Việt Nam Thời Báo

Hội nhập TPP: Thách thức về sở hữu trí tuệ với Việt Nam

Khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình dương (TPP) có hiệu lực, các doanh nghiệp Việt Nam có thể đối mặt với những rào cản về chỉ dẫn địa lý.

Sản phẩm nông nghiệp gặp bất lợi


Việt Nam đã kết thúc vòng đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình dương (TPP) vào cuối năm 2015 và đến tháng 2/2016 sẽ ký kết hiệp định này và thực hiện các thủ tục pháp lý trình Quốc hội phê chuẩn để Hiệp định có hiệu lực.

Theo PGS, TS Trần Văn Hải, Chủ nhiệm môn Sở hữu trí tuệ, Trường Đại học xã hội và nhân văn, khi TPP có hiệu lực, các doanh nghiệp Việt Nam có thể đối mặt với những rào cản về chỉ dẫn địa lý.

Sản phẩm nông nghiệp Việt sẽ gặp bất lợi khi tham gia TPP. Ảnh minh họa
Việt Nam đang bước vào một thời kỳ phát triển mới, trên nền tảng và những kết quả tích cực đã đạt được của 30 năm đổi mới, giờ đây chúng ta bước vào quá trình hội nhập, sự hội nhập sâu rộng của cả nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.

Bối cảnh đó đòi hỏi chúng ta cần có sự chuẩn bị, thích ứng đầy đủ và phù hợp nhằm phát huy những lợi thế, hạn chế những khó khăn, chủ động tham gia tích cực và hiệu quả vào thị trường, xây dựng sự bền vững trong sản xuất và thương mại nông sản.

Tuy nhiên ông Hải dẫn thực tế là một quốc gia nông nghiệp, song Việt Nam không có sản phẩm nào được Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới nhắc đến trong danh mục các nông sản nổi tiếng thế giới. Theo đó danh mục này có trà Darjeeling, phomat Parmigiano, rượu vang Bordeaux, thịt bò Kobe, rượu Tequila Mexico…

Sau 15 năm kể từ ngày chỉ dẫn địa lý đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ, đến nay chúng ta đã có 46 chỉ dẫn địa lý, trong đó có 42 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, song việc bảo hộ này trong thương mại quốc tế chỉ ở mức khiêm tốn.

Theo ông Hải, hiện Cục SHTT của Thái Lan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” cho sản phẩm cà phê của Việt Nam, trước đó là chỉ dẫn “Phú Quốc” cho sản phẩm nước mắm được bảo hộ ở Liên minh Châu Âu. Trong khi Việt Nam bảo hộ rượu Pisco của Peru thì ngược lại, Peru không bảo hộ bất kỳ một chỉ dẫn địa lý nào cho sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.

“Đây chính là những điểm bất lợi của các DN Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp. Họ sẽ buộc phải để các quốc gia còn lại dẫn dắt cuộc chơi trong giao lưu thương mại liên quan đến nông sản, ít nhất là trong nội bộ các quốc gia thành viên TPP” – TS Hải nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Việt Thanh, hiện nhiều địa phương đã xác định chỉ dẫn địa lý là một trong những hướng đi nhằm xây dựng thương hiệu địa phương, phát triển sản xuất và thị trường cho sản phẩm nông sản.

Tuy nhiên, hiện nay chúng ta còn gặp nhiều khó khăn cả về thể chế chính sách và thực tiễn khai thác. Các mô hình quản lý chỉ dẫn địa lý còn gặp nhiều khó khăn, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý tham gia vào thị trường còn chưa nhiều, chỉ dẫn địa lý chưa hình thành một dấu hiệu nhận diện, sự nhận biết và tin tưởng của người tiêu dùng trên thị trường.

Sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, Việt Nam đã hội nhập một cách toàn diện và sâu rộng vào nền kinh tế thế giới đặc biệt là đối với các nước Châu Á Thái Bình Dương. Chính vì thế DN cần thể hiện được ý chí của mình, còn các cơ quan quản lý nhà nước cũng thấy rõ trách nhiệm trong việc hỗ trợ các DN về đổi mới công nghệ để có thể hội nhập một cách thành công vào nền kinh tế thế giới.

“Vấn đề đổi mới công nghệ được xem là vấn đề sống còn của DN Việt Nam. Trong giai đoạn sắp tới, chúng ta không thể cạnh tranh được với thế giới nếu như không đổi mới một cách toàn diện” – Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.

Theo đó, Bộ trưởng cho biết, Bộ KH&CN đã trình Thủ tướng Chính phủ hàng loạt các Chương trình quốc gia về KH&CN trong đó tập trung vào DN. Bộ KH&CN trong những năm qua đã xác định DN là trung tâm của quá trình đổi mới công nghệ và là địa chỉ để chuyển giao công nghệ, là nguồn cầu quan trọng của thị trường công nghệ và thậm chí cũng đóng 1 vai trò là nguồn cung công nghệ.

Trong quá trình đổi mới công nghệ của các DN, Bộ KH&CN đã thể hiện sự hỗ trợ của mình thông qua các chương trình đổi mới công nghệ quốc gia. Thủ tướng cũng đã cho phép thành lập Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia chủ yếu là để tài trợ, hỗ trợ cho DN đổi mới công nghệ.

“Chúng tôi sẽ đầu tư cho các DN chủ lực, các DN mũi nhọn để có thể đổi mới công nghệ. Bên cạnh các chương trình quốc gia dành cho DN, còn có các chương trình khác được Chính phủ phê duyệt các chương trình khác như chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao trong đó có 1 phần hỗ trợ cho các DN công nghệ cao, chương trình phát triển sản phẩm quốc gia cũng sẽ có hợp phần hỗ trợ các DN tham gia vào việc nghiên cứu, ứng dụng và phát triển những sản phẩm mang thương hiệu của Việt Nam như lúa gạo, vacxin…” – Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định.

Ngoài ra, Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cũng triển khai Dự án Hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam trong đó mục tiêu là hỗ trợ Việt Nam cải thiện về hệ thống đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý thông qua xây dựng một phương pháp tiếp cận mới, trên cơ sở bài học kinh nghiệm của Châu Âu, đặc biệt là Pháp, đồng thời cũng tiến gần đến sự hội nhập trong đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Theo Khám Phá

Tin bài liên quan:

VNTB – TPP: quyền người lao động khi Việt Nam ký kết vẫn chông chênh

Phan Thanh Hung

Vào TPP, tránh nhà đầu tư nước ngoài kiện Chính phủ

Phan Thanh Hung

(VNTB)-Tháng Chín TPP: Lá tử vi cuối cho Việt Nam?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo