Việt Nam Thời Báo

Ngôi làng vượt sông bằng săm ôtô ở Quảng Nam

Bị cô lập với bên ngoài bởi dòng sông Tranh quanh năm chảy xiết và những ngọn núi cao chót vót, nhiều năm nay người dân làng Tăk Rối ở Quảng Nam phải dùng săm ôtô bơm căng để làm phương tiện qua sông.
Mỗi lần đi làm về, người dân trong làng phải gọi thật to rồi các thanh niên vác ruột xe bơi qua sông để chở về. Ảnh: Tiến Hùng/ VnExpress
Làng Tăk Rối (thôn 4, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) có khoảng 30 hộ dân người Ca Dong với hơn 100 nhân khẩu. Giống như các ngôi làng khác của đồng bào thiểu số ở huyện nghèo nhất nước này, cuộc sống của người dân Tăk Rối quanh năm bị cái đói bủa vây. Nương rẫy ít, tập tục canh tác còn lạc hậu nên làng có hơn 80% là hộ nghèo và cận nghèo.
Đứng trên quốc lộ 40B nối thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) với trung tâm huyện Nam Trà My, người ta dễ dàng nhìn thấy làng Tăk Rối với những nóc nhà xềnh xoàng ẩn mình dưới tán cây rừng rậm rạp. Ngôi làng bị cô lập bởi dòng sông Tranh rộng khoảng 70 mét với nhiều ghềnh đá, nước chảy xiết. Người dân nơi đây đã nghĩ ra cách dùng săm ôtô bơm căng để vượt sông thay đò.
“Nếu như qua được sông thì có thể đón xe buýt và đi mất khoảng 10 phút là tới trung tâm xã, còn không phải leo qua dãy núi cao mất khoảng 6 tiếng mới tới”, Hồ Văn Tùng (20 tuổi) một thanh niên trong làng nói. Tùng cho hay trước đây người dân muốn ra ngoài thường phải bơi qua sông. Đồ đạc, áo quần được bọc trong bao nylon cột trên người.
Cách đây không lâu, hai nữ sinh trong làng trên đường đi học về, khi bơi qua sông bị nước lũ từ thượng nguồn đổ về cuốn trôi. Sau đó lần lượt là những cái chết thương tâm khác, trong đó có một nữ giáo viên tiểu học. Từ đó người làng Tăk Rối nghĩ ra cách vượt sông bằng săm xe ôtô.
Chiếc săm được bơm căng sau đó dùng các thanh củi gác lên trên rồi chở người và đồ đạc qua sông. Các thanh niên khoẻ mạnh trong làng thường được giao nhiệm vụ bơi phía sau để đẩy chiếc “đò” này mỗi lần có người qua sông. “Ở đây từ già đến trẻ muốn qua sông để đi chợ, đi làm… đều phải vượt sông bằng cách này”, Hồ Thị Hang (21 tuổi) nói.
Đi làm thuê ở trung tâm huyện Nam Trà My, mỗi ngày Hang phải vượt sông đến 4 lần. Đi làm về, Hang lại phải đứng bên này sông gọi to để anh trai mình cầm chiếc săm xe từ trên làng chạy xuống đẩy qua. Hang cho hay, mùa khô việc qua sông dễ dàng nhưng về mùa mưa, nước sông chảy xiết nên bị té ướt hết quần áo, đồ đạc xảy ra liên tục. May mắn không có thiệt hại về người.
Vội vã nhặt từng thanh gỗ được để sẵn trên bờ sau đó sắp cân đối lên trên chiếc ruột xe để chở khách qua sông, Hồ Văn Cẩn (20 tuổi) cho hay, cả làng Tăk Rối trước đây nhà nào cũng có săm ôtô để qua sông, nhưng giờ đã bị thủng quá nhiều chỗ, không còn vá được mà mua thì không có tiền. Hiện chỉ còn một cái vẫn còn sử dụng được cả làng phải dùng chung.
“Buổi sáng học sinh trong làng đến trường rồi người thì đi qua bên kia làm thuê, người đi chợ, thanh niên trong làng phải thay nhau suốt mấy giờ liền đưa từng người trên chiếc săm ôtô qua sông an toàn rồi mới về lên nương lên rẫy”, Cẩn nói và cho biết do chỉ còn mỗi cái ruột xe mà mỗi lần chỉ chở được một người nên một số gia đình phải cõng con em mình trên lưng rồi gói sách vở vào trong bao nylon bịt kín bơi qua sông để kịp giờ học.

Ông Hồ Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã Trà Tập cho biết, không chỉ làng Tăk Rối, làng Tu Nương của xã Trà Tập với hơn 40 hộ dân hiện cũng phải qua sông Tranh bằng săm ôtô vì không có cầu. Người dân muốn qua cầu treo gần nhất phải đi ngược xuống xã Trà Dơn mất hơn 4 tiếng băng rừng rồi mới ra được quốc lộ 40B.
“Xã cũng đã tính sắm đò để chuyên chở bà con qua sông, nhưng có đò thì phải có người quản lý rồi thu tiền phí nhưng người dân nghèo không có tiền đóng nên hiện nay vẫn phải qua sông bằng cách này”, ông Hiền cho hay.

(Theo Vnexpress)

Tin bài liên quan:

VNTB – Bệnh nhân 461: là sư cô, 45 tuổi ở chùa Bảo Thắng, Quảng Nam

Phan Thanh Hung

VNTB – Quảng Nam: Hơn 100 hộ dân không giao mặt bằng vì Chính quyền áp giá đền bù không đúng

Phan Thanh Hung

​Nguy cơ sụp đổ công nghiệp ôtô Việt Nam

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo