Ngoại trưởng Kerry: Giao tiếp của Mỹ nhằm khuyến khích thay đổi tại Cuba

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói Hoa Kỳ đang tiến hành một chính sách nhằm gây những chuyển biến bằng cách giao tiếp với Cuba. Bình luận của ông được đưa ra sau cuộc họp chưa từng có trước đây giữa Tổng thống Obama với người tương nhiệm Cuba, Raul Castro, bên lề hội nghị thượng đỉnh khu vực. Theo tường thuật của thông tín viên Đài VOA Victor Beattie, ông Kerry nói chính quyền Obama sẽ sớm quyết định có nên rút tên Cuba ra khỏi danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố hay không.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama (phải) và Chủ tịch Cuba Raul Castro trong cuộc họp tại Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ ở Panama, 11/4/15
Ngày hôm qua, Ngoại trưởng Kerry nói trên đài truyền hình là chính sách cô lập ngoại giao và những chế tài kinh tế được áp đặt ngay sau khi ông Fidel Castro lên nắm quyền vào năm 1959, “đã không có kết quả như nhiều người mong muốn.”:

“Chúng tôi mạnh mẽ tin tưởng là, bằng cách bắt đầu giao tiếp, bằng cách bắt đầu mở rộng du lịch, khả năng đi lại rộng lớn hơn, khả năng du hành rộng lớn hơn, ý kiến và cơ hội sẽ gia tăng, và người dân Cuba sẽ có nhiều cơ hội hơn để tự do bày tỏ ý kiến cũng như trao đổi quan điểm, và những việc này sau một thời gian sẽ giúp khuyến khích những chuyển biến. Chúng ta phải bắt đầu từ một nơi nào đó và tổng thống đã can đảm quyết định thay đổi một chính sách đã không thành công.”

Ngoại trưởng Kerry nói những chuyển biến sẽ bắt đầu một cách chậm chạp, bắt đầu bằng những quan hệ ngoại giao và sau đó tiến hành tiến trình bình thường hóa.

Cuộc gặp ngày thứ Bảy giữa Tổng thống Obama với Chủ tịch Castro là cuộc gặp đầu tiên giữa nhà lãnh đạo hai nước trong hơn nửa thế kỷ. Tổng thống Obama nói những cuộc thảo luận có thể là “một bước ngoặt” trong những mối quan hệ và ông nói thêm là hầu hết người Mỹ và người Cuba ủng hộ khuynh hướng này.

Ngoại trưởng Kerry nói ông đã kiến nghị với tổng thống về việc xóa tên Cuba ra khỏi danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố, điều mà Cuba yêu cầu.

Ông Kerry nói trong chương trình Meet The Press của đài truyền hình NBC:

“Tổng thống sẽ quyết định vào một thời điểm thích hợp. Chúng tôi đã đệ trình khuyến nghị của Bộ Ngoại giao và hiện nay đang trong tiến trình cứu xét liên cơ quan và tổng thống sẽ quyết định.”

Ngoại trưởng Mỹ nói ông hy vọng quyết định này sẽ được đưa ra “trong vài ngày tới.”

Trong một cuộc phỏng vấn được truyền hình riêng rẽ khác ngày hôm qua, Thượng nghị sĩ Dân chủ bang New Jersey Robert Menendez, một thành viên cao cấp trong Uỷ ban Ngoại giao Thượng viện, nói có một vấn đề căn bản đối với chính sách này. Ông Menendez nói Washington ban cho tất cả mọi điều Cuba muốn và không nhận lại được gì có lợi cho người dân Cuba cả.

Ông đề cập đến trường hợp của Joanne Chesimard, can tội giết người, đã trốn khỏi một nhà tù tại Mỹ vào năm 1977 và xin tị nạn chính trị tại Cuba.

Ông Menendez nói trên chương trình tin tức của đài truyền hình Fox:

“Thực tế là xóa tên Cuba ra khỏi danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố trong khi chúng ta có trường hợp Joanne Chesimard, một phụ nữ giết một cảnh sát tuần tra tại New Jersey và có tên trong danh sách 10 tên khủng bố bị truy nã hàng đầu của FBI, một nước Cuba vi phạm những chế tài của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đối với BắcTriều Tiên bằng cách chở vũ khí cho BắcTriều Tiên, hay gần đây nhất có hàng hóa chở cho nước này mà Colombia đã ngăn chặn được với những vũ khí có lẽ được chuyển tới cho phiến quân FARC (Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia) hay những tổ chức khủng bố như ETA, các phần tử ly khai khủng bố người Basque tại Tây Ban Nha, và chứa chấp một số tội phạm đang bị truy nã. Nếu bạn có thể vi phạm các điều khoản quốc tế về vũ khí và có những phần tử khủng bố tại nước bạn, thì đối với tôi không nên xóa tên một nước như vậy ra khỏi danh sách khủng bố.”

Ông Menendez nói Tổng thống Obama đã có “tính toán sai lầm” là nếu chúng ta mở rộng vòng tay đối với những nhà độc tài thì họ sẽ bớt đàn áp.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ted Cruz có cha là di dân Cuba, đưa ra một tuyên bố vào ngày hôm qua, chỉ trích tổng thống Obama vì đang làm một việc mà “9 tổng thống tiền nhiệm của cả hai đảng không làm là chấp nhận một nhà độc tài cộng sản tại bán cầu của chúng ta.” Thượng nghị sĩ Cruz nói tổng thống “để cho người dân Cuba bị cầm tù trong quá khứ.”

Ông Mark Jones, chuyên gia về châu Mỹ La tinh của Đại học Rice, gọi quyết định của tổng thống Obama trong tháng 12 năm ngoái để bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Cuba là một hàng đầu dũng cảm nhằm chuyển đổi chính sách Mỹ từ tàn dư của Chiến tranh Lạnh sang thực tế thế kỷ 21. Ông nói việc này cũng có ích cho những mối quan hệ giữa Hoa Kỳ với các nước châu Mỹ La tinh khác:

“Chính sách cũ chỉ kéo lùi chúng ta và làm chúng ta xấu xí trước mắt mọi người. Ngay cả những đồng minh của chúng ta tại Châu Mỹ La Tinh, họ cũng có một ít nghi ngờ nếu không muốn nói là hổ thẹn đối với chính sách của Mỹ đối với Cuba. Đây cũng là một điều khôn ngoan mà chúng ta cần phải làm về phương diện kinh tế vì Cuba sẽ là một thị trường xuất khẩu hàng hóa của Mỹ, đặc biệt là nông sản và bắt đầu tiến trình bình thường hóa là một động thái đi đúng hướng.”

Nhà phân tách về Cuba Ted Henken thuộc trường đại học Baruch ở New York công nhận nhà lãnh đạo Cuba Castro đã nêu quyết tâm là chính phủ cộng sản và những chính sách của chính phủ này không thay đổi:

“Ông Castro cũng nói và tôi nghĩ điều này làm tôi ngạc nhiên thích thú là trong cuộc đàm thoại với Tổng thống Barack Obama là những việc chúng ta có thể không đồng ý ngày hôm nay vì thế giới chuyển đổi nhanh chóng, chúng ta có thể đồng ý vào ngày mai. Tôi không nghĩ ông Raul Castro sẽ trở thành một nhà dân chủ trong 3 năm cầm quyền cuối cùng. Ông nói ông sẽ từ chức vào năm 2018. Tuy nhiên tôi nghĩ đặt nền móng hiện nay và nhìn vào tương lai là một động thái đúng đắn vì trên thực tế không phải là vì tổng thống Obama hay vì ông Raul Castro, nhưng chính là vì người dân Cuba, và tôi nghĩ chính sách này có cơ may tốt hơn để giúp người dân Cuba nhiều hơn là chính sách trong quá khứ.”

Ông Henken nói việc cấm vận kinh tế của Mỹ đối với Cuba có thể được Quốc hội dỡ bỏ, có lẽ trước khi ông Obama rời nhiệm sở vào đầu năm 2017, nếu có đủ các kết quả tích cực từ khi có loan báo quyết định vào tháng 12 năm ngoái của hai chính phủ về ý định bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Theo VOA
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)