Việt Nam Thời Báo

Lại có điều hầu chuyện với anh Trọng

Nhiều lần, tôi đã thưa với các vị lãnh đạo rằng chớ nhục nhã đi xin xỏ các nước tiên tiến giàu có: “xin công nhận cho chúng tôi quy chế kinh tế thị trường”, mà hãy quay về xin với nhân dân “hãy làm kinh tế thị trường cho đúng nghĩa, thực chất, văn minh và lành mạnh.”  Các nước tiến bộ, giàu mạnh, họ không xin xỏ như vậy. Nhà nước của họ, và các chính đảng dân tộc, dân chủ của họ, phấn đấu để tạo ra luật lệ cần thiết và đầy đủ về mọi yếu tố của kinh tế thị trường để cho nhân dân, trong đó bộ phận dân làm doanh nhân có đầy đủ mọi điều kiện để làm kinh tế thị trường đúng nghĩa và lành mạnh văn minh. Ít thấy những nước Nhật, Hàn, Singapore, Indonesia, Ấn…đi van nài như vậy. Khi đất nước của họ có nền kinh tế thị trường đúng nghĩa rồi thì không cần xin xỏ ai nữa. Cố nhiên, họ không cần cho mọc cáí đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” làm gì. Tôi xin lưu ý cái sự mọc đuôi là một dấu hiệu của thoái hóa. Cứ xem “Trăm năm cô đơn” thì rõ.

(Vấn đề “xin, cho”: dấu chỉ hủ lậu của văn hóa Việt)
Lần này tại “Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế” ở Hoa Thịnh Đốn, anh một lần nữa, lặp lại, như nhiều vị lãnh đạo khác khi ra nước ngoài.Báo chí đưa tin, tại đây, “Tổng bí thư kêu gọi Mỹ sớm công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam…”  (Báo Tuổi trẻ (Sài gòn)10-7-2015). Cớ sao anh không nói rõ với họ, các chính đảng yêu nước, các cấp chính quyền Việt Nam phấn đấu tạo ra mọi luật lệ văn minh để Việt Nam nhanh có nền kinh tế thị trường đặng hợp tác bình đẳng và có hiệu quả với Mỹ cũng như với các nước khác. Tôi nghĩ, chắc rằng anh có thể  “tin tưởng” hơn, khi đi Mỹ về, hãy thúc đẩy thay đổi thể chế, làm kinh tế thị trường cho đàng hoàng, không đánh tráo khái niệm. Riêng cái yếu tố, tôi cho là cơ bản, quan trọng nhất của kinh tế thị trường là quyền sở hữu, thì chúng ta đang rất lạc hậu, lúng túng. Vì thế lại tìm cách đánh tráo khái niệm. Trong khi chính Mác đã điều chỉnh nhận thức cho phù hợp, khi cuối đời ông khẳng định: “Các nhà sản xuất (doanh nhân) chỉ trở nên tự do,một khi họ có quyền sở hữu: đất đai, nhà xưởng, tàu bè, ngân hàng, tín dụng…”(dẫn theo Marx sa vie et son oeuvre, Jean Eleinstein, nxb Fayard.) Tôi lại xin trích một mệnh đề có ý nghĩa triết học về pháp quyền. Mác nói: “Khi, cùng với sự phát triển về mọi mặt của các cá nhân, sức sản xuất cứ càng ngày càng tăng lên, và tất cả các nguồn của cải công cộng đều tuôn ra dồi dào, thì chỉ khi đó người ta mới có thể vượt hẵn ra khỏi cái giới hạn chật hẹp của pháp quyền tư sản.” (C.Mác,  Phê phán cương lĩnh Gotha). Vậy thì ta phải loại bỏ tư duy Mác Lê lạc hậu và xuyên tạc đi. Chớ vội nhảy cỡn vào cái gọi là pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Và ta có thể sống, làm việc chân thực, không đánh lừa bằng cách đánh tráo khái niệm. Anh cứ thử nghĩ mà xem, ngay ở những nước trong G7, hai yếu tố và điều kiện cơ bản và quan trọng nhất là con người phát triển toàn diện, và nền kinh tế tuôn trào dồi dào cũng còn lâu mới tới, mà biết khi nào thì có con người toàn diện…Thế mà họ cũng chỉ dám cải tiến từng bước nền pháp quyền “tư sản”, có ai dám phiêu lưu và ngu muội để tuyên bố phải có một nền pháp quyền khác đâu. (Nhân nói tư sản, ĐCSVN hiểu một cách sai lầm rằng tư sản là giai cấp bóc lột. Thực ra tư sản có nghĩa là con người của xã hôi văn minh đô thị và công nghiệp! Xã hội Tây phương mấy trăm năm nay họ điều tiết xã hội theo hướng đó, cải tiến từng bước để có một xã hội văn minh đô thị và công nghiệp, hiện đại rồi hậu hiện đại. Họ chính là bài học, như Mác và Ăng ghen nói là “những thực tế văn minh của những dân tộc hiện đại” mà những người cộng đồng chủ nghĩa phải bắc chước và học hỏi.

Nhân anh học được câu nói hay của Roosevelt về lòng tin tưởng, tôi nghĩ là ta phải hướng cái tin tưởng của ta vào những gì là hợp lý và tốt đẹp cho Dân tộc. Tôi cũng tin rằng, nếu chúng ta sửa đổi thể chế cho tận cùng, chớ nửa vời, chớ “giáo điều ba rọi” chúng ta sẽ xây dựng được nền kinh tế thị trường lành mạnh, văn minh khiến nội lực Việt Nam lớn lên. Một nền kinh tế thị trường văn minh, lành mạnh, chỉ có trong một xã hội dân chủ phát triển, nhân dân thật sự là chủ thể của xã hội, họ có mọi quyền tự do, không còn là thân phận thứ dân, thường dân, thần dân như họ đang phải hứng chịu.

Anh từ Mỹ về, hãy đem những “thực tế văn minh tiến bộ của một Dân tộc hiện đại” làm bài học cho Việt Nam. Hãy từ bỏ cách nghĩ thực chất là của Liên Xô và Trung Cộng, chúng mớm cho ta kèm theo với vũ khí và lương thực, rằng Mỹ là đế quốc sài lang, là kẻ thù nguy hiểm nhất. Thế mà cái kẻ chúng ta coi là bạn bè chí cốt là Tàu lại từng đem quân xâm lược nước ta (chúng không xâm lược sao vẫn chiếm những cao điểm của chúng ta, lấn chiếm biên giới nước ta, cướp Hoàng Sa và một phần Trường Sa của chúng ta!). Chúng ta vẫn chơi với Tàu và chỉ đàng hoàng bình đẳng với họ khi biết hợp tác cùng những nước văn minh giàu mạnh như Mỹ… khiến cho nội lực Việt Nam lớn mạnh. Anh học sử chắc anh biết bài học minh triết về nhu cầu lớn, mạnh nhanh của Phù Đổng. Dân tộc ta, khi bước vào một khúc quanh của lịch sử, thì bài học “lớn nhanh lên” bao giờ cũng phải tâm niệm. Chúng ta đã học lấy những thực tế kém văn minh và cố giữ chúng lại coi đó là bản chất và phẩm chất, cho nên, nay đang trở nên lạc hậu rất xa so các nước trong vùng… Thành ra ngày nay trước sự uy hiếp của Tàu, chúng ta đang gặp rất nhiều khó khăn lớn. Làm sao để đi nhanh, nếu không vứt bỏ cái ba lô nặng trĩu đầy những thứ phế thừa, lại không chịu cắt bỏ những dây dợ ràng buộc  vô lối, vô nghĩa.

Nhân anh trích câu nói hay của Roosevelt, giá mà anh mời tôi đi cùng. Tôi sẽ mách cho anh một câu nói của Thomas Jefferson, cha đẻ của Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ: “Nếu biết hài hòa minh triết vào quyên lực, chúng ta sẽ ít dùng quyền lưc, mà hiệu quả lớn.” Ở Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội hiện có đôi câu đối, một vế của nó là: Dưỡng Minh Triết Dĩ Kế Trị, Thăng Long Kinh Trường Tụ Tinh Hoa. (Nghĩa cũng thâm thúy chẳng kém gì, nuôi dưỡng minh triết để nối tiếp cuộc trị bình, kinh đô Thăng Long mãi mãi quy tụ tinh hoa). Minh triết là tinh hoa của tư tưởng Việt. Nếu biết hài hòa với kiến thức đúng đắn, hợp lý và kinh nghiệm tốt đẹp hiện đại, chúng ta sẽ không cần Mác Lê mà vẫn có những kim chỉ nam tốt nhất để định hướng cho phát triển và phục hưng dân tộc, chạy đua rút ngắn cái thời gian đã mất. Người ta có thể nói hay ở diễn đàn,nhưng kết quả lại chỉ đo ở việc làm. Hãy nâng Dân lên, để Dân là chủ thể làm được mọi việc tốt lành cho những quan hệ tốt đẹp với “Mỹ”. Vì Mỹ cũng là đẹp.

Sau cùng tôi muốn thưa với anh chút hiểu biết về cái gọi là mặt tối của văn hóa: tinh thần “xin, cho”.  Văn hóa Việt Nam ghi lại nhiều dấu tích của tinh thẫn xin cho. Các triều đình phong kiến luôn giành cho mình quyền lực tuyệt đối, và cả ngàn năm nuôi dưỡng tinh thần xin cho. Thần dân chỉ cắn rơm cắn cỏ van xin. Với Bắc quốc dẫu có đánh thắng họ rồi cũng sai sứ đi cầu phong. Khi Hồ Chí Minh lãnh đạo đất nước tiến nhanh, tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội, thì vẫn sai các ủy viên bộ chính trị “cắp rá đi xin ăn” (lời của Lê Thanh Nghị) khắp các nước xã hội chủ nghĩa!

Trong xã hội ta hiện nay tinh thần xin cho vẫn tràn ngập. Bởi thể chế của chúng ta xây dựng trên triết lý đảng lãnh đạo (mà đảng trong thời đại dân chủ, nhưng độc tôn, độc quyền ,độc nguyên), nhà nước quản lý (mà nhà nước không tam quyền phân lập, gần đây trước tình hình phổ biến của thời đại, không thể cứ quê mãi, nên đã đánh tráo khái niệm này để đánh lừa đông đảo người dân thiếu học, khi chỉ cho là sự phân biệt giữa ba cơ quan quyền lực (!), dân làm chủ. Làm chủ của dân chỉ là hình thức, mọi chuyện đều phải xin đảng, xin nhà nước. Ở những nước văn minh, tiên tiến, họ đề cao triết lý “La suprême du Peuple”- Quyền tối thượng của nhân dân, nên người dân, xã hội dân sự có thực quyền, tinh thần xin cho được thay thế bởi tinh thần dân chủ, dân quyền. Vậy nên hai cụ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh đã khẳng định: “Nước được độc lập mà không có dân quyền cũng vô nghĩa.” Dẫu Hồ Chí Minh có lúc nói được những câu nghĩa lý, như trong bài Dân vận, ông nói “Bao nhiêu quyền hạn và lực lượng đều ở nơi Dân”. Nhưng thể chế không tốt, luật lệ thiếu sót, rút cục Dân vẫn chỉ là thân phận kẻ đi xin mà thôi.

Loại bỏ tinh thần đi xin, kiến taọ một tinh thần tự lập, tự chủ, phải xây dựng nền văn hóa mới, nền chính trị mới. Liệu từ Mỹ về, anh có trí, có dũng có tâm để Đại hôi XII là sự khép lại một thời kỳ trì trệ, xin xỏ,mở ra một thời kỳ mới của phục hưng, phát triển, dân tộc và dân chủ của Việt Nam hay không.”Ny pagadi” (tiếng Nga: hãy chờ xem)./.

Theo Nguyễn Khắc Mai (Viet-studies)

Tin bài liên quan:

Sửa điều luật “công nhân có lương hưu”: 99/153 (64%) đại biểu đồng tình

Phan Thanh Hung

Mỹ: TQ chớ hiếp đáp VN, Philippines trong vấn đề Biển Đông

Phan Thanh Hung

TBT Nguyễn Phú Trọng và mối quan hệ tay 3 Việt Nam, Trung Quốc, Hoa Kỳ

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo