Việt Nam Thời Báo

Quảng Nam: Dân “kêu trời” vì nước sông ô nhiễm nghiêm trọng

Cty TNHH Lâm nông nghiệp Việt Nam khai thác vàng sa khoáng, cải tạo ruộng không đúng quy định về bảo vệ môi trường khiến nước sông bị ô nhiễm.

Những ngày qua, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số sống dọc sông A Vương, đoạn chảy qua địa bàn huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam “kêu trời” vì nước sông ô nhiễm nghiêm trọng.
Nguyên nhân là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Đầu tư Phát triển Lâm nông nghiệp Việt Nam được tỉnh Quảng Nam cho phép khai thác vàng sa khoáng trong quá trình thi công Khai hoang, cải tạo đồng ruộng, thủy lợi kết hợp tận thu khoáng sản tại thôn A Ró, xã Lăng, huyện Tây Giang không thực hiện đúng quy định về bảo vệ môi trường.
Doanh nghiệp đã biến khu vực này thành “bãi chiến trường”. Một khối lượng đất quá lớn được đào bới từ các triền đồi chất thành đống, trải khắp lòng sông, bùn đất đỏ ngầu trôi theo con nước trở thành nỗi ám ảnh của người dân nơi đây.
Khu vực khai thác của Dự án bị đào bới nham nhở.
Chị C’ Lâu Thị Giáp, Trưởng thôn Jơ Da, xã Lăng, huyện Tây Giang, nhà ở gần khu vực khai thác khoáng sản cho biết, dòng sông A Vương trước đây là “nguồn sống” của đồng bào Cơ Tu. Bà con thường ra sông tắm giặt, hái rau rừng, bắt con cá về ăn. Thế nhưng, mấy tháng nay không ai dám ra sông nữa. Nước sông đỏ ngầu, bùn non quánh lại từng lớp, hai bên triền sông bị đào xới nham nhở, đất sản xuất cũng không còn. Chị C’ Lâu Thị Giáp lo lắng.
Theo Quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam cấp cho Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Lâm nông nghiệp Việt Nam ngày 18/9/2015, nơi thực hiện khai hoang là khu vực đất ở và vườn nhà của đồng bào dân tộc Cơ Tu ở thôn Aró cũ.
Tổng diện tích đất thực hiện dự án gần 16 ha. Tổng khối lượng vàng sa khoáng Công ty được phép khai thác trên 30 kg, thời gian khai thác 1 năm 2 tháng. Quá trình khai thác, Công ty phải thực hiện đúng, đầy đủ các biện pháp bảo vệ tài nguyên khoáng sản, không làm ảnh hưởng tiêu cực đến dòng chảy sông, bờ sông, đất đai, cây cối, hoa màu, công trình của các tổ chức, cá nhân khác nằm lân cận khu vực khai thác. Tuy nhiên, khi có Quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Lâm nghiệp Việt Nam đào bới vô tội vạ, phá hủy môi trường.
Sông A Vương chảy xuống gần tới địa phận huyện Đông Giang đỏ ngầu vì vỏ bọc cải tạo đất sản xuất
Ông Zơ Râm Buôn, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cho rằng, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Lâm nông nghiệp Việt Nam và đối tác không thực hiện đúng quyết định của tỉnh.
“Đào hố, tạo rãnh mương, bể chứa nước thải, Dự án này đơn vị thi công chưa thực hiện nghiêm túc. Bên Công ty họ đào đất lấp mốc của mình, chính vì vậy khi xác định lại mốc rất khó. Chúng tôi không thể gặp được đơn vị thi công mà chỉ gặp công nhân trên công trường. Chính vì vậy, khi đề nghị họ dừng và không khai thác ngoài vị trí của dự án họ thực hiện không nghiêm túc”, ông Buôn nói.
Trước đó, tháng 4/2015, UBND huyện Tây Giang đã lập Phương án khai hoang, cải tạo đồng ruộng, thủy lợi kết hợp tận thu khoáng sản tại thôn Aró, xã Lăng, huyện Tây Giang. Chỉ hơn nửa tháng sau, Phương án này được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt.
Mục tiêu của phương án là khai thác triệt để diện tích hoang hóa tại khu vực mặt bằng dân cư thôn Aró cũ để bố trí đất sản xuất, nhằm giải quyết nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài của nhân dân về đất sản xuất, đặc biệt là đất sản xuất lúa nước. Cách triển khai là hạ thấp độ cao và san lấp để tạo các thửa ruộng bậc thang, kết nối với hệ thống thuỷ lợi A Ró, chủ động tưới tiêu, không bị ngập úng trong quá trình sản xuất.
Ông Lê Muộn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam cho rằng, đối với khu vực đồng bằng thì việc cải tạo đồng ruộng theo hướng này còn khả thi chứ khu vực miền núi là điều không thể.
Mới hơn 3 tháng thực hiện Dự án khai hoang, cải tạo đồng ruộng, thủy lợi kết hợp tận thu khoáng sản, đơn vị khai thác vàng sa khoáng đã và đang gây nhiều bức xúc cho người dân xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. 
Bản làng đồng bào Cơ Tu vốn bình yên bị xáo trộn, bà con ngày đêm sống trong nỗi ám ảnh bởi các chất độc dùng để lắng lọc vàng trôi xuống sông, ngấm vào lòng đất. Chính quyền địa phương cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý đất sản xuất và tài nguyên môi trường. Điều đáng nói là doanh nghiệp này không hợp tác với ngành chức năng tại địa phương để giải quyết những bức xúc, kiến nghị của người dân.
Theo ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam, trường hợp người dân có kiến nghị về ô nhiễm môi trường, trước hết, chính quyền và ngành chức năng của huyện có trách nhiệm kiểm tra, xử lý: “Trong quy định, đề án này là huyện Tây Giang, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, công an huyện làm. Khi dân phản ánh huyện mới làm, nếu huyện làm chưa thỏa mãn tỉnh sẽ về giải quyết.
Phải chăng, việc đầu tư khai hoang cải tạo đồng ruộng kết hợp tận thu khoáng sản chỉ là “vỏ bọc” để doanh nghiệp tìm kiếm vàng. Nhưng vàng tận thu được bao nhiêu chưa ai biết, nỗi khổ của người dân cũng chưa thấy ai đứng ra chịu trách nhiệm. Đồng bào các địa phương miền núi tỉnh Quảng Nam vốn quá khổ sở vì các Công ty vàng Phước Sơn, Bồng Miêu, nay lại khổ vì Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Lâm nông nghiệp Việt Nam.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và các ngành chức năng cần nhanh chóng vào cuộc làm rõ hiệu quả và mức độ được-mất của Dự án này. Trước hết cần trả lại cuộc sống yên bình cho đồng bào Cơ Tu nơi đây./.
Theo VOV

Tin bài liên quan:

Hà Nội có thể còn ô nhiễm nặng hơn Bắc Kinh

Phan Thanh Hung

Tính toán di dời dân khỏi “ổ” ô nhiễm Vĩnh Tân 2

Phan Thanh Hung

VNTB – Biển miền Trung sau hơn 7 năm ‘xả thải Formosa’

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo