Việt Nam Thời Báo

Ông Tổng bình vôi và con Lạc, cháu Hồng

Đoàn Văn Thanh
(VNTB) –Trong chuyến thăm Liên Bang Nga, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc trò chuyện với bà con người Việt ở Moskva, ngoài việc thông báo một số nét cơ bản về tình hình trong và ngoài nước, cũng như lưu ý lại chủ trương về chính sách kiều bào.



“Tự sướng” với Lạc Hồng

Theo VOV, ông còn nhấn mạnh một ý: “Đi đâu thì cũng phải nghĩ ta là “con Lạc cháu Hồng”, làm gì thì cũng phải nghĩ mình là người Việt Nam… cho đàng hoàng, tự tin, tự trọng, không làm điều gì để người ta coi thường. Điều đó là vô cùng quan trọng với bất cứ ai, bất cứ ở đâu.” [1]

Lời ông nhắc cũng là niềm tự hào chung suốt bao đời nay, đi từ lời ru, câu hát đến nghị quyết, tuyên truyền.

Con Lạc, cháu Hồng trở thành thứ gì đó thiêng liêng, cao cả, và tự tôn dân tộc.
Thế nhưng, để mà đàng hoàng, tự tin, tự trọng như ông Tổng nhắc nhở lại khó vô nhường. Vì càng tự tôn con cháu Lạc Hồng bao nhiêu, thì cái sự đàng hoàng, tự tin, tự trọng đó lại càng ít bấy nhiêu.

Bởi, ngoài một nước xuất khẩu cô dâu/ lao động hàng đầu, thì mặt hàng xuất khẩu quốc nạn trộm cắp, gian dối cũng đang ngày một khẳng định mình trong những năm trở lại đây. Trong khi đó, quốc nội thì đầy rẫy những bất công, và nạn nhũng nhiễu, trong khi lãnh đạo chủ chốt, cấp cao của Đảng và Nhà nước cứ mải “chơi trò chữ nghĩa” về dân chủ, chủ quyền quốc gia, lãnh thổ, nạn tham nhũng…

Nguồn cơn của cái “nạn” đó của quốc gia con cháu Lạc Hồng là gì? Là một đám người chỉ khư khư bám ghế, cưỡi đầu cưỡi cổ dân đen thấp hèn, chỉ chăm lo lợi ích nhóm mình mà không đoái hoài đến dân tộc.

Thế mà những kẻ đó lại “tự tin, đàng hoàng” khuyên dạy người khác sống có đạo đức, có tư cách và phải tự hào vì con cháu Lạc Hồng, không khác gì lời bảo ban của nguyên Tổng TTCP Trần Văn Truyền trước khi hạ cánh.

Cũng chính những kẻ đó đã khiến cho cả quốc gia lâm vào cái hệ tự ti, nhu nhược, yếu kém, quốc dân bị đầu độc bởi tệ sùng bái cá nhân, tệ luồn cúi và chà đạp nhau lên mà sống.

Muốn tự tin, muốn đàng hoàng thì quốc gia phải tạo nền tảng cho sự hùng cường, phát triển, chứ nào phải là lời nói tuyên truyền cho qua ngày tháng.
Khi xã hội phát triển không nhờ cạnh tranh mà bằng vùi dập thì liệu rằng, Lạc Hồng có bị ô uế khi xướng lên?

Ông bình vôi và sự tự tin, đàng hoàng

Ông Tổng (Nguyễn Phú Trọng), người sắp đi hết một nhiệm kỳ. Nhưng liệu ông Tổng có phải là người đàng hoàng, tự tin với những gì mình đã làm trong thời gian qua, đang làm trong hiện nay?

Tổng Bí thư vẫn một mực sùng bái chủ nghĩa Mác – Lênin. Nhưng nếu thay sự sùng bái đó bằng sự tiếp nhận khéo léo, để Đảng dẫn đường đi nước bước phù hợp với xu thế thời đại thì sẽ khiến cho một CNXH thô cứng ra đời từ thế kỷ 19 trở thành một CNXH sinh động thực tiễn cho thế kỷ 21.

Tiếc là, từ ngày ông Tổng Trọng lên ngôi Bí Thư, ông cứ khư khư giữ lấy những quan điểm mà trong nhiều tài liệu gọi nó là “giáo điều” để giảng dạy cho Đảng viên, nhắc nhở cho các Đoàn thể, cơ quan nhà nước, coi chủ nghĩa Mác-Lênin là thánh thần, còn Tư bản chủ nghĩa là kẻ thù không đội trời chung, theo đó quy kết tất cả những ai dám nói lại Mác-Lênin là kẻ thù của nhân dân. Cái cách ông nói, cử chỉ hành xử của ông khiến người ta nghĩ đến một sự chân tình, bộc trực, nhưng nó quá cũ, quá thiếu tính chất phát triển thực tại, tương lai. Vì thế qua lời ông Tổng, qua cách ông biểu hiện, nó trở thành một “điếu văn” không hơn, không kém. Đến nỗi, bài diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 7 của ông cũng khiến cho Giáo sư Tương Lai, cựu viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam phải thừa nhận rằng: “…có lẽ đã hết thuốc chữa. Cho tới bây giờ vẫn là giọng điệu từ giáo trình của Đảng cách nay mấy chục năm bây giờ vẫn nói như thế”.

Ngay cả cách cách ông chỉ đạo xử lý trường hợp tài sản của nguyên Tổng TTCP Trần Văn Truyền, bao năm vẫn một ngữ “phải làm, kiểm điểm, không nhân nhượng, đúng người, đúng tội, không oan sai”; “Dù đã về hưu vẫn phải làm, vẫn phải kiểm điểm tại cơ quan thanh tra. Thái độ của chúng ta là không buông, không nhân nhượng, không cho qua, nguyên tắc là đúng người, đúng tội, không oan sai, không bỏ lọt…”.

Ông sinh năm 1944, tính đến nay đã là 70 – theo lề lối xưa, đó là cái tuổi phúc lộc trời cho, lại đương thì chức sắc. Nhưng tuổi cao không hẳn là lộc, chức sắc không hẳn là trọng, bởi cách ăn, cách nói trên cương vị lãnh đạo mà không ổn, thì người đời lại được dịp bàn tán, gièm pha. Ông có thể khỏe mạnh, hồng hào đi đây đi đó, nhưng tâm trí ông lại trở nên già nua, không theo kịp các bước chuyển thời đại.

Đức Khổng Tử có câu “Thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ” – nghĩa là tới 70 tuổi, con người sẽ đạt đến trạng thái xử sự thế đúng cách, trên nền tảng của sự giáo dục, học hỏi đúng cách, nhìn nhận đúng kinh nghiệm đời mình. Còn nếu trước đó không chuyên tâm học hỏi, đúc kết kinh nghiệm, lăn xả thực tiễn thì cách xử sự theo sách vở, con người trở thành “ông bình vôi”, càng sống lâu càng ngu và càng làm hại dân hại nước, dù rằng có bằng cấp cao đến thế nào đi nữa. Ông Tổng Trọng cũng không ngoại lệ, ông là kết quả và cũng là nạn nhân của việc giáo dục không đúng cách, một nền giáo dục nhồi sọ đã đưa ông quay cuồng với sự “đấu tranh giai cấp và một nhà nước tự tiêu vong”.

Người dân gọi ông bằng cái tên “Trọng Lú”, cũng có bài viết trước đó cố gắng giải thích cái Lú trong ông không xấu như nghĩa mà dân gian thường nghĩ. Cũng tin thế, ông Tổng không lú, ông vẫn là một người nhiệt thành, một tín đồ ngoan đạo của chủ nghĩa Mác-Lênin, điều đó đáng được ngưỡng vọng. Nhưng giá như, ông chỉ chuyên về nghiên cứu hay trở thành một triết gia thoát tục thay vì giữ chức vụ lãnh đạo một Đảng phái thì hay biết mấy. Dù ông đã được tôi luyện về chủ nghĩa Mác-Lênin trong trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, sau đó làm cán bộ chủ nghĩa Mác-Lênin, gắn liền tên tuổi với Tạp chí Cộng sản, khoa ban Xây dựng Đảng,  tư tưởng – khoa giáo Đảng… Nhưng ông đã thất bại hoàn toàn trong việc đưa Đảng trở về cuộc sống thực tiễn, gần gũi với người dân. Ông biến Đảng trở thành một thứ xấu xa, đầy sỉ nhục, là cái xe bò chậm chạp, lỏng lẻo bánh xe, ngáng đường đi của quốc gia. Đảng dưới sự lãnh đạo của ông trở thành vị lợi, là bình phong của vị lợi, chứ không còn cái vị dân nữa.

Bởi Đảng dưới sự lãnh đạo ông ông Tổng trọng đã biến Đảng trở thành nơi “thích nghe những ý kiến xu nịnh, thuận tai của bọn cơ hội, giáo điều, nhưng ngược lại coi […] các ý kiến phản biện và những đóng góp chân tình, xây dựng, tâm huyết và khoa học của rất nhiều nhân sỹ trí thức và đảng viên là những ý kiến có “động cơ xấu”, thậm chí còn bị chụp mũ là “suy thoái, biến chất” hoặc “bị các thế lực thù địch xúi giục”!” như lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh từng chia sẻ thẳng thắn. [2]

Thế nên, ngay cả việc “góp ý kiến với Đảng theo con đường mà Đảng đã qui định” cũng bị vô hiệu hóa, khiến cho các ý kiến chân tình và kiên trì cũng như Đảng viên có tâm bị rơi vào quên lãng. Dẫn đến việc, 61 Đảng viên/ cựu Đảng viên phải buộc đưa ra thư ngỏ theo đường chuyển phát nhanh thay vì “đường Đảng”. Bản thân ông cũng từng xử lý vài lời nói thẳng của nhà báo Nguyễn Đắc Kiên đấy thôi.

Do đó, kẻ ghét Đảng bấy lâu không nói, nhưng những người từng theo Đảng, yêu mến Đảng buộc phải quay lưng lại với Đảng là điều đáng để định tội ông Tổng, bởi chính ông đang ngày đêm “giết” Đảng bằng sự giáo điều của chính mình. Ông dẫn Đảng, cả đất nước này đi vào con đường mà ông từng dùng để chỉ trích xã hội tư bản: “Sự rêu rao bình đẳng về quyền nhưng không kèm theo sự bình đẳng về điều kiện để thực hiện các quyền đó đã dẫn đến dân chủ vẫn chỉ là hình thức mà không thực chất”.

Thế nên, trong cái đau xót dành cho quốc dân, có một phần xót xa cho một đời làm… người của ông Tổng.

Ông nay 70 tuổi, nhưng có lẽ ông đã “chết” thực sự từ lúc rời bỏ văn khoa để qua chính trị. Và cái câu tự hào con cháu Lạc Hồng cũng đã chết thật sự từ thời điểm ông nắm quyền Tổng Bí thư. Nhưng có lẽ ông Tổng đã không nhận ra được điều đó, nên ông vẫn mãi “tự sướng” với lý thuyết cũ kỹ, tật nguyền của mình, ngày càng làm ô uế hình ảnh của Đảng từ sau những ngày tháng “chói lọi”.

Vậy mà ông vẫn cất cao giọng đầy “tự tin, đàng hoàng” là vì Đảng, vì Nhân dân, đất nước này, vẫn tự hào là con cháu Lạc Hồng…




———————


*Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả 

Tin bài liên quan:

VNTB – Formosa: cách hết chức vụ quá khứ và ‘thời chính trị thổ tả lên ngôi’

Phan Thanh Hung

Điếu Cày trả lời phỏng vấn Danlambao

Phan Thanh Hung

XHDS ở Việt Nam: Đang nổi lên nhưng cần… gần dân hơn

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.