Không chỉ khiến đông đảo người dân bức xúc, không đồng tình mà phí đường bộ còn đang lộ rõ những bất cập ngày càng lớn trong quá trình triển khai thực hiện.
Việc HĐND TP Đà Nẵng quyết định tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy từ ngày 7-7 để xin ý kiến Chính phủ đã được dư luận hoan nghênh bởi đó là quyết định hợp lòng người dân TP lớn thứ 3 cả nước này. Tuy nhiên, quyết định của TP Đà Nẵng lại không khỏi khiến người dân ở các địa phương lân cận, thậm chí có mức sống không cao bằng người dân Đà Nẵng, phải chạnh lòng.
Cùng sử dụng xe máy như nhau, đi trên con đường như nhau song có khi chỉ cách nhau con đường, con lạch, người phải đóng phí sử dụng đường bộ, người thì không.
Từ công khai việc thu phí, tổng số tiền thu được cho đến việc đưa vào bảo trì đường bộ như thế nào hay công xá người đi thu ra sao còn là việc phải bàn dài dài. Song, có lẽ bất hợp lý nhất của phí bảo trì đường bộ là phí chồng phí. Người dân đã đóng thuế, trả tiền làm đường rồi lại phải tiếp tục đóng phí sử dụng đường bộ.
Từ phí sử dụng đường bộ có thể thấy đã có không ít phàn nàn về gánh nặng thuế, phí. Tại Diễn đàn Kinh tế mùa xuân 2015 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức hồi tháng 5 vừa qua, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong báo cáo của mình đã công bố con số khiến nhiều người ngỡ ngàng. Đó là người Việt phải “gánh” tỉ lệ thuế, phí/GDP cao gấp từ 1,4 đến 3 lần các nước khác trong khu vực.
Dù sau đó có những ý kiến khác song đã bị “chìm” ngay trước những thực tế sống động. Trong đó có việc Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát phải thừa nhận 1 con gà đang phải “cõng” tới 14 loại phí. Nói gà “cõng” chứ thực chất là đổ lên đầu người dân.
Từ phí sử dụng đường bộ, con gà chịu 14 loại phí tới chiếc ô tô, xe máy, xăng dầu, hạt gạo, quả trứng…, người dân phải chịu rất nhiều loại thuế, phí khác nhau. Trong khi đó, thu nhập đầu người nước ta còn thấp, đời sống của đại đa số người lao động còn khó khăn thì thuế, phí càng cao khiến họ càng thêm nặng gánh. Một kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học lao động và xã hội công bố mới đây cho thấy thu nhập bình quân tháng từ công việc chính của lao động tăng rất chậm, chỉ 0,5%/năm, đạt 4,36 triệu/người/tháng trong giai đoạn 2010-2014.
Bởi thế, dừng và loại bỏ những loại phí bất hợp lý như phí sử dụng đường bộ là việc hợp lòng dân, cần làm ngay.
Theo Phạm Dương (NLĐ)