Việt Nam Thời Báo

Nguyễn Sinh Hùng: ‘phải tính lại nợ công, nếu không năm 2016 là đóng cửa’ *

“Chưa bao giờ xuất khẩu nông sản khó khăn như quý I năm nay, không chỉ dưa hấu tồn đọng mà tất cả nông sản đang gặp khó” – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nêu thực tế.

Toàn bộ nông sản bị tắc

Ngày 11-5, trong phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến đối với báo cáo bổ sung của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước năm 2014 và những tháng đầu năm 2015.

Nhờ đoàn thể tiêu thụ thì bất ổn quá!

Trình bày báo cáo bổ sung của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh cho biết 4 tháng đầu năm 2015, tốc độ tăng trưởng ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2,14%, thấp hơn mức tăng 2,68% của cùng kỳ năm trước. “Chưa bao giờ xuất khẩu nông sản khó khăn như quý I năm nay, không chỉ dưa hấu tồn đọng mà tất cả nông sản đang gặp khó” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, trước đây, Ấn Độ, Pakistan không xuất khẩu gạo nhưng gần đây, họ cũng tham gia thị trường này. “Mới đây, khi sang Trung Quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt vấn đề xuất khẩu gạo nhưng Thủ tướng Trung Quốc cho biết họ đang thừa lương thực, sở dĩ mua gạo của Việt Nam là do giá rẻ. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đặt điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu của họ là phải bán gạo trong nước mới được nhập khẩu lượng gạo tương đương” – ông Vinh lo lắng.

Thẩm tra báo cáo bổ sung, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, ông Nguyễn Văn Giàu, cho biết sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, vẫn còn tình trạng được mùa mất giá, gây thiệt hại cho người dân.

Nông sản xuất sang Trung Quốc bị ùn ứ ở Lào Cai Ảnh: Bảo Trân

Góp ý báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của QH, ông Nguyễn Kim Khoa, đặt vấn đề: “Dưa hấu phải bán “nhân đạo” trong khi cuối năm nay, Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) hình thành thì tồn tại theo cách nào?”.

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của QH, cho rằng sản xuất nông nghiệp vẫn nặng tư duy bao cấp, không theo thị trường. Tiêu thụ dưa hấu, hành tím phải nhờ đoàn thể thì bất ổn quá.

Do cán bộ kém (!)

Về tình trạng nông sản không có đầu ra, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, bà Trương Thị Mai, đề nghị: “Chính phủ phải nêu rõ thực trạng và đề ra giải pháp mạnh mẽ hơn”. Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý ví von: “Một chị bốc vác ở biên giới nói năm nào cũng tái diễn tình trạng nông sản Việt Nam tồn đọng tại cửa khẩu mà chẳng thấy nhà nước có giải pháp nào”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, ông Nguyễn Đình Quyền, cho rằng hoạch định chính sách tốt nhưng chính sách có đi vào cuộc sống hay không là phụ thuộc vào đội ngũ cán bộ. Ông Quyền kể lại việc 5 năm qua, khi chấm thi chuyên viên cao cấp, ông thấy trình độ cán bộ đi xuống một cách đáng báo động. “Mới đây, tôi chấm một số bài thi phúc tra thì thấy rằng nếu là người có tự trọng thì họ không nên đi thi. Toàn phó chủ tịch, giám đốc sở, vụ trưởng mà làm bài thi nguệch ngoạc, không nắm rõ bộ máy quản lý nhà nước” – ông Quyền thẳng thắn.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhận xét: “Báo cáo làm theo cách “quá cũ”, không chỉ ra được những việc cần làm. Báo cáo cho rằng chất lượng kinh tế chậm cải thiện, vậy giải pháp ra sao, chứ năm nào cũng nêu câu này”.

“Nợ công đến “đèn đỏ” rồi”

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cảnh báo: “Các chuyên gia nói nợ công đến đèn đỏ rồi chứ không còn đèn vàng báo hiệu nữa. Đây là báo động lớn”.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị nợ công phải tính đủ các khoản trung ương vay, địa phương vay và bảo lãnh doanh nghiệp. “Năm nay, phải tính lại nợ công, nếu không năm 2016 là đóng cửa. Nợ công phải tính đến vay là phải trả được. Đảo nợ mà đảo hằng năm, có nghĩa là vay chẳng làm ăn được gì mà chỉ đủ để trả lãi. Vay mà trả luôn là vay để trả nợ chứ đâu phải vay để làm ăn” – ông Hùng quan ngại.

Chiều cùng ngày, trình bày báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2014, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết năm 2014, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã phát hiện 36.500 khoản chi chưa đúng thủ tục, chế độ quy định; từ chối chưa thanh toán 40 tỉ đồng; từ chối thanh toán 90 tỉ đồng do không đúng quy định; đồng thời, kiến nghị thu hồi 51.583 tỉ đồng; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý 13.777 tỉ đồng. Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý về tài chính 23.425 tỉ đồng, trong đó, số tăng thu là 4.474 tỉ đồng; giảm chi là 7.461 tỉ đồng.

Biện pháp bảo vệ chủ quyền phải cụ thể

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế – xã hội năm 2014 đề cập vấn đề quốc phòng – an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia nhưng mờ nhạt. Tháng 5-2014 có vụ giàn khoan Hải Dương 981 thì biện pháp tới đây ra sao, làm gì để không bị động; báo cáo phải nêu rõ…

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Kim Khoa phê bình báo cáo chỉ nói đến đối ngoại, trong khi an ninh trật tự, quốc phòng chưa nêu rõ. “Báo cáo của Chính phủ phải nêu rõ chiến lược, kế hoạch dài hơi chứ cứ chạy theo, be bờ thì sao có hiệu quả. Tôi không muốn đưa ra lo ngại thái quá nhưng vẽ bức tranh đẹp quá thì sẽ không thể có phương án, sách lược ứng phó hiệu quả” – ông Khoa cảnh báo.

Theo Thế Dũng (Người lao động)

* Tựa đề do VNTB đặt

Tin bài liên quan:

Lặng sóng trước bão, kết quả chính sách bóp nghẹt thông tin của Đảng

Phan Thanh Hung

Khi các nhà văn tự biếm họa chân dung

Phan Thanh Hung

Góp ý kiến vào quá trình tiến đến Đại hội lần thứ XII của Đảng

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo