Trong bài phân tích đăng trên chuyên san Nhật Bản The Diplomat ngày 05/05/2020, chuyên gia phân tích quốc phòng Derek Grossman thuộc RAND Corporation, giảng viên trường Đại Học Mỹ University of Southern California, một người theo dõi sát tình Biển Đông, đã cho rằng trong bối cảnh Trung Quốc không từ bỏ “thái độ xấu xa”, Việt Nam cần phải tính tới một số phương án mới để đối phó.
Bài viết mang tựa đề “Rà soát lại các phương án ‘đấu tranh’ của Việt Nam tại Biển Đông – Reviewing Vietnam’s ‘Struggle’ Options in the South China Sea”.
Việt Nam tiếp tục bị Trung Quốc bắt nạt ở Biển Đông
Trước hết, tác giả đã nêu bật ba sự kiện gần đây nhất của Trung Quốc ở Biển Đông mà Việt Nam là nạn nhân trực tiếp.
Sự kiện đầu tiên là vụ một tàu Hải Cảnh Trung Quốc đâm chìm một tàu đánh cá Việt Nam hôm 03/04 ở vùng biển tranh chấp ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa.
Sự kiện thứ hai diễn ra 10 hôm sau, vào ngày 13/04, khi Bắc Kinh lại cho chiếc tàu khảo sát địa chất Hải Dương Địa Chất 8 xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (trên đường đi xuống vùng biển ngoài khơi Malaysia). Chính chiếc tàu này vào năm ngoái đã được Bắc Kinh cử đến khảo sát hàng tháng trời tại khu vực Bãi Tư Chính và vùng biển ngoài khơi miền Trung, sâu bên trong vùng thềm lục địa của Việt Nam.
Qua ngày 18/04, Bắc Kinh tuyên bố đã thiết lập quyền kiểm soát hành chính đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang tranh chấp bằng quyết định thành lập hai quận đảo tại các khu vực này.
Phản đối suông không thay đổi được hành vi xấu của Trung Quốc
Các hành vi gây căng thẳng của Trung Quốc đã bị Việt Nam công khai phản đối, nhưng theo chuyên gia Mỹ, các tuyên bố đó vẫn không thay đổi được “hành vi xấu xa” của Bắc Kinh.
Vì vậy, câu hỏi hiển nhiên là ngoài việc công khai tỏ thái độ bất bình, Việt Nam có thể làm gì khác để kiềm chế sự quyết đoán của Trung Quốc trong tương lai?
Chuyên gia Grossman nhắc lại rằng trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam vẫn chủ trương “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”, tức là luôn luôn tìm cách duy trì quan hệ song phương hữu hảo và hữu ích với Bắc Kinh, nhưng đồng thời kháng lại Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông và một số vấn đề khác.
Vấn đề mà chuyên gia Mỹ đặt ra là vế hợp tác đã được Việt Nam coi trọng hơn trong quan hệ với Trung Quốc, vốn đã được nâng lên thành quan hệ “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”. Trong số 3 đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam (Trung Quốc, Ấn Độ và Nga), duy nhất Trung Quốc được ghi nhận là đối tác “hợp tác”.
Tuy nhiên, rõ ràng là sau cuộc đối đầu Việt Trung kéo dài hàng tháng trời vào năm ngoái ở khu vực Bãi Tư Chính, Hà Nội cần phải suy tính đến những phương thức mới trong việc đấu tranh chống Trung Quốc.
Nên đình chỉ một số hợp tác với Trung Quốc để tỏ thái độ
Một trong những phương thức mới mà ông Grossman đề xuất là công khai tỏ thái độ bằng cách đình chỉ một số hợp tác với Trung Quốc.
Chuyên gia Mỹ ghi nhận là cho đến nay, Việt Nam vẫn chủ trương tách biệt vấn đề Biển Đông ra khỏi các lãnh vực hợp tác khác với Bắc Kinh, không để cho phản ứng của mình đối với hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông phá vỡ các phần khác trong quan hệ song phương.
Hủy bỏ tuần tra chung, không tham gia Con Đường Tơ Lụa
Một ví dụ: Ngày 21 và 23/04 vừa qua, Việt Nam quyết định vẫn cùng với Trung Quốc tiến hành các cuộc tuần tra bảo vệ bờ biển thường niên trong Vịnh Bắc Bộ. Theo ông Grossman, mặc dù Hà Nội và Bắc Kinh vào năm 2000 đã đạt thỏa thuận về việc phân định Vịnh Bắc Bộ, Việt Nam không có nghĩa vụ phải tiếp tục các cuộc tuần tra chung này. Thay vào đó, Hà Nội có thể gửi một thông điệp rõ ràng tới Bắc Kinh rằng các lĩnh vực khác của quan hệ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt là trong lĩnh vực nhạy cảm của chính sách trên biển.
Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể quyết định chấm dứt tham gia vào sáng kiến Một Vành Đai, Một Con Đường của Trung Quốc, một dự án mà chính Hà Nội cũng rất nghi kỵ, cả ở Việt Nam lẫn ở các láng giềng Lào và Cam Bốt.
Đối với chuyên gia Grossman, Việt Nam còn có nhiều lựa chọn khác để gửi tín hiệu đến Trung Quốc.
Kiện Trung Quốc trước tòa án quốc tế, giảm cấp quan hệ đối tác
Hà Nội chẳng hạn có thể biến thành thực tế lời đe dọa gợi lên vào tháng 11 là sẽ kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, như Philippines đã làm vào năm 2013 và được Việt Nam hỗ trợ vào năm 2014. Chuyên gia Grossman cho biết là đã nghe thấy được từ một số nguồn tin từ chính phủ Việt Nam rằng khả năng kiện Trung Quốc đang được xem xét nghiêm túc.
Trong một lãnh vực khác, Việt Nam cũng có thể quyết định là thôi không kiểm duyệt, để cho các phương tiện truyền thông trong nước nói về các hành vi quyết đoán của Trung Quốc, qua đó hun đúc tinh thần chống Trung Quốc, có thể đe dọa đến lợi ích kinh doanh của Trung Quốc tại Việt Nam.
Hà Nội cũng có thể hạ thấp vị thế đối tác của Trung Quốc, chỉ đơn giản là “đối tác chiến lược toàn diện” để cho thấy rằng quan hệ song phương đang bị ảnh hưởng do các hành động của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Học tập thái độ cứng rắn của Indonesia
Trong lĩnh vực quân sự, chuyên gia Mỹ cho rằng Việt Nam có thể học tập cách Indonesia đối phó với Trung Quốc trong vụ Natuna, sẵn sàng leo thang quân sự để buộc Bắc Kinh lùi bước.
Trong một thời gian ngắn vào cuối tháng 12/2019 và đầu tháng 01/2020 ở vùng biển xung quanh quần đảo Natuna, quân đội Indonesia đã phản ứng mạnh mẽ trước việc lực lượng hải cảnh và tàu cá Trung Quốc xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Jakarta đã cho triển khai tàu Hải Quân và máy bay chiến đấu đến khu vực và tàu Trung Quốc đã rút lui ngay sau đó.
Theo ông Grossman, một phản ứng tương tự của Việt Nam có thể sẽ liên quan đến việc cho triển khai các tàu khu trục lớp Gepard, tàu ngầm lớp Kilo và chiến đấu cơ Su-30MMK để chứng tỏ quyết tâm, mặc dù làm như vậy sẽ có nguy cơ xung đột rộng hơn và do đó cần có chừng mực cẩn thận.
Ở mức thấp hơn, Việt Nam có thể triển khai lực lượng Cảnh Sát Biển và Dân Quân Biển (vừa được xây dựng) để tuần tra thường xuyên tại các vùng bị tranh chấp, giống như cách mà Bắc Kinh đã làm trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, phương án này rất tốn kém cho các nguồn lực vốn hiếm hoi của Việt Nam.
Tận dụng chức chủ tịch ASEAN và ủy viên không thường trực HĐBA
Đối với chuyên gia Grossman, trên bình diện đa phương, Hà Nội cũng có nhiều phương án khả thi để tăng cường đấu tranh.
Năm nay, Việt Nam vừa là chủ tịch ASEAN vừa là thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Cho dù hồ sơ phối hợp hành động chống dịch Covid-19 về cơ bản đã chiếm lĩnh chương trình nghị sự của ASEAN vào năm 2020, Hà Nội vẫn có thể tìm cách thúc đẩy các thành viên hướng tới việc hoàn tất Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông mang tính ràng buộc về pháp lý, có lợi cho an ninh của Việt Nam.
Hiện đang có tin đồn cho rằng Hà Nội có thể tìm cách gia hạn nhiệm kỳ chủ tịch của mình, cho đến năm 2021, để có thêm thời gian để nắm giữ ảnh hưởng tại diễn đàn quan trọng này.
Còn tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Việt Nam đã cho lưu hành một công hàm phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong tương lại, Việt Nam có thể tiếp tục nêu bật hơn nữa vấn đề thông qua diễn đàn của Hội Đồng Bảo An.
Việt Nam cũng có thể tìm cách tiếp tục tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác an ninh với các cường quốc.
Liên kết chặt chẽ với nhóm Bộ Tứ Quad
Ngoài các nước truyền thống như Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Pháp cũng có thể hỗ trợ Hà Nội ngăn chặn sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Mặc dù có rất ít khả năng Việt Nam tham gia nhóm Bộ Tứ Quad – Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ – để cùng tiến hành các cuộc tập trận quân sự hoặc tuần tra để biểu thị quyết tâm đoàn kết chống lại Trung Quốc trên khắp vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, nhưng Việt Nam có thể đóng vai trò đối tác đối thoại với Bộ Tứ về các vấn đề Trung Quốc. Dẫu sao thì Việt Nam cũng đã tham gia nhóm Quad Plus, cùng với New Zealand và Hàn Quốc, để hợp tác về các nỗ lực chống dịch Covid-19.
Củng cố nhóm nước Đông Nam Á bị Bắc Kinh chèn ép
Ngoài ra, Hà Nội có thể tìm đến các nước ASEAN có cùng chí hướng để được hỗ trợ. Trong những tháng gần đây, Philippines, Malaysia và Indonesia đều đã tức giận trước các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông. Có lẽ ba quốc gia này có thể tiến hành các cuộc tập trận quân sự hoặc tuần tra cùng nhau. Ý tưởng này đang được gợi lên một cách không chính thức ở Philippines.
Cuối cùng, sách trắng quốc phòng mới nhất của Việt Nam, công bố vào tháng 11/2019, đã mở ra cơ hội tăng cường hợp tác an ninh với Hoa Kỳ.
Thắt chặt thêm quan hệ an ninh quốc phòng với Hoa Kỳ
Tài liệu này nhắc lại chính sách quốc phòng “3 không” của Hà Nội – không liên minh, không có căn cứ nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam và không liên kết với một nước để chống lại nước thứ ba – nhưng cũng lưu ý rằng, tùy thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện cụ thể, chuyên gia Grossman nhấn mạnh, Việt Nam sẽ xem xét việc phát triển các quan hệ quân sự và quốc phòng phù hợp và cần thiết với các nước khác.
Đối với ông Grossman, trên tinh thần đó, Hà Nội hoàn toàn có thể nhờ Washington hỗ trợ thêm nếu hành vi của Bắc Kinh ở Biển Đông không thay đổi. Hà Nội có thể làm việc này dựa trên đà cải thiện quan hệ đáng kinh ngạc trong những năm gần đây với Washington, mà một cái mốc quan trọng được ghi dấu tháng Ba vừa qua khi Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Theodore Roosevelt ghé cảng Đà Nẵng. Đấy là lần thứ hai trong ba năm mà một tàu sân bay Mỹ đến thăm Việt Nam.
Chuyên gia Grossman kết luận: Việt Nam hiện có nhiều phương án hợp lý khác nhau để đấu tranh chống lại Trung Quốc, vấn đề là Việt Nam cần xác định sẽ đi đến đâu để thành công.