Việt Nam Thời Báo

Khi tinh giản biên chế

Nếu như tăng tốc trong phát triển kinh tế để tạo ra những cú hích đưa đất nước đi lên thì tăng tốc trong tinh giản biên chế đang được coi là động thái giúp bộ máy làm việc theo hướng tinh gọn hiệu quả. Đó cũng là mục tiêu mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề ra trong nhiệm kỳ này; mục đích là làm sao để Chính phủ thực sự trở thành Chính phủ hành động kiến tạo, phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp và người dân.

Ảnh minh họa.
Câu chuyện tinh giản biên chế trong bộ máy nhà nước đã được đề cập đến nay đã 9 năm khi nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn từng đặt vấn đề: Khi không xác định được tiêu chí công việc của cán bộ công chức, viên chức thì không biết tinh giản ai. 2 nhiệm kỳ đã trôi qua, song lại một lần nữa tại phiên họp Chính phủ trực tuyến với các địa phương diễn ra ngày 1/7, vấn đề này được chính Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các địa phương, bộ ngành tích cực thực hiện theo Nghị quyết của Bộ Chính trị để tăng tốc độ giảm biên chế.
Sở dĩ “đưa ra khỏi bộ máy đối với những người không phù hợp” được tư lệnh ngành Nội vụ kiến nghị với người đứng đầu Chính phủ cũng như “tối hậu thư” đối với các lãnh đạo địa phương vào thời điểm này là bởi đã qua 2 nhiệm kỳ nhưng “cây được cắt tỉa cành mà cành lại mọc ra nhiều nhánh”.
Cũng là bởi trong 2 năm 2015-2016 tinh giản 15.779 người, tính bình quân mỗi năm giảm 1,5% thì con số này vẫn còn thấp. Muốn đạt mục tiêu phải tinh giản 40.000 người/năm như Nghị quyết mà Bộ Chính trị chỉ ra. Vậy là một con số cụ thể đã được ngành Nội vụ đưa ra với 15.779 người ra khỏi bộ máy. Con số này thấp hơn rất nhiều với những dự báo mà lâu nay nhiều người đã nhận định 30% công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”; hay chí ít con số đó cũng phải ở mức 2 con số như nhận định của Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến (một trong những địa phương đi đầu trong tinh giản biên chế) đã nhận định khi ông báo cáo Chính phủ cũng trong phiên họp trực tuyến với các địa phương cách đây tròn 2 năm. 
Vì những lẽ đó sự sốt ruột của Bộ trưởng Nội vụ cũng là điều có thể hiểu được. Nhưng còn đáng lo hơn khi theo người đứng đầu ngành Nội vụ “thời gian qua, việc tinh giản ở các địa phương, bộ ngành còn một số trường hợp không đúng đối tượng, không đúng tiêu chuẩn. Trong tổng số 15.779 người thì có 1.356 trường hợp không đúng đối tượng tinh giản”. Và “lướt” vào những con số có thể thấy ngót “10% tinh giản không đúng đối tượng”.
ĐBQH Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) đã từng đưa ra nhận định, với cơ chế, thể chế hiện nay chằng chịt nhiều mối quan hệ. Tại sao nói bộ máy nhà nước và biên chế, kể cả các tổ chức đoàn thể hoạt động bằng ngân sách nhà nước không giảm mà phình ra?
Theo ước tính, chi lương hết gần 400.000 tỷ đồng/năm, đó là chưa chi đủ chứ nếu chi đủ sẽ hết gần 1 triệu tỷ, bằng ngân sách thu một năm của đất nước. Chi hết rồi thì lấy đâu ra chi cho đầu tư phát triển!? Vậy rõ là từ Trung ương đến địa phương; từ người dân thường cho đến bản thân các ĐBQH ai cũng thấy điều này. Chỉ có điều… làm điểm chỗ này, chỗ kia; địa phương này, địa phương kia, tốn kém ngân sách là thế nhưng sau một hồi loay hoay lại vẫn trở về như con số cũ.
Sòng phẳng mà nói hàng loạt những giải pháp đã được các bộ, ngành địa phương đưa ra nhằm kéo giảm bộ máy khi ngân sách đã quá đỗi nặng, không thể “cõng” được.
Cụ thể nằm ở việc 71% ngân sách dùng để chi thường xuyên trong đó có tiền trả lương cho cán bộ. Song gốc gác của vấn đề nằm ở chỗ, một trong những nguyên nhân không giảm được biên chế là do trong tổ chức thực hiện theo báo cáo hàng năm của các cơ quan, bộ, ngành, địa phương chỉ có 1% cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, trong khi dư luận râm ran 1/3 cán bộ không làm được việc. Liệu có phải vấn đề nằm ở chỗ địa phương còn du di, qua loa, cả nể. Còn Trung ương thì thiếu kiểm tra, giám sát.
Làm sao có thể tinh giản được khi việc cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, chức năng nhiệm vụ chồng chéo, tinh giản biên chế chưa đạt hiệu quả yêu cầu? Làm sao có thể tinh gọn khi hiện nay có Nghị định 108 về tinh giản biên chế, nhưng các địa phương muốn tinh giản bộ máy lại phải trình Bộ Nội vụ duyệt? 
Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Võ Thị Dung, hồi còn là Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy đã từng thốt lên trước hội trường Quốc hội khi nói đến những “tréo nghoe” trong tinh giản biên chế từ câu chuyện thực tế tại địa phương rằng: “Đây là điều rất phi lý vì lộ trình muốn giảm 10% biên chế chưa nói đến việc chưa giảm đã phình ra, nhưng thủ tục để thực hiện tinh giản biên chế là phức tạp vô cùng. Hiện tinh giản biên chế ở TP HCM cũng “lúc lắc” vì quy định Đề án giảm biên chế phải Bộ Nội vụ duyệt”.
Vì vậy hơn lúc nào hết, cần phân cấp phân quyền mạnh mẽ cho các địa phương, để cho người đứng đầu các địa phương tự làm gọn bộ máy nhằm phù hợp với nhiệm vụ của địa phương mình, nhưng gắn với đó là trách nhiệm của người đứng đầu.
Mà cách làm cụ thể nhất đã cho thấy hiệu quả đó là tỉnh Quảng Ninh khi nhất thể hóa, nhập một số cơ quan Đảng với Nhà nước và giải quyết chế độ chính sách phù hợp cho số dôi dư đang được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Nhìn xa hơn, ngoài việc “cởi trói” cho các địa phương thì cốt lõi cũng nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ sở khi lựa chọn người làm việc cho mình thay vì cần “bàn tay quá rộng” can thiệp từ Trung ương. Và đây cũng là nhiệm vụ sống còn của sự phát triển kinh tế – xã hội chứ không đơn thuần nằm ở những thủ tục, những “cái gật đầu, hay những cú lắc đầu” từ phía Trung ương. 
Làm sao nâng cao được hiệu quả của bộ máy quản lý hành chính gắn với trách nhiệm, quyền lợi trong quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức phải tương xứng đi liền với hiệu quả chứ không phải “chạy” theo hệ số lương hay thời gian công tác.
Cải cách về thể chế cũng như quản lý cán bộ, làm sao để người lãnh đạo ngành, tư lệnh ngành có thể cách chức, sa thải thuộc cấp. Đó là những việc cần phải làm trong thời gian tới gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, đơn vị, địa phương. Nếu như còn sự du di, nể nang thì khó có thể làm cho cho bộ máy tinh gọn, hiệu quả hơn.
Nhưng quan trọng hơn hết tinh giản đúng đối tượng, tránh sử dụng việc tinh giản biên chế không đúng mục đích. Nếu không gắn với trách nhiệm của người đứng đầu có lẽ con số gần “10% tinh giản không đúng đối tượng” sẽ tăng lên trong thời gian tới có thể là cấp số (+) hoặc số (x). 

Làm sao nâng cao được hiệu quả của bộ máy quản lý hành chính gắn với trách nhiệm, quyền lợi trong quản lý cán bộ, công chức, viên chức; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức phải tương xứng đi liền với hiệu quả chứ không phải “chạy” theo hệ số lương hay thời gian công tác; cải cách về thể chế cũng như quản lý cán bộ, làm sao để người lãnh đạo ngành, tư lệnh ngành có thể cách chức, sa thải thuộc cấp. Đó là những việc cần phải làm trong thời gian tới gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

Theo Đại Đoàn kết

Tin bài liên quan:

Năm 2016 sẽ thực hiện tinh giản biên chế theo hướng nào?

Phan Thanh Hung

Việt Nam có 11 triệu người ăn lương Nhà nước

Phan Thanh Hung

VNTB – Một thông tư liên tịch thiếu thực tiễn

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo