“Lấy tiếng” đổ vốn vào nông nghiệp, đại gia tận dụng ưu đãi?

Không ngoại trừ khả năng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, sắt thép lấy tiếng đầu tư nông nghiệp để lấy tín dụng với lãi suất thấp, dùng tiền đầu tư vào lĩnh vực khác, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

TS. Nguyễn Trí Hiếu.
Thời gian vừa qua, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, sản xuất thép…  đổ vốn vào lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất thức ăn chăn nuôi, ông nhận định như thế nào về xu hướng này?
Một doanh nghiệp có thể đầu tư vào các ngành nghề khác nhau, không riêng Việt Nam mà đây là nguyên tắc chung nhiều tập đoàn trên thế giới đã và đang làm.
Tuy nhiên, ở Việt Nam quá khứ cho thấy việc đầu tư ngoài ngành dẫn đến nhiều tác động tiêu cực. Một trong những tiêu cực đó là doanh nghiệp có tiền đầu tư vào các lĩnh vực khác với mục đích bành trướng thế lực tài chính, không hoàn toàn từ mục tiêu kinh tế. 
Sau thời gian hoạt động, có doanh nghiệp không kiểm soát đầu tư ngoài ngành đưa đến thua lỗ. Trong khi những doanh nghiệp không thua lỗ lại lợi dụng lũng đoạn thị trường.

Cụ thể, trong ngành ngân hàng, một số “đại gia” xuất phát từ việc đầu tư từ lĩnh vực nguyên thủy của họ sang lĩnh vực ngân hàng với ý định thâu tóm.

Tại Việt Nam trong khoảng 20 năm trở lại đây việc nhiều doanh nghiệp có tiền đầu tư vào lĩnh vực ngoài ngành là không hợp lý, gây ra thiệt hại, thậm chí đổ vỡ.
Có ý kiến cho rằng thực chất việc doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, doanh nghiệp tận dụng ưu đãi lãi suất, dùng nguồn vốn này vào lĩnh vực bất động sản, sắt thép… quan điểm của ông như thế nào?
Không ngoại trừ khả năng các doanh nghiệp lấy tiếng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để lấy tín dụng với lãi suất thấp, dùng tiền đó để đầu tư vào lĩnh vực khác trong đó có bất động sản, chứng khoán.
Trong quá khứ đã có nhiều trường hợp cho thấy những người dễ dàng vay mượn tiền từ ngân hàng đã sử dụng đồng tiền sai mục đích.
Các đại gia muốn đồng tiền rẻ đi vào lĩnh vực nông nghiệp để hưởng đặc quyền đặc lợi cho những lĩnh vực khác là sai trái. Do đó, Chính phủ nên ngăn chặn ngay từ đầu, Ngân hàng cũng phải rất ý thức về việc này và không nên hỗ trợ những doanh nghiệp có chủ đích làm việc đó.

Như ông cho biết, ngân hàng phải ý thức về việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp kể trên tuy nhiên, có khó khăn gì trong quá trình này không?

Chắc chắn sẽ khó khăn ở 2 điểm. Thứ nhất là vấn đề kiểm soát dòng tiền sẽ rất khó. Ví dụ một công ty thép đầu tư vào nông nghiệp được ngân hàng cho vay gói tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp song công ty này dùng vốn để trở về hoạt động kinh doanh thép hoặc ngành nghề xây dựng thì việc kiểm soát dòng tiền đó là vô cùng khó. 

Thứ 2 là chính các “đại gia” là những doanh nghiệp ngân hàng “mặn mà” cho vay trong lúc khó khăn tìm đầu ra, tìm được một doanh nghiệp vay rất khó, tìm được “đại gia” có khả năng tài chính càng khó nên ngân hàng ưu đãi mặc dù biết dòng tiền có thể dùng sai mục đích. 
Nếu doanh nghiệp làm nông nghiệp thực, dưới góc độ đầu tư, theo ông nhà đầu tư có sẵn sàng rót vốn vào các doanh nghiệp này không?

Trên nguyên tắc không có gì sai lầm thậm chí cần hoan nghênh khi tập đoàn kinh tế có dư tiền và sẵn sàng đầu tư vào các ngành nghề khác để phát triển. Nhưng ở công ty, tập đoàn chưa bao giờ làm nông nghiệp mà mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp rủi ro rất lớn. 

Rủi ro trong lĩnh vực nông nghiệp là vô cùng lớn vì sản xuất nông nghiệp tùy thuộc vào nhiều yếu tố, từ thời tiết, khí hậu, thị trường thế giới, ảnh hưởng tỷ giá và các chính sách mà các nước đang tìm cách bảo vệ nền kinh tế nông nghiệp của họ bằng các hàng rào thuế quan, phi thuế quan… 

Ngay cả ngân hàng, không phải ngân hàng nào cũng đổ vốn vào nông nghiệp vì vòng quay tiền của lĩnh vực này có những đặc thù so với ngành nghề kinh doanh khác. 

Xin trân trọng cảm ơn ông!
 (Theo Bizlive)
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)