Nguyễn Huy Canh
* Tác giả gửi bài trực tiếp cho VNTB
Trong buổi gặp mặt với cử tri Hà Nội gần đây, ông Trọng có nói tới sự nghiệp chống tham nhũng của đảng. Sự nghiệp này, được ông liên hệ với câu chuyện con chuột, và chiếc bình quí.
Nhưng theo tôi, ông Trọng đã vận dụng sai tích chuyện này, câu thành ngữ này. Chuột và bình là hai vật khác, liền kề nhau. Nó không nằm trong mối liên hệ nhân-quả. Phải hiểu rằng, chế độ, sự ổn định chế độ, không phải là cái bình quí, hay cái bình vôi. Tham nhũng ở VN, nó được sinh ra từ chế độ đảng trị-toàn trị. Và do đó, chống tham nhũng, không thể theo cách diệt những con chuột được, như đảng-nhà nước đang chủ trương theo nghị quyết trung ương 4. Phải thay đổi cơ cấu quyền lực hợp thành thể chế chính trị từ đảng trị sang dân chủ, theo cách thức nào đó, với một lộ trình hợp lí, thì những con chuột kia sẽ ít được sinh ra. Cái sai của ông Trọng, xuất phát từ chỗ, trong nhiều lần phát biểu, ông cho rằng tham nhũng là thuộc tính có tính phổ biến của con người, và của quyền lực, rằng quyền lực thì sinh ra tham nhũng.
Đúng là, chế độ nào, nhà nước nào thì cũng có tham nhũng. Nhưng ở chế độ chúng ta, thì nó quá lớn, quá nhiều. Đặc biệt, ở các tập đoàn kinh tế nhà nước, ngân hàng. Hàng nghìn nghìn tỉ đã bị biển thủ, bị mất đi. Cái đặc thù này, ông không nhìn ra. Và nguyên nhân gốc là do quyền lực không bị kiểm soát bởi các các cơ quan quyền lực nhà nước, và nhân dân -đó cũng lại là nét đặc thù của thể chế đảng trị, ông cũng chẳng nhìn ra.
Hình như ông Trọng đã gặp phải một bài toán chính trị chưa tìm ra đáp án: tham nhũng trở thành nguy cơ tồn vong của chế độ, và chống tham nhũng, như ông đã nói về câu chuyện chuột và bình, cũng tạo thành một nguy cơ như thế không kém. Trước cái nghịch lí, cái trớ trêu này, có người cho là ông dung dưỡng, du di với tệ nạn nhức nhối đó của chế độ. Nhưng theo tôi hiểu, ông có vẻ ung dung, đắc chí, và tự mãn trong cái cách tư duy kiểu biện chứng mà ông đã thủ đắc, đã tâm niệm được từ thánh hiền Marx của ông thì phải: chống cũng đồng thời không chống, như là “A mà cũng đồng thời không A” vậy.
Là người đứng đầu chế độ, nhưng ông không hề hiểu rằng, đất nước này nghèo nàn, kiệt quệ, nợ nần chồng chất, và có hàng nghìn mảnh đời cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nhà ở chỉ là những túp lều xiêu vẹo. Nhân đây, cũng xin được hỏi: ông đã nhìn thấy, đọc thấy có 3 mẹ con quá đói, trong ngày chỉ có một gói mì tôm ăn chung chưa? Cái hiện thực này từ đâu mà ra, chắc ông không biết. Thế nên, ông vẫn còn nói về một chiếc bình quí, phải bảo tồn, trân trọng.
Còn một điều nữa tôi muốn nói ở đây. Ông nên hiểu rằng, phòng chống tham nhũng là vấn đề phải dựa vào Hiến pháp và pháp luật, chứ không thuộc phạm trù nghệ thuật của sự lãnh đạo. Chính cái nghệ thuật oái oăm này đã sinh ra các loại án bỏ túi. Cuối cùng, có thể nói, nhận thức thực tiễn chính trị, và phương thức tư duy của ông là ngược lại, xa lạ với trào lưu cải cách tư pháp, và nói chung, cải cách thể chế đang đòi hỏi.
Chế độ chúng ta có một đương kim TBT như thế. Có ai đó còn nịnh hót, xem ông như một trụ cột của chế độ, thì thử hỏi, trong quá trình đổi mới này, chúng ta trông cậy vào đâu?
Chả trách đất nước này cứ nghèo nàn, tụt hậu cũng phải.
Buồn thay, buồn thay!