Việt Nam Thời Báo

Shop TIN 30/3: Mua chức xong thì đi vơ vét, trong sạch không ai chơi

Mong đại biểu Quốc hội hãy mang cuộc sống nhân dân vào nghị trường và để ngày thường của đất nước được “cháy lên’ trong văn bản, trong điều luật, trong phản biện, trong chính sách… bớt đi những chỗ ngồi vỗ tay..những phát biểu bao chắn vuốt ve…
1.
Tôi cho rằng, trong phiên họp cuối cùng này của Quốc hội, nhiều đại biểu đã bật ra được những ý kiến gan ruột, đó vừa là ý kiến của chính họ, nhưng quan trọng hơn, những ý kiến gan ruột ấy mang hơi thở cuộc sống, mang nặng tâm tư của người dân, những trăn trở, dằn vặt, chê trách, cả những than thở, trách móc…Nói ra để thấy, phía trước là một chặng đường chông gai cho Quốc hội khoá mới, trước hết phải là những bộ luật theo kịp cuộc sống, là những đại biểu thực sự của dân, gần dân, bớt đi những đại biểu chỉ phát biểu hóng hớt, bao chắn hoặc vuốt ve thế sự, bớt đi những chỗ ngồi vỗ tay, bớt đi những vị trí đại biểu làm “phát ngôn” cho nhóm, ngành, dự án nào đó chứ không phải vì nhân dân, vì cử tri…
Khoá tới, người dân lại mong, trong các phiên họp, luôn nóng lên những ý kiến như thế, không chỉ co cụm lại ở một vài đại biểu tới mức quen tên, quen mặt, 500 đại biểu phải là 500 ngòi nổ, đốt nóng không gian hội trường, chung lưng đấu cật vì cử tri, thẳng thắn, mạnh mẽ, sắc sảo và tận tâm tận hiến.
Nói ra được những ý kiến thẳng thắn, sát thực, mạnh mẽ. mang tính phản biện sâu sắc đã là một bước tiến dài, nhưng cần nhiều hơn thế, đậm hơn thế, bùng nổ hơn thế…

Mong đại biểu Quốc hội hãy mang cuộc sống nhân dân vào nghị trường và để những ngày thường của đất nước được “cháy lên’ trong văn bản, trong điều luật, trong phản biện, trong chính sách…
+Đại biểu Đỗ Văn Đương:
“Dư luận râm ran có tình trạng chạy chức chạy quyền, hay đó là sự thật? Vì sao người ta thích chạy? Vì sao chạy được? Câu hỏi rất lớn mà trong nhiều nhiệm kỳ qua mà cho đến nay cử tri cả nước vẫn tra hỏi. Tôi cho rằng nạn chạy chức quyền tạo ra bất công rất lớn, tình trạng này không chỉ tạo ra bất công lớn, mà còn đẻ ra tham nhũng, vì mua bán chức quyền xong rồi, thì đi vơ vét để bù chi phí bỏ ra, đó là quy luật… 
Cuộc đời này còn nhiều cô Tấm trong sáng. Nhưng nước sạch thì không có cá, người trong sạch không ai chơi, bị coi là quan hệ kém. Ở đây có cách nhìn nhận đánh giá về mặt đạo đức cán bộ. Cứ đánh giá nặng về đánh giá chung chung”
+Đại biểu Dương Trung Quốc:
Người dân rất trân trọng khi Quốc hội đón Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, người đại diện cao nhất của tổ chức quốc tế uy tín nhất với bài diễn văn không dài nhưng rất chân thành và sâu sắc. 
“Nhưng qua 3 nhiệm kỳ Quốc hội tôi được chứng kiến, ngoài ông Tổng thư ký Liên Hợp Quốc chỉ có hai lần chúng ta đón các nguyên thủ quốc gia và đều là của Trung Quốc, đó là ông Hồ Cẩm Đào, ông Tập Cận Bình. Việc đón nguyên thủ quốc gia của một nước lớn, một nước có nhiều quan hệ với chúng ta là điều rất đáng trân trọng. Nhưng nếu chúng ta chỉ tổ chức thành một diễn đàn riêng rõ ràng người dân băn khoăn. Tại sao chúng ta không tạo thành một thông lệ, tất nhiên có chuẩn mực, chúng ta mời có nhiều tiếng nói hơn”, đại biểu Dương Trung Quốc nói.
Ông băn khăn, trong hoàn cảnh cụ thể của đất nước hiện nay, ai là người mời? Có phải ý chí của Quốc hội không, có chuẩn mực quy định nào được Quốc hội đồng thuận không? 
+Đại biểu Trương Trọng Nghĩa:
Ở nước ta tình hình ngược lại ở nhiều quốc gia. Đó là tội phạm không cần tinh vi gì cả, rất trắng trợn, rất công khai, kéo dài. Ví dụ vấn đề khai thác cát, phá rừng, xây dựng những tòa nhà này, tòa nhà kia, những khu biệt thự mấy chục căn, tần suất rất thường xuyên và quy mô ngày càng lớn hơn.
“Chúng ta phải suy nghĩ xem nguyên nhân nằm ở chỗ nào. Chúng tôi cho rằng công tác phòng chống tội phạm vừa rồi cần phải xem xét lại. Người vi phạm pháp luật không còn sợ nữa. Chúng ta nói rất nhiều về tai nạn giao thông, nhưng nếu nhìn lòng lề đường, chúng ta quản lý ở mọi thành phố, trong đó Hà Nội và TP HCM, người đi bộ phải bước xuống lòng đường, còn đi trên lề đường lơ mơ là người buôn bán họ mắng mỏ cho, thậm chí họ cho người đánh.
+Đại biểu Nguyễn Văn Phúc:
“Vấn đề này lâu rồi chưa thấy bàn. Trên thực tế đang có sự trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ của không ít bộ, ngành, chẳng hạn như giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông với Bộ Tài nguyên và Môi trường, giữa Bộ Giáo dục- Đào tạo với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội…”
+Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh:
‘Nhiều doanh nghiệp tâm sự rất muốn làm giàu cho quê hương. Họ muốn đất lành chim đậu, nhưng chim chưa đậu thì đã nhậu hết chim’
Đọc thêm ở đây:
 2.
TRẢ TÀU…
Rất cay đắng. Người dân ao ước ra khơi đánh bắt, bỏ nhiều tỉ mua tàu do nhà nước đóng, ngày hạ thuỷ trống dong cờ mở, đi 10 chuyến hỏng 4 chuyến, tiền kiếm được không bù được tiền sửa tàu, giận dữ, người dân quyết trả tàu cho nhà nước.
Lại phải xem lại chất lượng đóng tàu, sao nhanh hỏng thế, sao lởm khởm thế. Có hay việc lợi dụng vốn nhà nước để kiếm chác của đơn vị đóng tàu. Không biết phỉnh phờ ai lại đi phỉnh phờ những ngư dân bám biển.
Con tàu đóng như thế này thì người dân trả tàu, tự đóng lấy cũng phải thôi.
Đất nước hễ có hai chữ dự án là sau đó, kiểu gì cũng sinh chuyện. Phải có một cuộc điều tra của cơ quan chức năng trong vụ làm ăn này của doanh nghiệp đóng tàu, phải xới tung lại thiết kế, đơn giá, nghiệm thu…
Chủ tàu vỏ thép đầu tiên ở Đà Nẵng đã quyết định trả lại con tàu gần 12 tỷ đồng cho công ty đóng tàu ở Nha Trang vì gần một năm nay tàu nằm bờ trong tình trạng hư hại. Lê Văn Sang (34 tuổi, trú quận Hải Châu, Đà Nẵng) đồng sở hữu con tàu vỏ thép mang tên Sang Fish 01 quyết định trả tàu lại cho Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang (Khánh Hòa). Con tàu được hạ thủy hồi tháng 7/2014, công suất 750CV, dài hơn 25 m, rộng gần 8 m, chiều cao mạn 3,6 m, lượng choán nước hơn 180 tấn, có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ đồng.
Anh Sang kể, ra khơi chuyến đầu tiên, tàu đã bị hỏng tời, phải về bờ sửa chữa với chi phí khoảng 500 triệu đồng. “Ban đầu con tàu rất vững chãi. Nhưng đi biển được 10 chuyến, tàu hỏng đến 4 lần, làm ăn không có lãi”, anh Sang nói. Con tàu về nằm bờ gần một năm nay, phía chính mũi đã có nhiều vết hoen gỉ. Tàu được anh Sang cùng anh rể Phan Bé ký hợp đồng đóng tại Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang. Sang Fish 01 có các thiết bị hiện đại như máy Icom hơn 100 triệu đồng, GPS định vị chính xác tọa độ để đánh bắt cá và hoạt động trong vùng biển hợp pháp. Thời gian chủ tàu phải hoàn tiền cho Công ty là 6 năm. “Làm không có lãi nên tôi không có tiền trả cho nhà máy, giờ phải trả lại tàu”, anh Sang buồn bã nói khi nhìn con tàu để phơi mưa nắng đã xuống cấp phần vỏ.
Theo anh Sang, con tàu khi hoạt động ngoài biển bị rung lắc hơn tàu vỏ gỗ trước đó anh sở hữu, gây khó khăn với nghề đi biển, kể cả nghề hậu cần hay lưới vây. Trong những chuyến ra khơi ngoài sự cố hỏng tời, tàu còn bị hỏng cả máy. Tôi đã liên hệ trả lại con tàu này cho công ty. Đó là tài sản của họ, nên họ đồng ý nhận. Phần vỏ tàu cũ và xuống cấp sẽ được tân trang lại, và việc này không khó”, anh nói.
Đọc thêm ở đây: Ngư dân trả lại tàu vỏ thép

3.

PHẪN NỘ
Muốn hét lên vì phẫn nộ với sự quản lý của chính quyền, một hồ chứa nước ngọt cấp cho Đà Lạt bị lấp ầm ầm giữa ban ngày, khi báo Thanh Niên phản ánh thì trả lời, không tìm được thủ phạm….Nói thế sao không thấy ngượng mồm?
 Báo chí viết ra, chính quyền các cấp bắt đầu chúng tôi mới biết, chúng tôi sẽ kiểm tra, chúng tôi sẽ…..tít mù, veo véo…Vụ việc vở lỡ ra thì bảo chưa tìm thấy thủ phạm, chứ nếu không, chỉ cần “thủ phạm” ới cái có mặt tay bắt mặt mừng liền…
Vô trách nhiệm và ngậm mồm cho việc tàn phá thế đừng có thở hắt ra bảo sao người dân coi thường chính quyền.
+Cơ quan chức năng xác định được chủ máy ủi và xe cơ giới san ủi đất lấp lòng hồ tại thung lũng giữa nhà máy nước Đan Kia 1 và Đan Kia 2 (thuộc Tổ Đan Kia, thị trấn Lạc Dương) là ông Cil Sip. Tuy nhiên lại không xác định được người thuê ông Cil Sip san ủi (!?).
Ngay khi Thanh Niên phản ánh, UBND huyện Lạc Dương ra văn bản xử phạt hành chính ông Cil Sip 5 triệu đồng về hành vi lấn, chiếm đất thuộc lòng hồ. Đồng thời yêu cầu ông Cil Sip khôi phục lại hiện trạng ban đầu. Thực tế, sáng 29.3, tại vị trí này không còn chiếc xe cơ giới nào và hiện trường san ủi chưa được hoàn nguyên.
Đọc thêm ở đây:
4.
KHO BOM
Đã nhiều năm nay, điểm tập kết gas của Công ty Cổ phần Ngọn lửa thần và Công ty TNHH Vinh Quang nằm ở phía bên dưới chân cầu Thanh Trì luôn là nỗi sợ hãi của nhiều người dân sống quanh khu vực này. Đặc biệt, sau nhiều vụ nổ do rò rỉ bình gas và gần đây là vụ “cưa” vật liệu nổ ở Hà Đông càng khiến người dân lo lắng hơn bao giờ hết.
Chị Nguyễn Thị H., một công nhân đang làm việc cho một nhà máy gần khu vực tập kết gas của Công ty Vinh Quang cho biết: “Tôi không biết kho gas của công ty Vinh Quang có từ bao giờ, nhưng cách đây 3 năm tôi đã thấy. Nói thật, những ngày nắng nóng cao điểm 38, 40 độ, nhìn vào cái kho gas của công ty này tôi thấy nó không khác gì một quả bom chờ nổ”.
  Đọc ở đây:

Kho “bom” dưới chân cầu Thanh Trì

5.
GIUN TRONG NƯỚC SẠCH.
Các bạn Hà Nội cùng kiểm tra xem, cứ thế này thì kinh khủng:
Những ngày qua, nhiều cư dân tòa nhà chung cư CT9 (Khu đô thị Định Công – Hoàng Mai – Hà Nội) phản ánh việc trong nước sinh hoạt ở đây xuất hiện những sinh vật lạ. Để làm rõ hơn về việc này, trong các ngày 26 và 27/3, PV Báo GĐ&XH đã đến tận nơi tìm hiểu thực hư.
Theo đó, người đầu tiên phát hiện ra sự việc nghiêm trọng này là hộ gia đình bà Trần Thị Tuyết (64 tuổi, sống tại tầng 7, phòng 708). Chia sẻ với PV, bà Tuyết kể lại: “Đó là vào khoảng 10h30 đêm 23/3. Khi tôi đi lấy nước vào cái ca để đánh răng thì bất ngờ thấy nước đục ngầu và kèm theo đó là vô số những con giun dài bằng đốt ngón tay cứ lúc nhúc chui ra từ miệng vòi nước. Lúc này tôi giật mình kinh hãi và hét toáng lên cho mọi người cùng chứng kiến”.
Cũng theo lời kể của người phụ nữ này, vì lúc đó trời đã về khuya nên đến sáng hôm sau bà đã trình báo với đại diện Ban quản lý (BQL) tòa nhà về sự việc. Đáp lại, đại diện BQL giải thích lòng vòng rằng do bể chứa bị cạn và khi bơm lên nó hút cả cặn và vô tình có cả giun!?
 6.
HẾT CÁCH??
Vụ công ty Tân Đức dùng thủ đoạn đổ đất lấp cổng công ty người Nhật được ông đại diện truyền thông trả lời báo chí rằng: Nói về vụ Khu công nghiệp Tân Đức cắt nước, rào chắn lối vào Công ty Tango Candy, ông Trần Dương (giám đốc truyền thông Công ty cổ phần đầu tư Tân Đức) nói công ty ông “hết cách mới làm vậy”
Thế còn mấy chục công ty nước ngoài khác cũng không chấp nhận nộp thêm khoản tiền được coi là vô lý và không minh bạch này thì chúng mày lại tiếp tục đổ đất, hay phát hoả…vì được cho là hết cách?
7.
LÁT VỈA HÈ BẰNG ĐÁ HOA CƯƠNG?
Thưa lãnh đạo Quận 1, vấn đề không phải là tiền 1000 tỉ và các ông đang có vẻ đánh lạc hướng dư luận bằng cách nói khéo sẽ…xã hội hoá, không, chưa bàn tới tiền.
Vấn đề là nó vô lý, không ai đi lát đát hoa cương ở vỉa hè, ngược đời, nó vừa nguy hiểm cho người tham gia giao thông, vừa bít  hết lỗ thấm nước, tương lai sẽ tạo thành những vụ sụt hố…
Hãy bình tĩnh nhờ các nhà khoa học tư vấn, hãy dọn dẹp sạch vỉa hè, sạch vỉa hè tuyệt đối thì đã tạo cho thành phố rất đẹp rồi, chỗ nào hỏng thì sửa, dành tiền làm việc khác mà phải làm đúng, đừng ấu trĩ, đừng vội lẩm nhẩm bao nhiêu tỉ tỉ tỉ, không biết  thì học nước ngoài, liếc bắng mắt thôi đã biết người ta lát vỉa hè bằng gì.
Rồi lại phải kêu lấy với một người: Bí thư Thăng ơi, yêu cầu họ dừng tay lại…
Vỉa hè đá hoa cương không giúp thành phố giành lại số 1 được đâu, mà thụt lùi đấy.
Đọc thêm thông tin ở đây:
8.
KHÔNG ĐỐN HẠ
Từ thông tin sẽ đốn hạ 300 cây xanh, sau mấy ngày, trước dư luận phản ứng dữ dội, lại thông tin không đốn hạ, đốn và không cứ xơn xớt nhẹ tâng tâng vậy sao?
Cụ thể, để phục vụ việc thi công ga Ba Son, TP sẽ di dời, bứng dưỡng 16 cây sọ khỉ trên đường Tôn Đức Thắng (đoạn từ Nguyễn Hữu Cảnh đến Ngô Văn Năm).
Kế hoạch bứng dưỡng cụ thể sẽ được các cơ quan chức năng thông tin chi tiết trong thời gian sớm nhất.
Trước đó, sáng 23-3, tại buổi tiếp xúc với báo chí, ông Hoàng Như Cương, Phó Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, cho biết sẽ đốn hạ, di dời khoảng 300 cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng để phục vụ dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 (Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh làm chủ đầu tư) và nhà ga Ba Son (của tuyến đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên).
Trước mắt, từ ngày 26-3 đến 7-5, bốn cây sẽ được di dời và 12 cây sẽ bị đốn hạ để xây dựng nhà ga Ba Son. Số cây còn lại thuộc dự án cầu Thủ Thiêm 2, dự kiến cuối tháng 4-2016, các đơn vị liên quan mới có phương án cụ thể để UBND TP quyết định.
Theo ông Cương, những cây xanh được di dời sẽ đưa về trồng ở các công viên, còn gỗ cây đốn hạ sẽ giao cho Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1 (Sở GTVT TP) sử dụng ở các công trình công cộng.
9.
HOÀ THÂN TRONG CHỮ CỦA NHÀ THƠ
Nhà thơ Bùi Hoàng Tám lẩy từ phát biểu của đại biểu Đương ra bài bình luận này.  Lời lẽ nhẹ như có cánh nhưng trĩu nặng tâm tư, mang nhiều thông điệp:
Câu hỏi đặt ra là vì sao lại có “Hòa Thân”? Đây là câu trả lời không dễ trả lời, song chăc chắn có hai nguyên nhân chính. Một là Hòa Thân rất giỏi xu nịnh cấp trên và thứ hai, ông ta cũng rất giỏi vơ vét.
Xin ví dụ một việc, đó là luật “Nghị tội ngân” – lấy bạc để chuộc tội. Dựa vào luật này, lớp quan lại trở nên tham nhũng khủng khiếp.
Thế nhưng vì sao ông ta lại có thể đặt ra luật này? Có nhiều nguyên nhân, song có một nguyên nhân quan trọng, đó là ông ta thao túng được triều đình.
Khi luật này được ban hành, quan lại thả sức tham nhũng và tất nhiên, người hưởng lợi nhiều nhất chính là Hòa Thân.
Đọc ở đây:

Đất nước lắm “hoà thân”…nhân dân nhiều “chị Dậu”

ĐỌC TỪ FACEBOOK:
 *Mai Thanh Hải:
 VIẾT TIẾP ĐOẠN KẾT CÓ HẬU CHO CÂU CHUYỆN VỀ CÔ BỘ ĐỘI TRONG BỨC ẢNH 37 NĂM TRƯỚC. Sáng nay (29.3), một ông anh doanh nghiệp (xin giấu tên) đã cho xe lên tận Hanh Cù (Thanh Ba, Phú Thọ) đón cô bộ đội Bùi Thị Mùi (nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 19 Vận tải, trực thuộc Sư đoàn 346, Quân khu 1; trực tiếp tham gia chiến đấu đánh trả quân Trung Quốc xâm lược từ tháng 2.1979, tại mặt trận Cao Bằng) về chữa trị bệnh tại Hà Nội và trực tiếp Phó Giám đốc Bệnh viện Giao thông vân tải TW Lê Tuyên Hồng Dương đã đón tiếp, bố trí và tổ chức xét nghiệm, chuẩn bị cho công đoạn chữa trị cho cô bộ đội Mùi trong thời gian tới.

BS Tuyên nói ngắn gọn với mình qua điện thoại: “Mỗi người, mỗi cơ quan giúp 1 tay cho cô ấy khỏi bệnh, lên thăm chiến trường xưa và con gái nuôi. Trách nhiệm chúng tôi, em đừng cảm ơn!”.

Cô bộ đội Mùi thì cứ thảng thốt: “Cô được đưa xuống Hà Nội chữa bệnh thật rồi Hải à! Không phải mơ nữa!”.

Cảm ơn những người tốt, trong đời này, rất nhiều!..

(hình: PGĐ Bệnh viện GTVTTW Lê Tuyên Hồng Dương thăm khám cho cô bộ đội Bùi Thị Mùi; 29.3.2016)
 *Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều:
(trích)
KÝ ỨC VỀ THỊ XÃ HÀ ĐÔNG SAU VỤ NỔ VĂN PHÚ
Từ sau vụ nổ kinh hoàng ở khu đô thị Văn Phú, Hà Đông, tôi đã mấy lần đi qua khu vực Văn Phú và không lúc nào thoát khỏi cảm giác rùng mình và thương xót. Một sáng ngồi cà phê với nhà báo Đặng Lân, Phó Tổng biên tập Báo Công an Nhân dân, ông nói có biết người phụ nữ chết trong vụ nổ cùng đứa con gái. Chị vẫn thường mang trứng ra bán ở khu phố nhà ông. Cuộc sống thật mong manh. Có người hôm qua vừa thấy đi trên đường vui vẻ. Sáng hôm sau đã rời bỏ thế gian. Điều ấy luôn mang đến cho tôi ý nghĩ : hãy tận dụng thời gian để sống với những gì có nghĩa nhất.
…Tôi lại nhớ đến một đêm của tháng 12 năm 1972. Đêm đó là một trong những đêm mà Mỹ ném bom ồ ạt Hà Nội bằng máy bay rải thảm B52. Và Đa Sỹ là đã trở thành bãi bom của B52. Tôi biết khá kỹ về cái đêm tang thương ấy của người dân Đa Sỹ vì đó là làng vợ tôi và làng của một người bạn thân của tôi. Trận ném bom rải thảm đêm đó đã đã cướp đi sinh mệnh của 54 người, 20 người bị thương và 196 ngôi nhà bị phá hủy. Có những gia đình không còn một người nào sống như nhà cụ Tư Đỗ có ba người và tám cháu ở Hà Nội sơ tán về nhà cụ đều chết hết, như nhà cụ Ba Hét có bảy người đều bị chết.
Sáng hôm sau tỉnh dậy, người ta nhìn thấy những mảnh thân xác và ruột gan của những người bị bom xé nát vung vãi khắp nơi và bị ném tung lên mắc cả trên những cành cây trong làng. Đó là ngày đại tang chưa từng có trong lịch sử của làng Đa Sỹ kể cả nạn đói năm 1945. Năm ấy, vợ tôi 11 tuổi và đang ngủ dưới hầm. Khi những trái bom Mỹ ném xuống làng Đa Sỹ, vợ tôi chỉ nghe những tiếng ục..ục và ngay lúc đó đất cát bắn vào đầy miệng. Sáng sau tỉnh dậy, vợ tôi thấy hố bom san sát chỉ cách nhà chừng 15 đến 20 mét. Cho đến bây giờ, vợ tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh một chiếc áo bông hoa bị xé tơi tả ném lên tận ngọn tre trong làng. Cô bé mặc chiếc áo bông hoa ấy không còn sống. Sau trận bom ấy, bố mẹ vợ tôi cố quên đi câu chuyện tang tóc của làng. Các cụ chỉ giữ lại một chiếc ấm nhôm đun nước bị mảnh bom xé rách như một vật chứng. Bây giờ chiếc ấm nhôm đó tôi vẫn giữ trong nhà.
Mới đấy mà đã 44 năm trôi qua. Nỗi kinh hoàng của trận ném bom rải thảm của B52 Mỹ tưởng đã chìm vào quá khứ. Nhưng trái bom phát nổ ở Văn Phú lại đánh thức toàn bộ ký ức của những người làng Đa Sỹ – những người sống sót qua cái đêm tang tóc ấy- về cái đêm chiến tranh khủng khiếp đó. Và trong lòng nhiều người Đa Sỹ, vết thương cũ lại chảy máu.
….
( Ảnh: Chiếc ấm nhôm bị bom Mỹ xé nát. Ảnh tư liệu gia đình )
 *Nguyễn Bích Lan:
Bà Nguyễn Thị Hưởn ở Bến Tre có một giếng nước ngọt. Trong đợt thiên tai hạn hạn và nhiễm mặn đang xảy ra ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, giếng nước của bà có thể “rót ra vàng”. Nếu bà tham, bà có thể bán mỗi can nước ngọt với giá vài chục nghìn đồng và kiếm được một số tiền kha khá. 

Nhưng bà viết hai chữ “Cho Nước” bằng vôi trắng thật to, và hễ ai đến xin nước thì bà lại ra giếng bơm nước miễn phí cho họ. 

Người bạn Facebook của tôi, chị Hoàng Hường, chắc đọc báo về bà, thấy bà bơm nước như thế vất vả quả, liền kêu gọi bạn bè FB của chị góp chút ít để mua tặng bà hai cái téc đựng nước, để việc cho nước của bà đỡ vất vả. 

Số tiền các bạn chị góp lại, không những đủ để mua được 2 chiếc téc đựng nước giúp người thiếu nước giữa tâm hạn hán, mà còn thừa để lập một tủ sách cho trẻ vùng đó. 

Còn nhớ trong đợt rét kỷ lục vừa qua ở miền Bắc tôi và những người bạn góp được mấy trăm chiếc áo ấm để giúp các trẻ em vùng cao Yên Bái. Góp áo thì dễ, nhưng kiếm được phương tiện chở đi trong thời tiết mưa rét thật khó. Cũng nhờ FB này mà một người đàn ông lên tiếng cho mượn cả xe tải và tình nguyện lái xe chở áo lên vùng cao giúp chúng tôi.
Tôi rất muốn các trẻ em của chúng ta ở trường học được kể cho nghe những câu chuyện nhỏ, xảy ra trong đời thực, ngay trong những ngày các em đang sống như câu chuyện về người cho nước và hai téc nước này, thay vì phải đọc thuộc lòng những bài học đạo đức sáo rỗng, giáo điều. 

ảnh: Người cho nước ( xin từ FB của chị Hoàng Hường)
Theo Infonet

Tin bài liên quan:

Sân bay Long Thành – Lợi ích nhóm và những kịch bản máu?

Phan Thanh Hung

VNTB – Có danh dự đâu mà rút!

Do Van Tien

VNTB – Tham nhũng tiếp tục lan rộng

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.