Việt Nam Thời Báo

RFA – Mở cuộc thi về sách của ông Nguyễn Phú Trọng giúp ích gì?

“Ở Việt Nam chuyện đó thi thoảng vẫn diễn ra, hết tìm hiểu nhân vật này, lại đến nhân vật kia… Trong khi ông Nguyễn Phú Trọng không phải là một nhà viết sách, không phải là một nhà lý luận giỏi, vậy cuộc thi vẽ ra như thế rất lãng phí và không cần thiết…”

 

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) hôm 8/10 tại Hà Nội vừa tổ chức phát động cuộc thi toàn quốc tìm hiểu về cuốn sách của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: ‘Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc’.

Phát biểu tại buổi lễ phát động cuộc thi, bà Trịnh Thị Thủy – Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL cho biết cuộc thi được thực hiện theo kế hoạch số 518-KH/BTGTW ngày 16/8/2024 của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Tìm hiểu, học hỏi, noi gương gì… từ cuốn sách của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng? Trả lời RFA hôm 9/10/2024, thầy giáo Đỗ Việt Khoa – giáo viên trường Trung học Phổ thông Thường Tín – Hà Nội, cho biết ý kiến về việc này:

“Ở Việt Nam chuyện đó thi thoảng vẫn diễn ra, hết tìm hiểu nhân vật này, lại đến nhân vật kia… Trong khi ông Nguyễn Phú Trọng không phải là một nhà viết sách, không phải là một nhà lý luận giỏi, vậy cuộc thi vẽ ra như thế rất lãng phí và không cần thiết. Như chúng tôi đây còn không biết rằng ông Trọng có những tác phẩm gì xuất sắc. Cho nên tôi thấy không nên tổ chức những cuộc thi như vậy.

Như chúng tôi đây còn không biết rằng ông Trọng có những tác phẩm gì xuất sắc. Cho nên tôi thấy không nên tổ chức những cuộc thi như vậy.

-Thầy Đỗ Việt Khoa

Theo thầy giáo Đỗ Việt Khoa, học sinh còn rất nhiều nhiệm vụ khác phải làm, các cơ quan chức năng cũng còn rất nhiều việc khác phải thực hiện, chứ không phải nên tổ chức cuộc thi như vậy. Thầy Khoa nói tiếp:

“Chúng ta có những nhà lý luận, nhà khoa học, nhà giáo dục rất xuất sắc trên thế giới, hoặc ở Việt Nam trước kia cũng có nhiều, nhưng các cán bộ lãnh đạo của chúng ta hiện nay không ai đọc những cái đó cả, đó là sự thật, cho nên đừng vẽ ra cuộc thi làm người ta cười. Các nhà chính trị cứ làm việc của mình, đừng nghĩ chuyện để lại những tác phẩm gì đó là không nên.”

Một người trẻ hoạt động xã hội – ông Trần Anh Quân, hôm 9/10/2024 nói với RFA:

“Giới trẻ bây giờ bị tình trạng ‘nhạt đảng, khô đoàn, xa rời chính trị’… chuyện này Đảng Cộng sản cũng phải thừa nhận. Nên họ tổ chức những cuộc thi này để nhồi sọ, buộc học sinh sinh viên phải đọc sách ông Trọng để trung thành với chế độ. Chứ người trẻ Việt Nam bây giờ mà cầm cuốn sách chính trị nào do cộng sản viết là cảm thấy ngán ngẩm, có chăng những cuốn sách về chính trị phương Tây thì mới cuốn hút được một số bạn.”

Theo bạn trẻ này, thực tế người dân Việt Nam từ già tới trẻ chẳng ai đọc cuốn sách của ông Trọng:

“Chỉ trừ các bạn đoàn viên, sinh viên, học sinh bị ép phải đọc để tham gia cuộc thi lấy điểm rèn luyện, điểm thi đua thôi. Khi bị tình trạng ‘nhạt đảng khô đoàn’ rồi thì chẳng ai quan tâm tới cuộc thi này, bị ép phải thi thì đọc sơ sơ rồi dùng ChatGPT viết để nộp lấy chỉ tiêu thì nó chẳng có ý nghĩa gì cả. Có khi viết xong nộp rồi lại chẳng nhớ mình đã viết những gì.”

—————

Sách của ông Trọng & cuộc “đánh bóng” cuối đường đua!

Sách về lãnh đạo: tốn tiền dân, tốn giấy, và dân không ai đọc?

Sách chống tham nhũng của Tổng Bí thư: in cho ai đọc?

—————

Một phụ huynh ở Việt Nam, không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 9/10 nói với RFA:

“Văn hóa là những gì tốt đẹp được tích lũy, cô đọng lại trong hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, đồng thời tiếp thu có chọn lọc các nền văn hóa của các dân tộc khác trên thế giới và dần dần hòa nhập vào nền văn hóa Việt Nam. Muốn nền văn hóa được bảo tồn và không ngừng phát huy theo tinh thần trên thì nó phụ thuộc vào sự ‘giáo dục’ một con người trong mỗi gia đình, học đường và xã hội… Để từ đó hình thành nên một con người có văn hóa ngay từ nhỏ và sẽ mang theo suốt cuộc đời của họ.”

Như vậy theo ông này, không phải khi có quyển sách nói về Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì người dân mới hiểu, mới nhận thức về về văn hóa nên kế thừa, bảo tồn và phát huy như thế nào trong đời sống của cộng đồng, xã hội. Ông nói tiếp:

“Bộ Văn hóa – Thể thao & Du Lịch mở cuộc thì tìm hiểu về cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà những người tham gia là mọi thành phần trong xã hội. Vì mới bắt đầu thi và sẽ kết thúc cuộc thi sau 5 tuần nên tôi không biết hiệu quả của cuộc thi như thế nào nên không dám nhận xét. Song, tôi nghĩ muốn thi tìm hiểu về cuốn sách đó thì phải đọc hết quyển sách dày trên 1.000 trang. Thử hỏi, trong khi vừa làm việc, lao động để lo ‘cơm, áo, gạo, tiền’ thì có ai dành thời gian để ‘đọc hết’ quyển sách đó rồi sau đó nghiền ngẫm, chắt lọc để viết một bài thi có chất lượng không? Trả lời được câu đó cũng chính là nói lên kết quả cuộc thi!”

 

“Thử hỏi, trong khi vừa làm việc, lao động để lo ‘cơm, áo, gạo, tiền’ thì có ai dành thời gian để ‘đọc hết’ quyển sách đó rồi sau đó nghiền ngẫm, chắt lọc để viết một bài thi có chất lượng không? Trả lời được câu đó cũng chính là nói lên kết quả cuộc thi!”

-Một phụ huynh

 

Trong vòng chưa đầy hai năm qua, nếu không tính cuốn sách của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về ‘Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc’, đã có ít nhất ba cuốn sách của ông Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam được báo chí trong nước viết bài ca ngợi, tung hô.

Cụ thể, hôm 14/11/2023, tờ Quân đội Nhân dân đăng bài ca ngợi cuốn sách của ông Nguyễn Phú Trọng có tựa đề “Cả nước đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.

Trước đó, vào cuối tháng 5/2023, truyền thông Nhà nước cũng “ra sức” tuyên truyền hai cuốn sách của ông Tổng bí thư, có tựa đề “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” và “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”… Các cuốn sách này được tờ Quân đội nhân dân nhận xét là “có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc”.

Trao đổi với RFA liên quan vấn đề này hôm 9/10, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, một chuyên gia về ngôn ngữ học, từng giảng dạy nhiều năm tại trường Đại học Sư phạm TP.HCM, đưa ra nhận định:

“Mỗi bên, mỗi khối phụ trách tư tưởng, họ ăn lương, ăn tiền thuế của dân… rồi họ ngồi nghĩ ra những chuyện như vậy… Nhưng mà nó chỉ để thỏa mãn chính nhu cầu của bộ máy, hơn là góp phần soi sáng gì cho nhân dân. Những điều ông Trọng nói thực tiễn cho biết rằng cái gì làm được, cái gì không… Mà thực tiễn ngay bây giờ đã phủ nhận. Nói về đề tài này còn nói dài dài, nhưng chừng nào còn có một bộ phận ăn lương để đi làm công việc kiểu như thế này, thì họ phải đẻ ra và làm thôi. Đó là nhu cầu của chính họ, chứ không phải nhu cầu của đất nước.”

Khi góp ý về hai cuốn sách của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 5/2023, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ –từ Na Uy từng cho rằng việc giới thiệu những cuốn sách của ông Tổng bí thư như là một cách đánh bóng hình ảnh về một vị lãnh tụ đảng cộng sản sắp từ giã chính trường, hơn là đưa ra những kinh nghiệm hay chia sẻ kiến thức hữu ích nhằm đóng góp vào kiến thức học thuật chính trị, hay cách điều hành quốc gia.

 

____________________

Nguồn: RFA

 


 

Tin bài liên quan:

Theo dõi Nhân quyền Quốc tế lên tiếng về phiên xử đối với 3 nhà báo độc lập

Phan Thanh Hung

RFA – Vietnamese Authorities Arrest Journalist Pham Chi Dung for Writings Critical of the State

Phan Thanh Hung

VNTB – Vì sao Đồng Bằng Sông Cửu Long sẽ chết

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.