục không phải là tiền, tài sản và cũng không phải lợi ích vật chất nên không thể truy cứu trách nhiệm hình sự người nhận hối lộ tình dục.
** Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả, không mang tính đại diện cho Việt Nam Thời Báo