Tổng thống Mỹ Barack Obama chấm dứt chính sách cấp quy chế thường trú cho những người Cuba đến Mỹ mà không cần thị thực.
Chính sách tồn tại trong 20 năm cho phép di dân Cuba đến đất Mỹ trở thành thường trú nhân hợp pháp sau một năm.
Để đổi lại, Havana đồng ý nhận lại những người Cuba bị trục xuất khỏi Mỹ.
Nhiều người Cuba ở Mỹ nói Washington đang trao thưởng cho một chế độ không xử lý các mối quan ngại về nhân quyền.
Hàng ngàn người Cuba đánh cược với mạng sống mỗi năm để vượt biên sang Mỹ trên những chiếc bè thô sơ |
Nhưng Tổng thống Obama nỗ lực tiếp tục làm tan băng quan hệ với Cuba trong những ngày cuối ở Nhà Trắng.
Ông cho biết: “Với sự thay đổi này, chúng tôi sẽ tiếp tục chào đón người Cuba như người nhập cư các nước khác, song theo thủ tục pháp lý của Mỹ.”
Thông báo trên truyền hình nhà nước, chính phủ Cuba ca ngợi động thái này là “bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ Mỹ -Cuba”.
Hiện chưa rõ quan hệ giữa hai nước sẽ như thế nào trong tương lai.
Tổng thống đắc cử Donald Trump đưa ra một lập trường cứng rắn hơn người tiền nhiệm và có thể đảo ngược sự thay đổi này.
Hai cái nhìn của người Việt về Castro
Đến nay, chính sách “chân ướt, chân ráo” chỉ áp dụng cho dân Cuba, hàng vạn người từ quốc gia cộng sản đã đến đất Mỹ năm ngoái.
Hàng ngàn người Cuba khác bị lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ chặn bắt trên biển hàng năm.
Những người nhập cư từ các nước khác nếu đến Mỹ mà không có thị thực thì có thể bị bắt và bị trục xuất.
‘Cây gậy và củ cà rốt’
Will Grant, phóng viên BBC tại Havana phân tích:
“Chính sách của Washington đối với Cuba trong nhiều thập kỷ là “cây gậy và củ cà rốt”.
Cây gậy là lệnh cấm vận kinh tế không thể được gỡ bỏ nếu không được Quốc hội Mỹ thông qua.
Còn củ cà rốt đã được treo lơ lửng trước người dân Cuba là chính sách “chân ướt, chân ráo”.
Chính phủ Cuba nói chính sách này khiến nước họ bị chảy máu chất xám và hàng ngàn người đánh cược với mạng sống mỗi năm để vượt biên sang Mỹ trên những chiếc bè thô sơ.
Ngay tại Mỹ, chính sách đó cũng chọc giận các nhóm vận động chính sách Mỹ Latinh khác vì cho rằng nó thiên vị người Cuba.
Họ cho rằng làn sóng người Cuba mới nhất tìm đường đến Mỹ là di dân kinh tế như bất kỳ người dân nước khác trong khu vực chứ không phải tỵ nạn chính trị.
Với sự tan băng gần đây trong quan hệ Washington Havana, dường như luôn có khả năng rằng chính sách này sẽ sớm chấm dứt – vì tại sao [Mỹ] lại khuyến khích người dân Cuba đào thoát khi đảo quốc cộng sản không còn được coi là kẻ thù?
Theo BBC Vietnamese