(VNTB) – Bây giờ cái gì của đảng và nhà nước quản lý là chỉ được khen, không được chê, chê là lên đồn nói chuyện với công an!
Mới đây, một người đàn ông khi đi du lịch đã quay clip chê khu nhà của Công tử Bạc Liêu là “chẳng có gì”, cho rằng giá vé 45.000 đồng là quá cao và nhận xét “đi sở thú còn hấp dẫn hơn”. Ngay lập tức, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ phối hợp với Công an tỉnh để “xác minh và xử lý”.
Động thái này gây sốc cho nhiều người và tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, là cứ mở miệng chê một điểm du lịch mà cũng bị “xác minh, xử lý”, thì còn bao nhiêu lĩnh vực khác cũng sẽ trở thành “vùng cấm” đối với người dân? Kể từ khi nào việc đưa ra quan điểm cá nhân về một địa điểm du lịch lại trở thành hành vi cần phải “xử lý”? Có phải người dân Việt Nam đang sống trong một thời kỳ mà ngay cả quyền khen và chê cũng bị kiểm duyệt?
Lâu nay người dân vẫn quan niệm là khi đã bỏ tiền mua vé, vào tham quan mà thấy không xứng đáng, thì họ có quyền bày tỏ quan điểm. Và đó là điều hoàn toàn bình thường trong một xã hội hiện đại. Ở các quốc gia phát triển, đánh giá tiêu cực của du khách chính là động lực để cơ quan cung cấp dịch vụ du lịch cải thiện chất lượng phục vụ khách hàng. Nhưng ở Việt Nam, thay vì lắng nghe để cải thiện, nhà chức trách lại dùng công an hăm doạ khách hàng. Hoá ra bây giờ đi tham quan những nơi do nhà nước quản lý thì đều phải khen, chứ không được chê?
Lưu ý, nhà Công tử Bạc Liêu hiện do Công ty Cổ phần Dịch vụ du lịch Công tử Bạc Liêu (thuộc Tập đoàn Nguyễn Hoàng) khai thác dịch vụ. Nhưng vẫn là một di tích lịch sử do nhà nước quản lý và cho thuê lại. Bởi vậy không thể nói nhà Công tử Bạc Liêu là của tư nhân được.
Trong kinh doanh, người ta luôn coi trọng quan niệm “khách hàng là thượng đế”, với hàm ý phục vụ khách hàng tận tâm, lắng nghe và chăm sóc khách hàng tận tụy, vì khách hàng là nguồn sống của doanh nghiệp. Muốn làm ăn lâu dài, đông khách thì phải lắng nghe ý kiến khách hàng. Nhưng có lẽ nhà chức trách CSVN đã quen với thói làm cha làm mẹ nhân dân rồi, mở miệng ra là “đầy tớ nhân dân”, nhưng đè đầu cưỡi cổ dân. Nên khi họ kinh doanh thì cũng đem cái thói đó đi “phục vụ” khách hàng.
Nếu có tinh thần cầu thị, tôn trọng người dân, thì cơ quan chức năng cần làm việc lại với đơn vị khai thác khu di tích này, cụ thể là Công ty Cổ phần Dịch vụ du lịch Công tử Bạc Liêu. Công ty này đã làm cái gì mà du khách lại nhận xét như vậy? Toà nhà của một công tử giàu bậc nhất Việt Nam, một di tích nổi tiếng cả nước, mà bị đánh giá thua cái sở thú thì phải coi lại công ty kia đã quản lý như thế nào để thành ra “chẳng có gì”? Liệu có tiêu cực, hay thất thoát cổ vật không? Trách nhiệm nằm ở công ty khai thác dịch vụ chứ không phải ở khách hàng!
Trường hợp khu nhà Công tử Bạc Liêu chỉ là một ví dụ nhỏ trong muôn vàn vấn đề. Nếu một cá nhân chê một điểm du lịch mà bị “xử lý”, thì liệu các doanh nghiệp, nhà đầu tư có dám phản ánh những tiêu cực trong môi trường kinh doanh? Liệu báo chí có dám chỉ trích những bất cập của xã hội? Liệu người dân có dám bày tỏ bức xúc trước những vấn đề nhức nhối?
Nói rộng ra, tư duy “chỉ được khen, không được chê” là một căn bệnh trầm kha của bộ máy quản lý tại Việt Nam. Đây cũng là lý do vì sao nhiều dịch vụ công, nhiều sản phẩm du lịch ngày càng đi xuống: bởi không ai dám lên tiếng, hoặc nếu lên tiếng thì bị đàn áp.
____________________
Tham khảo: