VNTB: Bà Phạm Chi Lan là cựu cán bộ đầu tiên lên tiếng yêu cầu công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Hội nghị trung ương 10 của đảng cầm quyền tại Việt Nam. Tuy nhiên, tiếng nói của nữ chuyên gia kinh tế này chỉ được cất lên trên diễn đàn Đài BBC Anh quốc. Tương tự, yêu sách đòi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ đúng lời cam kết “sẽ công khai kiết quả phiếu tín nhiệm” của ông trước đây chỉ được tự do ngôn luận trên các diễn đàn mạng xã hội mà không hề xuất hiện tên truyền thông nhà nước.
Còn giờ đây và sau 4 ngày kết thúc quá lặng lẽ của Hội nghị 10, đến lượt những cán bộ về hưu cao cấp như ông Vũ Mão lên tiếng về yêu sách trên. Nhưng điều đáng giá nhất là sự cất tiếng này thể hiện trên báo chí nhà nước, bất chấp khuynh hướng ngăn chặn của Ban tuyên giáo trung ương.
Một lý do theo ông Vũ Mão: “Công bố kết quả lấy phiếu, qua đó nhân dân sẽ thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng”.
——————————
“Nhân dân mong muốn được biết kết quả lấy phiếu tin nhiệm Bộ Chính trị”
(GDVN) – Ông Vũ Mão: “Việc lấy phiếu tín nhiệm với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã cho thấy quyết tâm chính trị, sự dũng cảm của các đồng chí lãnh đạo Đảng”.
Hội nghị Trung ương 10 xác định 12 nhiệm vụ, giải pháp quan trọngTrò chuyện với GS. Nguyễn Minh Thuyết về lấy phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị
LTS: Hội nghị Trung ương 10 khóa XI vừa qua đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Mão – nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng các khoá V, VI, VII, VIII, IX, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội nhận định, đây là lần đầu tiên Trung ương thực hiện công tác này, do vậy cần thận trọng, nhưng tiến tới cũng nên công bố kết quả lấy phiếu, qua đó nhân dân sẽ thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
Ông đánh giá thế nào về việc lần đầu tiên Trung ương Đảng lấy phiếu tín nhiệm với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư?
Ông Vũ Mão: Thứ nhất, cần phải khẳng định, đây là một việc làm rất đáng hoan nghênh của Đảng ta, với mong muốn nhìn nhận đánh giá cán bộ được thường xuyên, chính xác.
Chúng ta biết rằng nhận thức ở khâu tổ chức cán bộ là rất quan trọng đối với vận mệnh dân tộc, vì vậy lâu nay Đảng ta cũng đã nghiêm túc trong vấn đề “phê bình và tự phê bình”. Lần này, việc lấy phiếu tín nhiệm với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã cho thấy thêm quyết tâm chính trị, sự dũng cảm của các đồng chí lãnh đạo Đảng ta.
Thứ hai, việc lấy phiếu tín nhiệm lần này cũng là khâu rất quan trọng để Trung ương thấy được mức độ tín nhiệm của các đồng chí đến đâu, qua đó có sự chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng XII.
Thứ ba là chủ trương lấy phiếu tín nhiệm có từ Hội nghị Trung ương 4, nhưng tới Hội nghị Trung ương 10 mới thực hiện cho thấy Trung ương, Bộ Chính trị hết sức thận trọng, đã cân nhắc và rút kinh nghiệm qua việc lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội.
Thứ tư, qua kết quả này (đánh giá của toàn Trung ương) thì mỗi đồng chí được lấy phiếu tín nhiệm sẽ nhìn nhận lại bản thân mình và đồng chí mình thực khách quan hơn, tránh bị chi phối bởi các yếu tố chủ quan, cảm tính.
Ông Vũ Mão: “Việc lấy phiếu tín nhiệm với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã cho thấy thêm quyết tâm chính trị, sự dũng cảm của các đồng chí lãnh đạo Đảng ta”. Ảnh Ngọc Quang |
Vậy ông có băn khoăn điều gì không?
Ông Vũ Mão: Từ trước tới nay, công tác đánh giá cán bộ được Đảng ta quan tâm làm thường xuyên hàng năm, tất nhiên là ở các mức độ khác nhau. Tôi có bốn băn khoăn:
Thứ nhất, Bộ chính trị từng đợt vẫn có bản kiểm điểm trình bày trước Trung ương và nghe Trung ương góp ý kiến. Năm nay thì có điểm rất mới là ngoài việc mình tự phê bình thì còn có các đồng chí trong Trung ương đánh giá về mình thông qua lá phiếu tín nhiệm. Như vậy, bên cạnh mặt tích cực thì chúng ta cũng phải đề phòng (dù ta không đặt vấn đề nghi ngờ ai, nhưng cũng không thể khẳng định chắc chắn không xảy ra) là có sự tranh thủ để có được nhiều phiếu tín nhiệm.
Thứ hai là từ trước tới nay, chúng ta chỉ quen với việc bỏ phiếu “bất tín nhiệm” mà thực chất là xem xét kỷ luật với những người có vấn đề, cho nên một nhiệm kỳ 5 năm các vị trí được Trung ương bầu cứ theo nhiệm vụ mà làm, ai có vấn đề gì thì sẽ đưa ra xem xét và cần thiết chịu hình thức kỷ luật trước Trung ương. Nhưng bây giờ việc lấy phiếu tín nhiệm, lúc đầu theo Nghị quyết Trung ương 4 là hàng năm, nay sửa lại là mỗi nhiệm kỳ làm một lần. Dầu sao vẫn dễ gây ra vấn đề tâm lý.
Tất nhiên có người lập luận rằng, đồng chí nào vững vàng thì chẳng sợ lấy phiếu tín nhiệm, thậm chí còn thích lấy phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, dẫu sao tâm lý con người thì vẫn có điều băn khoăn chứ, đặc biệt là sự đánh giá ấy căn cứ vào các yếu tố nào, mức độ khách quan trung thực tới đâu, minh bạch cũng là vấn đề phải đặt ra.
Thứ ba, quy trình thủ tục đưa ra lấy phiếu tín nhiệm chưa đủ, mà đó lại là những yếu tố hết sức cần thiết để đi đến đánh giá khách quan nhất. Theo tôi, cần phải có 4 loại văn bản của người được lấy phiếu tín nhiệm: Một là bản kiểm điểm cá nhân; Hai là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị họp hành và làm việc thường xuyên với nhau, hiểu nhau rất rõ, thì cần có đánh giá chung của Bộ Chính trị với từng đồng chí để Trung ương được biết; Ba là đánh giá của khu dân cư nơi đồng chí đó sinh sống; Bốn là bản kê khai tài sản.
Tôi đặc biệt quan tâm tới vấn đề kê khai tài sản, lâu nay chúng ta đã làm nhưng vẫn mang tính hình thức. Kê khai thì cứ kê khai, chưa có sự xem xét, kiểm tra đích đáng. Đó là chưa nói tới việc công bố cho nhân dân biết. Trong khi chúng ta đề nhận thức đây là vấn đề mấu chốt của việc có tham nhũng hay không?
Thứ tư là khi nào Trung ương công bố phiếu tín nhiệm cho nhân dân biết? Chúng ta thấy đây là việc làm mới rất cần ủng hộ, có lẽ vì còn mới nên các đồng chí lãnh đạo Đảng đang tính toán cẩn trọng, nhưng theo tôi tiến tới nên công bố cho nhân dân biết kết quả. Nhân dân mong muốn được biết kết quả lấy phiếu tin nhiệm Bộ Chính trị, qua đó thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo Đảng đối với vận mệnh của đất nước, đối với sự nghiệp xây dựng đổi mới đất nước.
Hơn nữa, chúng ta nói Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội, vậy thì nhân dân rất cần biết Đảng lãnh đạo thế nào, chịu trách nhiệm thế nào và nhân dân được giám sát ra sao? Chính Điều 4 của Hiến pháp đã quy định như thế! Một xã hội dân chủ, văn minh thì đó là chuyện rất bình thường.
Thưa ông, trước các kỳ Đại hội Đảng thường xuất hiện những thông tin có tính chất bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và cả lãnh đạo một số địa phương. Những thông tin ấy len lỏi vào từng ngõ ngách của đời sống, làm lòng dân hoang mang. Theo ông, cần có biện pháp gì để ngăn chặn lại những thông tin xấu này?
Ông Vũ Mão: Đây là hiện tượng có thật trong đời sống của chúng ta, ở các nước khác cũng như vậy thôi, không thể tránh được.
Vậy bây giờ làm cách nào để ngăn chặn triệt để? Theo tôi, những biện pháp kỹ thuật cũng chỉ là điều kiện cần nhằm ngăn chặn trước mắt những trang web độc hại, nhưng chắc chắn không bao giờ có thể ngăn chặn được hết, vì những kẻ xấu sẽ lại nghĩ ra chiêu trò mới.
Theo tôi, cách tốt hơn cả là các cơ quan chức năng phải sớm làm minh bạch những thông tin trôi nổi, nhất là thông tin nhằm vào các lãnh đạo cấp cao.
Tôi lấy thí dụ như thông tin đồn thổi đồng chí Nguyễn Bá Thanh bị đầu độc thì mới đây đã có thông tin từ Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương khẳng định, không có dấu hiệu nào chứng tỏ đồng chí bị đầu độc, đồng thời cũng chỉ ra căn bệnh ấy có nhiều người mắc phải. Như vậy, đấy là kênh thông tin chính thống để toàn dân biết.
Tuy nhiên, tôi thấy mặt này của chúng ta còn yếu, không chủ động mà thường bị động, đáng lẽ ra phải có thông tin định hướng dư luận ngay từ đầu, không để cho các thông tin độc hại trái chiều gây hoang mang trong nhân dân.
Vấn đề chủ yếu mà các trang web tung tin là tham nhũng liên quan tới các cán bộ cấp cao, vì vậy đơn giản là cơ quan chức năng xác hãy minh và công bố với toàn dân. Nếu chúng ta làm công tâm, minh bạch thì chẳng sợ gì các thông tin của kẻ xấu, còn như bây giờ cứ im lặng, không có phát ngôn gì trước dân chúng thì rất không tốt.
Trân trọng cảm ơn ông!
Giáo dục Việt Nam