Việt Nam Thời Báo

Sao ông Chung phải dựa vào bí mật quốc phòng?

Nguyễn Ngọc Chu
(FB Nguyễn Ngọc Chu)

Xử lý vụ Đồng Tâm là thước đo mức độ chính quyền vì dân. Và từ đó nó ảnh hưởng đến mức độ lòng dân yêu chính quyền.
BẤT LỢI MANG TÍNH NGUYÊN TẮC
Ở nhiều nước, mọi sự khiếu kiện đều được phân xử bởi tòa án. Chính quyền kiện dân hay dân kiện chính quyền đều do tòa án phân xử.
Chẳng hạn, thí dụ gần đây nhất là việc thẩm phán James Robert của Seattle ngày 3/2/2017 ra phán quyết tạm dừng lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Donald Trump ban hành ngày 27/1/2017. Sau đó thì Bộ Tư pháp Mỹ, để bảo vệ sắc lệnh của tổng thống, đã phải kháng cáo lên tòa phúc thẩm liên bang Mỹ khu vực 9 để phân xử. Bộ Tư pháp của một nước cũng phải theo kiện tại tòa án, thì biết vai trò và sự độc lập của tòa án ở mức độ nào. Sự độc lập của tòa án với chính quyền là thước đo công bằng của các quyết định phân xử.
Bất lợi mang tính nguyên tắc của người dân Đồng Tâm là khiếu kiện chính quyền mà người phân xử lại là cơ quan thanh tra của chính quyền, thì cũng là chính quyền xử kiện. Bởi thế, sẽ không bao giờ có được sự công bằng đúng nghĩa cho đồng bào Đồng Tâm.
LẠI MUỐN THẮNG DÂN
Ngày 22/4/2017 khi ông Nguyễn Đức Chung ký bản thỏa thuận 3 điểm với đồng bào Đồng Tâm, nhân dân cả nước đã vui mừng xem đó là một thỏa thuận có hậu cho tất cả. Ông Nguyễn Đức Chung đã được đồng bào Đồng Tâm hồ hởi chào đón và được đồng bào khắp nước khen ngợi với cái tâm của người lãnh đạo biết thua dân.
Nhưng ngày 07/7/2017 vừa qua, ông Nguyễn Đức Chung đến lại Mỹ Đức với đồng bào Đồng Tâm để công bố dự thảo Thanh tra, thì hóa ra bản Thanh tra chứa đựng ý đồ muốn thắng dân. Bởi vậy đồng bào Đồng Tâm không đón nhận ông và nhân dân khắp nước nhìn ông với góc độ khác.
Những người đang cố thắng nhân dân Đồng Tâm không biết rằng, họ đã thua trong lòng nhân dân toàn quốc ngay lúc này đây. Còn trong tương lai, nếu lãnh đạo cấp cao không đặt lợi ích của dân Đồng Tâm trên sự hiếu thắng của những kẻ mượn cớ “tiền lệ xấu”, thì tổn hại sẽ lớn hơn nhiều và sẽ không tránh được những phán xét khắc nghiệt của lịch sử.
MÂU THUẪN CƠ BẢN
Sự khác biệt mang tính mâu thuẫn đối kháng là kết luận về 59 ha đất nông nghiệp ở Đồng Sênh.
Người dân Đồng Tâm mà đại diện là cụ Kình (82 tuổi, nguyên bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm) nói:
“Cho dù có bị chặt đầu, tôi vẫn khẳng định đây là đất nông nghiệp. Người dân thôn Hoành xã Đồng Tâm đã canh tác trên mảnh này trong gần 70 năm qua, từ thời Pháp thuộc. Nhưng Dự thảo kết luận của Thanh tra Hà Nội hôm 7/7/2017 lại nói trên cánh Đồng Sênh không có đất nông nghiệp, mà 59ha này là đất quốc phòng. Đây quả là một kết luận vô lý, đổi trắng thay đen, phủ nhận thực tế lịch sử và không dựa trên cơ sở pháp lý. 59ha đất này chưa hề có quyết định thu hồi và chuyển đổi mục đích sử dụng của bất kỳ cấp có thẩm quyền nào! Người dân thôn Hoành đã và sẽ luôn đồng thuận, quyết tiếp tục đấu tranh giữ đất. Nếu kết luận chính thức không thay đổi, dân ĐồngTâm sẽ kiến nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc, các bên cùng nhau đo đạc để có kết luận khách quan, đúng theo thực tế lịch sử!”.
Còn Thanh tra Hà Nội thì khẳng định 59 ha đất Đồng Sênh là đất quốc phòng. Để phủ nhận, Thanh tra Hà Nội viện dẫn số lượng đất dôi thừa 28,9 ha là từ 31,9 ha của Nông trường Lương Mỹ thuộc huyện Chương Mỹ, không sản xuất nông nghiệp được và nằm trong quy hoạch giai đoạn 2 xây dựng sân bay Miếu Môn mà Nông trường Lương Mỹ đã bàn giao cho quân đội (trừ 2,5ha đất đường giao thông và 0,5 ha sai số đo đạc). Bởi thế tổng diện tích hiện trạng là 236,9 ha, nhiều hơn so với 208 ha trong quyết định ban đầu của Chính Phủ (14/4/1980). Nhưng khi nhận 31,9 ha đất từ Nông trường Lương Mỹ thì các đơn vị quốc phòng không báo cáo Bộ Quốc phòng để báo cáo Chính Phủ, và Thanh tra cho đây là điều thiếu sót.
Về chứng cớ Lữ đoàn 28 trả lời tố cáo công dân là chỉ quản lý 208 ha đất chứ không phải 236,9 ha trong thông báo 961A/TB-LĐ, đã được Thanh tra Hà Nội lý giải như sau:
“Ngày 18/6/2014 Lữ đoàn 28 có đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu sân bay Miếu Môn với diện tích 239,2 ha được giới hạn bởi 57 mốc. Ngày 20/10/2014, UBND TP có quyết định số 5383/QĐ-UBND giao 236,7 ha cho Quân chủng Phòng không Không quân tiếp tục sử dụng làm vị trí đóng quân của Lữ đoàn 28, nhưng sau 3 ngày Lữ đoàn lại có thông báo số 961A/TB-LĐ trả lời công dân tố cáo thực tế hiện nay đơn vị vẫn quản lý diện tích 208 ha được thể hiện trên đường bao 16 mốc giới, là thiếu chính xác, không đúng với thực tế và hồ sơ quản lý đất đai do đơn vị quản lý” (Vietnamnet.vn, 07/7/2017).
Sẽ còn tốn giấy mực và thời gian cho sự đúng sai này. Sự đúng sai phụ thuộc vào người phán xử. Nhưng Đồng Sênh là thực tế khách quan tồn tại ở Đồng Tâm đã nhiều năm nên không thể hủy bỏ được. Công lý cuối cùng sẽ được thiết lập dẫu phải mất nhiều năm về sau. Ở đây chưa đề cập về vấn đề này, mà nhìn ở góc độ khác.
BÍ MẬT GÌ Ở ĐÂY?
“Đất này dùng cho quốc phòng, là để chúng ta phòng thủ, không có nghĩa công bố cho người dân biết mà phải có những gì thuộc bí mật quốc gia thì cũng không cần phải thông báo cho cả làng cả dân biết, thậm chí đến cấp tôi cũng không biết nó là cái gì.” 
“Mà các anh không được phép hỏi, thậm chí cấp nào mới được biết chứ không phải giải thích cho các anh đất làm gì? Các anh không có quyền đó, bởi đó là an ninh quốc gia”( Vietnamnet.vn, 07/7/2017).
Những điều ông Chung giải thích trên đây, viện dẫn đến “bí mật quốc gia” đã bộc lộ sự đuối lý tuyệt đối trước dân.
Bởi vì, hơn cả ông Chung, người dân Đồng Tâm biết rõ rằng không có bí mật quốc gia nào ở Đồng Tâm cả. Người dân Đồng Tâm biết rõ rằng:
1. Sân bay Miếu Môn chưa được xây dựng; 2. Đất bỏ hoang mấy chục năm, một phần dùng cho lữ đoàn 28 đóng quân, một phần cho dân thuê lại cày cấy; 3. Không có công trình ngầm đặc biệt nào ở Đồng Tâm; 4. Dự án Viettel chưa triển khai; 5. Dẫu Viettel có triển khai thì cũng không có bí mật gì đặc biệt.
Người dân Đồng Tâm không hỏi, sao ông Chung lại phải phủ đầu trước là “Các anh không được phép hỏi. Thậm chí cấp nào mới được biết chứ không phải giải thích cho các anh đất làm gì? Các anh không có quyền đó, bởi đó là an ninh quốc gia”?
Hiện chưa có bí mật quốc gia nào ở Đồng Tâm. Đất thu hồi ở Đồng Tâm chưa làm được gì cho an ninh quốc gia. Muốn có công trình ngầm thì cũng phải học người Tàu, xây tường cao kín mít mấy chục km như ở Vũng Áng (đào đường ngầm ra biển). Lúc đó may ra mới che được mắt người, nhưng cũng khó dấu được “mắt” của vệ tinh.
VIETTEL LÀM ĐƯỢC GÌ?
Một quốc gia, muốn có những sáng chế quân sự hàng đầu của nhân loại, phải hội tụ nhiều điều kiện. Trong số đó có hai nhân tố rất quan trọng:
1. Một là, có nền công nghiệp hiện đại tiên tiến;
2. Hai là, có đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật giỏi, sở hữu những nghiên cứu và phát minh mang tính tiên phong của nhân loại.
Cả hai điều kiện trên, Việt Nam chưa bao giờ có, và còn là niềm mơ ước dài lâu.
Viettel là tập đoàn kinh tế của quân đội mới thành lập chưa lâu. Hoạt động chủ yếu là ở lĩnh vực kinh doanh dịch vụ viễn thông, dựa trên mua bán lắp đặt sản phẩm viễn thông của các nước khác, chứ không phải do mình sáng chế ra. Thành tựu nếu có, là ở lợi nhuận kinh tế, chứ không phải ở phát minh công nghệ.
Lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật của Viettel còn hạn chế, mà nền công nghiệp của Việt Nam lại sơ khai, nên Viettel chưa thể có những sáng tạo công nghệ vượt trội trong tương lai gần. Các sản phẩm của Viettel chủ yếu thuộc dạng lắp ráp từ các cấu kiện có sẵn, có những cải tiến, nhưng chưa thể đạt được trình độ của những sản phẩm công nghệ phát minh tân tiến hàng đầu.
Bởi thế, Viettel có thể đóng góp cho quân đội ở khía cạnh tiết kiệm được một phần nguồn tài chính về mua sắm thiết bị viễn thông, và ở một mức độ nào đó về bảo mật thông tin. Nhưng phải ý thức sâu sắc rằng, những thiết bị viễn thông mà Viettel cung cấp cho quân đội, không nằm ở mức độ tân tiến nhất của thế giới. Quân đội của các nước công nghiệp tiên tiến được trang bị các thiết bị viễn thông mạnh hơn nhiều những thiết bị viễn thông thương mại mà Viettel mua được.
Về an ninh mạng, tuy Viettel “đặt nhiệm vụ phát triển được các công cụ, vũ khí về tác chiến không gian mạng, coi như một ngành Công nghiệp quốc phòng”, nhưng đó mới là mong muốn tương lai do Viettel nói ra, chứ chưa phải cái mà Viettel đã đạt được. Mà cũng tiên liệu được ngay rằng “vũ khí tác chiến không gian mạng” của Viettel sẽ không nằm ở mức tân tiến của thế giới.
Chúng ta trân trọng những cố gắng của Viettel. Nhưng đừng khoác cho các sản phẩm Viettel chiếc áo bí mật quốc gia, để không ảo tưởng, và để không bị các hãng viễn thông quốc tế đánh giá thấp bí mật quốc gia của Việt Nam.
BUỘC CHUÔNG THÌ NÊN CỞI CHUÔNG
Vấn đề Đòng Tâm bị đẩy lên mâu thuẫn đối kháng là từ khi khởi động dự án của Viettel. Bởi vậy, như câu thành ngữ “ Buộc chuông thì phải cởi chuông”, Viettel có thể làm triệt tiêu căng thẳng ở Đồng Tâm.
Khu công nghệ cao Hòa Lạc được thành lập đã lâu nhưng vẫn còn bỏ trống. Dự án công nghệ viễn thông của Viettel rất phù hợp với mục đích của khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đất ở khu công nghệ cao Hòa Lạc thì còn nhiều. Hòa Lạc đã được đầu tư về cơ sở hạ tầng, lại gần Hà Nội hơn so với Đồng Tâm.
Lựa chọn Hòa Lạc là lựa chọn tốt cho cả Viettel lẫn khu công nghệ cao Hòa Lạc và cho cả đồng bào Đồng Tâm.
Một lựa chọn tốt như vậy tại sao lại không chấp nhận?
VẪN LÀ VẤN ĐỀ CỦA CẤP TRÊN
Thanh tra Hà nội và Thanh tra Bộ Quốc phòng sẽ không đưa lại sự công bằng cho người dân Đồng Tâm.
Đến Thanh tra Chính phủ cũng sẽ phải nghiêng về chính quyền.
Chỉ có lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, vì lo đến sự tồn vong của chế độ, may ra mới đưa lại công lý cho người dân Đồng Tâm.
ĐIỀU KỲ DIỆU
Điều kỳ điệu của Quân đội Việt Nam (QĐVN) không bắt nguồn từ các dự án bí mật mà các công ty quân đội làm kinh tế đeo đuổi.
QĐVN chẳng có số đông như Trung Quốc và chẳng có vũ khí hiện đại bằng Hoa Kỳ. Nhưng những người lính Việt Nam, trong hoàn cảnh cụ thể của chiến tranh, bằng quả cảm và mưu trí mới vượt qua được hạn chế về vũ khí và quân số, để lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh mà làm nên điều kỳ diệu. Điều kỳ diệu của QĐVN thuộc về người lính Việt Nam.
Chỉ những người lính Việt Nam vì yêu quê hương đất nước tha thiết nên dũng cảm quật cường, biến hóa tinh thông, để sống sót thành người chiến thắng.
Những đất đai không có nhu cầu cấp thiết cho quốc phòng thì hãy trả lại cho dân. Trưng thu đất của dân rồi để lãng phí là có tội lớn. Trả lại đất cho những người mẹ Việt Nam, để họ nuôi dưỡng những người con, vào lúc cần lại dâng hiến cho tổ quốc.
Đừng dạy người dân lòng yêu nước. Đừng dạy người dân cách bảo vệ bí mật cho tổ quốc. Đất nước này ngàn đời được bảo vệ toàn vẹn trước giặc ngoại xâm là nhờ dân, nhờ những người mẹ Việt Nam úp mặt xuống ruộng đồng nuôi con lớn khôn, rồi nuốt nước mắt tiễn con ra mặt trận, để đến trước lúc chết còn mãi gọi tên con.
Điều kỳ điệu của QĐVN thuộc về những người mẹ Việt Nam đã sinh ra, nuôi dưỡng con cái trở thành những chiến binh kiệt xuất.

Tin bài liên quan:

Loài người sẽ bị diệt vong nếu chúng ta không rời khỏi Trái Đất?

Phan Thanh Hung

Miệng nhà quan có gang có thép: ừa! cái miệng Thứ trưởng!

Phan Thanh Hung

Tuần báo Văn nghệ “phê bình”Công giáo Vinh và văn nghệ sĩ “phi cách mạng” *

Phan Thanh Hung

1 comment

Nặc danh 15.07.2017 12:22 at 12:22

Bài này không hay bằng bài của Nguyễn Anh Tuấn (Bàn cờ thế Đồng Tâm)

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.