Các yếu tố cung cầu ngoại tệ về cơ bản không có biến động lớn và đáng quan ngại.
Trên thực tế, mặc dù biến động tăng nhưng mặt bằng tỷ giá vẫn thấp xa so với mức trần tỷ giá theo quy định của NHNN (tại thời điểm chiều ngày 25/3/2015 tỷ giá khoảng 21.495/21.500 VND/USD), thị trường ngoại hối vẫn hoạt động bình thường và thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của các tổ chức và cá nhân đều được đáp ứng kịp thời, đầy đủ.
Trên cơ sở theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế những thông tin về định hướng chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ công bố ngày 18/3 vừa qua, và trên cơ sở đánh giá, phân tích dưới nhiều góc độ của kinh tế vĩ mô, tiền tệ, NHNN thấy rằng việc tiếp tục duy trì ổn định tỷ giá sẽ có lợi nhiều hơn việc điều chỉnh tỷ giá trong giai đoạn này.
NHNN khẳng định trong thời gian tới sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá ổn định trong biên độ đề ra từ đầu năm. Để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, NHNN theo sát diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, chủ động điều hành linh hoạt của các công cụ chính sách tiền tệ cũng như thực hiện các biện pháp cần thiết để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối.
(Theo Trí Thức Trẻ)
Bài TTO: Tỷ giá tăng 1%, nợ VN tăng 10.000 tỷ
Theo ông Quốc Anh, thời gian gần đây, đồng USD của Mỹ đã tăng giá mạnh, một số quốc gia đã chủ động giảm giá đồng tiền.
Hiện đồng tiền VN (VND), theo ông Quốc Anh, đang neo giá với biên độ 1-2%. Vì vậy, so với một số đồng ngoại tệ khác, VND đã tăng giá, như so với đồng EURO, VND đã tăng giá hơn 20%…
Nêu nhiều người đặt vấn đề đã đến lúc tiếp tục phá giá VND chưa, ông Nguyễn Quốc Anh nhắc lại Thống đốc Nguyễn Văn Bình từng khẳng định năm 2015 chỉ điều chỉnh tỷ giá đến 2% (đầu năm đã điều chỉnh 1% rồi – PV) và cho biết qua tính toán, thực tế, phá giá VND không giúp tăng xuất khẩu nhiều.
Cụ thể, theo ông Quốc Anh, qua tính toán của các chuyên gia, nếu phá giá 1%, VN tăng được xuất khẩu chỉ 0,2%.
Trong khi đó, hàng nhập khẩu về sẽ tăng giá, ảnh hưởng hiệu quả xuất khẩu khi VN đang phải nhập nhiều nguyên vật liệu về để sản xuất rồi xuất khẩu.
Ngoài ra, phá giá VND cũng sẽ tác động tới lạm phát và cả niềm tin của dân.
Đặc biệt, ông Nguyễn Quốc Anh nêu việc phá giá sẽ ảnh hưởng đến tình hình vay nợ vì 80% các khoản vay của VN là bằng USD. “Tăng 1% tỷ giá, nợ sẽ tăng trên 10.000 tỷ” – ông Quốc Anh nói.
Trong khi đó, theo đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ KHĐT, tình hình doanh nghiệp VN vẫn khá “căng”. VN đang tăng xuất khẩu nhưng thực tế 70% xuất khẩu là nhờ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), khu vực trong nước chưa được 30%.
Đặc biệt, xuất khẩu của doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa của VN gần đây đã giảm 5%.
Vì vậy, theo vị đại diện này, gần như doanh nghiệp trong nước vẫn khó khăn, khó tiếp cận thị trường xuất khẩu.
Tới đây, khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực cạnh tranh sẽ mạnh hơn, trong khi đó, trên 80% doanh nghiệp trong nước chưa biết đến các hiệp định này. Vì vậy, “đây là điều lo ngại vô cùng”.
Thứ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Văn Hiếu cũng bày tỏ lo ngại khi các doanh nghiệp VN vẫn chưa biết nhiều đến các hiệp định thương mại tự do, nhiều doanh nghiệp vẫn khó khăn.
Ông đề nghị cần tập hợp thêm những ý kiến, mời các doanh nghiệp, hiệp hội tham gia cuộc họp giao ban để tập hợp những khó khăn vướng mắc, trình Chính phủ có biện pháp tháo gỡ, giải quyết…