Hòa Khánh, cộng tác viên Dân Luận
Tác giả gửi tới Dân Luận
Xin mượn tựa đề của một cuốn truyện dài vừa được phát hành tại Việt Nam để diễn đạt tâm trạng chung của những người làm truyền thông lề phải. Quả thật, trong bối cảnh các vụ xử phạt về đưa tin gần đây, người làm báo tại Việt Nam đang không biết đâu mà lần để vừa đáp ứng yêu cầu của bạn đọc vừa không phạm huấn với cơ quan quản lý báo chí.
SỰ THẬT, CÓ MẤY SỰ THẬT?
Từ vài tháng qua, những người làm báo tại Việt Nam đang hoang mang về các vụ xử phạt của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam. Gần đây nhất, ngày 6/7/2015, Thanh tra Bộ Thông tin &Truyền thông đã ban hành quyết định xử phạt báo Đời sống và Pháp luật 30 triệu đồng do vi phạm quy định của pháp luật về trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp khi đăng tải một bài viết liên quan đến tiểu sử Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh.
Theo quy định tại Điều 64 của Nghị định 174, mức phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng được áp dụng cho các hành vi: Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc pháp uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Cung cấp nội dung thông tin không phù hợp với lợi ích đất nước; Đăng, phát bản đồ Việt Nam không thể hiện đầy đủ hoặc thể hiện sai chủ quyền quốc gia; Đăng phát các tác phẩm đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu…”
Trên Facebook, một nhà báo đề nghị không nêu tên bức xúc: “Tóm lại là báo Đời sống và Pháp luật đăng nội dung gì? Có vi phạm với nội dung trích dẫn ở trên không? Bôi nhọ bộ trưởng về hành vi gì, tham nhũng hay bất tài, hay gì mà không nói cụ thế ra để báo khác còn rút kinh nghiệm, lấy đó làm gương? Có vu khống, xuyên tạc v.v… không? Theo nội dung bài báo đăng đã bị xoá, chỉ đơn giản thông tin tình trạng khám chữa bệnh của bộ trưởng và đăng tiểu sử. Không lẽ đăng sai tiểu sử? Hư cấu tiểu sử của bộ trưởng? Nếu thế phạt vậy còn hơi ít!”.
Những người làm báo không quên rằng chỉ hơn nửa năm trước, vào tháng 10-2014, công ty Phần mềm và Truyền thông VASC bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 60 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép một tháng đối với trang http://megafun.com.vn, do đăng bài “Nếu có con trai, tôi cấm nó yêu gái Hải Phòng”. Và cũng vì đăng lại bài này, công ty cổ phần công nghệ EPI, đơn vị sở hữu baomoi.com, đã bị xử phạt liên đới 10 triệu đồng.
Cùng thời điểm đó, trang mạng haivl. com của Công ty APPVL bị rút giấy phép hoạt động và công ty này bị phạt 205 triệu đồng vì “vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về thông tin điện tử trên mạng”. Cùng cảnh ngộ, website 2sao.vn bị xử phạt 55 triệu đồng và treo giò trong 3 tháng vì đăng bài “Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”.
Cách đây khoảng một năm, những người trong làng báo Việt Nam vẫn băn khoăn, hoang mang về dư chấn của vụ ba tờ báo bị xử phạt vi phạm hành chính vì đã “thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng”. Điều đáng nói ở đây là khác với vụ phạt trước đó nhắm vào một trang tin điện tử không mấy tên tuổi, Tri Thức Trẻ, lần này, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam chĩa mũi dùi vào ba tờ báo “có tóc”: Tiền Phong, báo điện tử Đất Việt và báo điện tử Kiến thức, mỗi tờ bị xử phạt 60 triệu đồng, tương đương gần 3.000 Mỹ kim. Vấn đề khiến người làm báo trong nước không tâm phục khẩu phục là “thông tin sai sự thật” và “sự thật” ở đây mang hàm ý nào?
Những ai đã đọc qua bài viết vào hồi đầu tháng 8/2014, khiến các tờ báo nêu trên bị phạt đều cảm thấy có điều gì lấn cấn trong quyết định của cơ quan quản lý truyền thông. Nội dung bài báo liên quan tin về một bài tập làm văn được cho là của một học sinh tiểu học ở Quy Nhơn, gửi thư cho bố là người lính trực chiến ở đảo. Trong tấm ảnh chụp trang thư, em bé “hồn nhiên” kể về mối quan hệ ngoại tình giữa mẹ và một công an phường. Và để nội dung này hấp dẫn bạn đọc, báo Đất Việt giật tít “Bài văn của trẻ khiến giáo viên và phụ huynh ngã ngửa”. Báo Tiền Phong đăng bài dưới tựa “Thư gửi bố: Chú công an phường ngày nào cũng đến ăn cơm”, trong lúc trang Kiến Thức lại chạy tít “Xôn xao con gái gửi thư cho bố công tác xa”.
Quyết định xử phạt số 665/QĐ-XPVPHC của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông khiến dư luận đặt vấn đề: Thế nào là “gây ảnh hưởng nghiêm trọng”? và liệu các tờ báo trên có đáng bị phạt bởi bài báo đó?. Trên trang cá nhân trên Facebook, một người làm tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội, đưa ý kiến: “ Mình dịch tóm tắt tin ba tờ báo Việt Nam bị phạt vì đăng thư trẻ con gây chia rẽ lực lượng vũ trang ra tiếng Anh. Không biết người nước ngoài đọc xong có cười nghiêng ngả không nhỉ? Cá nhân mình nghĩ mấy báo đăng cái thư vớ vỉn đó thật là buồn cười, nhưng mà một cơ quan chức năng lại đi phạt mấy báo đó còn buồn cười hơn”.
Trong khi đó, trên trang Viet-studies.info, ông Trần Hữu Dũng, giáo sư kinh tế học của Đại học Wright State tại Dayton, Ohio, Mỹ, bình luận: “Không nên so bì với Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân. Ba ‘ấn phẩm’ này không phải là báo nên muốn đăng bao nhiêu tin sai sự thật cũng chẳng sao”. Có thể là qua vụ xử phạt báo chí này, Bộ Thông tin muốn khẳng định rằng ở chế độ này không tồn tại đồng chí công an khu vực nào tốt với dân như thế và cũng chẳng có anh bộ đội nào dại đến thế nên 3 tờ báo mạng đưa “tin tốt đẹp” đều phải lãnh án phạt thích đáng.
ÁP LỰC “ĐÚNG ĐƯỜNG LỐI VÀ HẤP DẪN BẠN ĐỌC”
Nếu chịu khó nhìn vào bề chìm của tảng băng truyền thông Việt Nam, người ta có thể thấy những người làm báo lề phải đang loay hoay, chông chênh giữ tiêu chí phải vừa “đúng đường lối, định hướng cho dư luận” và vừa “hấp dẫn bạn đọc”. Trong thời công nghệ thông tin và thế giới phẳng, người đọc có cơ sở để hoài nghi những bản tin người tốt việc tốt, lạc quan về tình hình kinh tế xã hội để tham chiếu các nguồn tin trên mạng xã hội, lề trái mà họ nghĩ là đáng tin cậy hơn. Nếu chỉ nhìn vào thống kê những từ khóa được người Việt tìm kiếm trên Google (hot searchs) trong thời điểm hiện nay, chúng ta sẽ thấy các từ: “đồ chơi tình dục, giết người, hiếp dâm…”. Do vậy, các trang tin điện tử không có chọn lựa nào khác ngoài việc chạy theo thị hiếu bạn đọc, tăng cường các dạng tin kiểu “cướp-giết-hiếp”, khai thác thân phận của thủ phạm, nạn nhân vụ án.
Trong bối cảnh đó, các tờ báo mang tính chính thống mắc kẹt giữa chuyện phục vụ lợi ích của bạn đọc và nhiệm vụ tuyên truyền đường lối. Không lạ gì chuyện một bài báo đã lên khuôn về lòng yêu nước, đề xuất giải pháp thoát Trung… bị cơ quan chủ quản gác lại vào giờ chót chỉ bằng một lệnh miệng, để bảo toàn cái ghế cho anh Ba, anh Tư nào đó trong ngành truyền thông. Dễ hiểu tại sao gần đây, báo điện tử VietnamNet là báo điện tử mới nhất phải bỏ nút “Không thích” đi kèm các bài viết để người đọc nay chỉ có thể khen chứ không thể chê. VietnamNet không giải thích tại sao bỏ nút “Không thích”, nhưng báo này từng gặp vấn đề hồi tháng 2/2014 với bài báo “Việt Nam báo cáo Liên Hợp Quốc về nhân quyền”, ca ngợi thành tích nhân quyền của Việt Nam. Bài viết đi kèm hai nút “Thích” và “Không thích” cho người đọc bầu chọn. Chỉ sau một ngày, số người thích là 82 và số người không thích là 3.892.
Các báo lớn ở Việt Nam như VnExpress, Tuổi Trẻ và Thanh Niên hiện đều không có nút “Không thích”. Một số báo như Tuổi Trẻ, Người Lao Động kiểm soát comment của bạn đọc rất chặt để phòng ngừa những ý kiến phản biện trái chiều với lối tuyên truyền trong bài báo. Điều này cho thấy chủ bút của những tờ này sẵn sàng đánh đổi tính tương tác với người đọc cho sự an toàn của cái ghế.
Trong bối cảnh đó, các tờ báo mang tính chính thống mắc kẹt giữa chuyện phục vụ lợi ích của bạn đọc và nhiệm vụ tuyên truyền. Trang tin điện tử của công ty tư nhân càng loay hoay hơn. Có nơi đã thuê chuyên gia marketing online với hy vọng sẽ tăng lượt pageview cấp kỳ với tốc độ tên lửa. Vị chuyên gia tóc vàng, kg biết tiếng Việt và cũng kg rành môi trường truyền thông trong nước chỉ biết bám víu vào Google trends để chỉ đạo nội dung theo kiểu “nó có cái gì, mình có cái đó”. Và vì “kg biết gì về điện”, vị này chỉ đạo phải có tin bài chế giễu chú Ủn…
Trong một diễn biến mới nhất, một người làm trong công ty truyền thông sở hữu cụm báo giải trí lớn nhất tại Sài Gòn tiết lộ một “điệp vụ bất khả”: Do doanh thu quảng cáo từ báo giấy sút giảm nghiêm trọng, công ty này buộc phải tập trung vào thị trường digital media. Vậy là chủ công ty buộc người nắm nội dung một tờ báo điện tử của công ty phải tăng lượt pageview đều đặn 10% mỗi tháng, nghĩa là tăng 120% sau một năm. Kèm theo là yêu cầu nội dung phải vừa hấp dẫn như CNN vừa đúng định hướng để loại trừ khả năng bị xử phạt do đăng những tin dễ bị Bộ Truyền thông chụp mũ “thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng”.
Quả là “điệp vụ bất khả” còn gay cấn hơn những thử thách mà tài tử Tom Cruise phải đối mặt trong loạt phim ăn khách “Mission Impossible” phải không?
https://www.danluan.org/tin-tuc/20150706/hoa-khanh-khong-biet-dau-ma-lan