Việt Nam Thời Báo

Kinh tế thị trường có xu hướng ngày càng méo mó và phân cực *

Trong các văn kiện của Đảng và Chính phủ, luôn có nhận định ít thay đổi từ hàng thập niên qua là nền kinh tế thị trường chưa vận hành đồng bộ. Đó là một cách nói. Còn nói thẳng ra thì kinh tế thị trường đang có xu hướng méo mó và ngày càng phân cực.

Kinh tế thị trường trong nhiều lĩnh vực bị méo mó vì các nơi có cách làm riêng cho mình. Trong nhiều trường hợp đáng lý là quan hệ cung cầu, thì đồng tiền, quyền lực và sự duy ý chí lại đi trước dẫn dắt thị trường. Thất bại của thị trường vì vậy nhiều vô kể. Đáng chú ý nhất là lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản, y tế và giáo dục. Nghiêm trọng nhất có lẽ trong nông nghiệp ở ngay tại một quốc gia sống nhờ vào nông nghiệp. Còn cái gọi là thị trường lao động? Đó là nơi cung cấp lao động giá rẻ, thiếu kỹ năng cho thế giới.

Các nhóm lợi ích luôn vận động để triển khai kinh tế thị trường 100%. Nhưng chỉ ở những khu vực nào mà họ thấy béo bở nhất. Giải pháp tiến tới kinh tế thị trường thuần túy sẽ là một cái bẫy và là con đường nhanh nhất dẫn đến lũng đoạn, độc quyền và chủ nghĩa tư bản hoang dại nếu vẫn duy trì mô hình quản lý cùng với các nhóm lợi ích và chủ nghĩa tư bản thân hữu như hiện nay.
Các nhóm lợi ích luôn vận động để triển khai kinh tế thị trường 100%. Nhưng chỉ ở những khu vực nào mà họ thấy béo bở nhất. Ở một thái cực ngược lại, trong những lĩnh vực khác như xăng, dầu, điện, khoáng sản, cũng chính họ lại ủng hộ sự can thiệp của nhà nước vào thị trường mạnh mẽ nhất. Ảnh: THÀNH HOA
Ở một thái cực ngược lại, trong những lĩnh vực khác như xăng, dầu, điện, khoáng sản, cũng chính họ lại ủng hộ sự can thiệp của nhà nước vào thị trường mạnh mẽ nhất. Các tập đoàn kinh tế nhà nước được ra đời và nuông chiều từ đây. Cụm từ vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và định hướng xã hội chủ nghĩa mặc nhiên được sử dụng. Chấp nhận thiếu và yếu về lý luận. Né tránh giải quyết tận gốc rễ những thực tế phơi bày ở các DNNN, tập đoàn kinh tế đang hoạt động thiếu hiệu quả, nợ nần và tham nhũng.

Cách đây nhiều năm có một tia hy vọng lóe lên khi nghe nói đến một nhà nước kiến tạo phát triển. Khái niệm nhà nước kiến tạo phát triển (developmental state) hay một chính phủ vững (hard state) trên thế giới có nguồn gốc hàm ý đến một sự can thiệp nhất định của chính quyền trung ương vào nền kinh tế. Còn nội hàm ở Việt Nam? Cho đến giờ chỉ có thể mường tượng là một nhà nước có chức năng xây dựng quy hoạch phát triển theo một chiến lược công nghiệp hóa và tạo môi trường cho các thành phần kinh tế cùng phát triển. Đây là một mơ ước rất tốt đẹp. Nhưng kiến tạo phát triển đâu đến từ câu chữ mang tính hình thức. “Kiến tạo” phải dẫn đến một chính phủ hiệu năng và thông minh và cần nhiều công sức để xây dựng chứ không dưng mà có.

Vậy kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hay một nhà nước kiến tạo phát triển sẽ là lối thoát cho những yếu kém nói trên? Bởi bất chấp những nỗ lực trên các nghị quyết, nhiều năm qua vẫn thấy các thất bại của thị trường là nhan nhản, tác động mạnh và trực tiếp hơn đến đời sống người dân. Như thị trường không ra thị trường, nhà nước không ra nhà nước của giá điện, xăng, dầu.

Lý do tại sao vậy? Câu hỏi đúng nên đặt ra là gì? Chính phủ nên can thiệp nhiều hơn: tung thêm nhiều gói kích cầu cho giới bất động sản, nông nghiệp, mua thêm các ngân hàng 0 đồng? Hay chính phủ can thiệp ít hơn và để cho thị trường tự do vận hành và tự hủy diệt sáng tạo?

Thực tế cho thấy câu hỏi đúng cần đặt ra phải chăng thất bại thị trường có nguồn gốc chủ yếu từ thất bại của cách tổ chức bộ máy vận hành. Vậy đâu là chứng cứ? Hãy nhìn vào xếp hạng của các tổ chức quốc tế về hiệu năng quản lý của chính phủ, tính minh bạch, giải trình trách nhiệm nhiều năm liền chỉ luẩn quẩn nhóm cuối của thế giới. Hãy nhìn vào những thất bại thị trường trong các lĩnh vực trọng yếu mà chính phủ vẫn chưa thể chỉnh sửa hiệu quả. Nên đặt vấn đề trực diện như thế để thấy ngay vấn đề cốt lõi.

Nhưng kiến tạo phát triển đâu đến từ câu chữ mang tính hình thức. “Kiến tạo” phải dẫn đến một chính phủ hiệu năng và thông minh và cần nhiều công sức để xây dựng chứ không dưng mà có.
Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy thất bại của chính phủ thường nghiêm trọng, kéo dài và ít có khả năng chỉnh sửa tự bản thân mình hơn so với thất bại của thị trường. Do đó điều tối kỵ là không thể đem các thất bại của chính phủ vào để chỉnh sửa các thất bại của thị trường.

Khi bàn về mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường, nhiều nhà kinh tế lấy ví dụ về một cuộc thi chọn ra người đẹp nhất trong số hai người dự thi. Ứng viên thứ nhất vào thi. Giám khảo ồ lên: xấu quá! Hãy trao ngay giải nhì cho người này. Ứng viên thứ nhất (thị trường) đúng thật xấu xí. Nhưng tại sao phải chọn ứng viên thứ hai (nhà nước) khi mà không ai nhìn thấy? Đây được gọi là sự can thiệp vô hình của nhà nước.

Vậy động lực nào để tự nguyện thay đổi cái vô hình mà đâu dễ nơi nào trên thế giới có được? Hay phải tiếp tục chờ đợi để và phải tiếp tục học tập và triển khai dưới ánh sáng lóe lên của những nhận thức cũ đến từ một vài hội thảo mới của giới tinh hoa lý luận có gốc rễ từ các kinh điển đúng đời đời như một giải pháp thường thấy?

Theo TBKTSG

Tin bài liên quan:

VNTB – Định nghĩa mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN (phần II)

Phan Thanh Hung

VNTB – Đối và thoại

Phan Thanh Hung

VNTB – Lá diêu bông xã hội chủ nghĩa…

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.