VNTB – An ninh mạng chỉ chăm chăm quản lý “nói ngược với ý Nhà nước”?

VNTB – An ninh mạng chỉ chăm chăm quản lý “nói ngược với ý Nhà nước”?

Lê Tự Do

 

(VNTB) – Thế giới mạng là một cộng đồng, nói theo kiểu bình dân, tựa hồ như một nồi lẩu thập cẩm.

 

Ở đó, có những thông tin, tạm gọi là chính thống, hoàn toàn có thể tin được; cũng có những thông tin với các tít kiểu giật gân để thu hút sự tò mò của độc giả mà độ xác thực thì vẫn còn phải kiểm chứng.

Điểm đáng lưu ý ở đây, có những thông tin rất được “ưu ái” trong vấn đề kiểm duyệt, trong vấn đề tương tác với người xem. Có những thông tin, rõ ràng là gây “nhức mắt” cho nhiều người, gây “đỏ mặt” khi người sử dụng mạng xã hội đang ngồi cùng gia đình… thì dường chừng như đang bị một bộ phận an ninh mạng… bỏ qua.

Livestream nội dung “người lớn”, điều “đào”

Thời gian qua, nhiều người dùng Facebook tại Việt Nam phản ánh tình trạng trang tài khoản cá nhân thường xuyên xuất hiện clip livestream với nội dung đồi trụy hoặc “thiếu vải”với mục đích bán hàng, cá cược… Một số chủ tài khoản cho biết các clip này có những cảnh “người lớn”, dù có sử dụng đạo cụ để che, trong khi vài người khẳng định họ đã nhìn thấy những video gắn mác “Phát trực tiếp” không che các vùng nhạy cảm trên cơ thể người nam và nữ xuất hiện trong đó.

Bên cạnh đó, những trang fanpage nội dung điều đào, massage với hình ảnh “nhạy cảm” cũng xuất hiện với mật độ nhiều hơn trên trang chủ facebook.

“Xuất hiện rất thường. Nhiều người nói phải bấm vào thì nó mới xuất hiện nhiều như vậy. Điều đó có thể đúng so với lúc trước. Nhưng bây giờ hình như là không, nó xuất hiện ngẫu nhiên và với mật độ, tần suất rất dày. Dưới các trang thường kèm câu “được tài trợ”. Thậm chí, có lúc, trang chủ facebook, không xuất hiện những trang fanpage tôi thích hoặc theo dõi. Không xuất hiện những nhóm tôi tham dự mà toàn xuất hiện những nội dung lạ hoắc kèm theo đó là câu gợi ý thích”.

Có những nội dung, facebook rất chăm chỉ… tháo…

Tần suất xuất hiện nhiều là vậy, dù bị báo cáo (report) nhưng có vẻ vẫn không… xi-nhê. Điều này, dường như khác biệt hoàn toàn với những nội dung có xu thế phản biện.

“Có những nội dung, mình thấy mới lên được 5 phút, đã thấy mất tiêu. Liên hệ hỏi trang thì nhận được câu trả lời là thông báo từ facebook buộc phải tháo xuống vì lý do này lý do nọ. Cũng ngầm hiểu được cái lý do đó là gì rồi”.

Siết chặt hơn về vấn đề phát ngôn trên mạng xã hội, ông Lê Quang Tự Do – Cục trưởng Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng: “Nếu tài khoản bị chiếm quyền điều khiển hoặc do nhiều người dùng chung, họ phải chứng minh mình không đăng tải nội dung đó. Nếu không vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn”. Trong trường hợp phát ngôn vi phạm nghiêm trọng, họ có thể bị kiện ra tòa hoặc bị xử lý hình sự, theo Luật An ninh mạng.

Có thể thấy, một khi chủ tài khoản facebook bị chiếm quyền sử dụng. Thay vì được đồng cảm, được bênh vực thì chủ tài khoản còn phải bị phạt, thậm chí còn có thể bị xử lý hình sự.

“Điều này là hoàn toàn vô lý. Có ai muốn bị mất quyền kiểm soát đâu. Nhưng thế giới mạng là tinh vi, có những người chỉ biết lướt xem facebook mà thôi, thì việc mất tài khoản là hoàn toàn có thể xảy ra. Những lúc ấy, kêu họ chứng minh thì chứng minh thế nào?

Rồi ai xấu xa, chiếm dụng viết những câu chống Nhà nước lên trang cá nhân nữa. Tự dưng bị xử lý hình sự một cách vô duyên. Thế thì chẳng khác gì khuyến khích người dân thôi đừng xài facebook, đừng tiếp cận công nghệ. Phát ngôn của ông Tự Do là đang đi ngược với cách mạng công nghiệp 4.0”.

Lấy một ví dụ, như trường hợp “tự do” trong livestream nói trên, trong quá trình phát trực tuyến, lợi dụng việc “mắt thấy, tai nghe” người thật, việc thật trước mặt, kẻ lừa đảo có thể phát các nội dung hấp dẫn, tò mò, gây kích thích người dùng, từ đó gửi đường link để tải ứng dụng không chính thống, dẫn dụ người dùng cài lên thiết bị cá nhân để được xem nhiều nội dung hơn.

Vô hình trung, dễ dàng kiểm soát tài khoản facebook của người dùng, từ đó có thể làm nhiều việc dẫn đến vi phạm luật An ninh mạng.

Rõ ràng, lỗi là do quản lý không nghiêm từ phía an ninh mạng, để những rủi ro xuất hiện đầy rẫy trên mạng xã hội. Vậy mà cuối cùng, gánh chịu trách nhiệm lại là dân đen.

Tựu trung lại, có thể thấy, đơn cử như facebook, không chỉ bao gồm những trang “chướng tai gai mắt” mà còn là những nội dung mang tính chất “người lớn”, ảnh hưởng ít nhiều đến giáo dục con trẻ. Vậy thì tại sao an ninh mạng chỉ chăm chăm vào một thứ, trong khi những điều kia lại được bỏ qua?

Do tắc trách? Do năng lực kém? Hay vì lý do khó nói nào khác?


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)