VNTB – ‘Đốt lò’ cỡ nào thì tham nhũng cũng vẫn không giảm

VNTB – ‘Đốt lò’ cỡ nào thì tham nhũng cũng vẫn không giảm

Mai Lan

 

(VNTB) – “Vì sao chúng ta đã quyết liệt xử lý nhiều cán bộ nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ án tham nhũng lớn?”.

 

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đã đặt vấn đề như vậy tại hội thảo góp ý đối với báo cáo chuyên đề công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, do chính ban này tổ chức.

Một loạt vấn đề đã được người đứng đầu Ban Nội chính Trung ương đặt ra, như: Những thành tựu, kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm rút ra trong dự thảo báo cáo đã đầy đủ, toàn diện chưa? Những vấn đề đặt ra đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay là gì, nhất là, những vấn đề đặt ra qua xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, nghiêm trọng vừa qua.

Vì sao, vừa qua chúng ta chống tham nhũng quyết liệt, xử lý nghiêm nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm, cả cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, gây bức xúc trong dư luận?

Tình trạng một bộ phận cán bộ được gọi là né tránh, đùn đẩy, … có phải vì sợ sai, không dám làm, hay vì họ hiểu pháp luật đang có quá nhiều khoảng trống, kẽ hở khiến họ có thể bị quy chụp trong mối quan hệ phe nhóm quyền lực nào đó?

Về mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng; về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc; kiểm soát tài sản toàn xã hội… cũng là loạt vấn đề mà ông Phan Đình Trạc cho rằng cần sự góp ý thẳng thắn của các đại biểu trong khuôn khổ theo chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là, “phải nghiên cứu, xây dựng cho được hệ thống lý luận về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam”.

Số liệu công bố tại hội thảo, tại nhiệm kỳ Đại hội XII đã xử lý kỷ luật 113 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó 27 cán bộ là Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 cán bộ là Ủy viên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị. Còn tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, xử lý kỷ luật 95 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 19 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 23 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Giải pháp đột phá nào để hoàn thiện cơ chế giám sát quyền lực? Vấn đề này được ông Phan Đình Trạc thắc mắc đã cho thấy dường như lâu nay cách quản trị của Đảng không đến từ luật pháp, mà chủ yếu là dựa vào những quyết định gọi là nghị quyết Đảng được căn cứ từ lập trường chính trị của cá nhân lãnh đạo ‘bề trên’ nào đó.

Ở đây rất đơn giản là Đảng có thật sự cầu thị trong nhìn nhận về khả năng quản trị quốc gia của mình đến mức độ nào?

Từ tin tức trên mạng xã hội, trên các bài báo được khéo léo của “viết – lách”, từ ý kiến phản biện xã hội của những nhà báo tự do, nhà quan sát chính trị… cho thấy tình hình cán bộ, công chức vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng, nạn tham nhũng, lãng phí, lối sống thiếu trung thực, cơ hội, “chạy” thành tích, bằng cấp, chức quyền, dự án, đề tài, chạy tội… xảy ra ở mức độ khá phổ biến, cá biệt có trường hợp tự xử lý bằng bạo lực là không bình thường trong nhà nước pháp quyền.

Có nhiều nguyên nhân, nhưng yếu tố quyết định vẫn là con người, là cán bộ. Trình độ, năng lực cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là một nguyên nhân cơ bản dẫn đến hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa vẫn chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, tính khả thi thấp, chậm đi vào cuộc sống, chưa theo kịp và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Nói theo cách của ngôn ngữ Tuyên giáo, thì quản lý xã hội bằng pháp luật của nhà nước dưới sự chỉ đạo của Đảng còn bộc lộ không ít khuyết điểm, yếu kém; chưa ngang tầm với nhiệm vụ của thời kỳ đổi mới và chưa đáp ứng yêu cầu hiện tại. Sự lạc hậu và những bất cập trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật không nghiêm, chưa công bằng, nhẹ trên, nặng dưới là một nguyên nhân góp phần nảy sinh những hiện tượng tiêu cực và vi phạm pháp luật.

Và trong bối cảnh trên, chuyện tham nhũng cứ nảy nồi là lẽ thường tình.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)