Việt Nam sẽ không còn được tiếp cận vốn ODA của Ngân hàng Phát triển Châu Á kể từ năm 2019, khiến nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế bị thu hẹp dần.
Ông Eric Sidgwick (giữa), Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, phát biểu tại buổi công bố báo cáo ADO ngày 30/3. (Ảnh: Minh Tuấn) |
Nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dành cho Việt Nam dự định sẽ bị cắt kể từ tháng 1/2019, chậm hơn một năm rưỡi so với mốc tốt nghiệp ODA của Ngân hàng Thế giới, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, cho biết tại buổi họp báo công bố báo cáo “Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2016” sáng nay tại Hà Nội.
Theo vị đại diện ADB, Việt Nam hiện đang hưởng lợi từ hai nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), đó là nguồn vốn thông thường (OCR) và Quỹ Phát triển Châu Á (ADF). Nguồn ADF được dành cho các nước nghèo hơn và có kỳ hạn và lãi suất có lợi hơn cho bên vay.
Để tiếp cận vốn ADF, nước đi vay cần đáp ứng một số tiêu chí nhất định, trong đó có thu nhập quốc dân (GNI) trên đầu người và hệ số tín nhiệm quốc gia. Trong khi đó, Việt Nam đã đạt ngưỡng thu nhập trung bình kể từ năm 2010 và phát hành trái phiếu chính phủ trên thị trường quốc tế ba đợt kể từ năm 2005.
Do lãi suất trên toàn cầu hiện xuống thấp, lãi suất của nguồn ADF nhỉnh hơn so với nguồn OCR, nhưng lại có kỳ hạn trả nợ dài hơn. Do đó, ADF vẫn là cửa vay có lợi hơn cho Việt Nam, ông cho biết.
Ông Sidgwick cũng cho biết thêm, kể từ năm 2017 trở đi, nguồn vốn góp vào ADF sẽ được kết hợp với OCR, dẫn tới bảng cân đối của ADB sẽ được nới rộng hơn. Do ADB được xếp hạng tín nhiệm AAA, mức cao nhất, nên thể chế này được phép tăng vốn vay so với vốn chủ sở hữu.
“Việt Nam sẽ phải tốt nghiệp vốn ADF vào một thời điểm nhất định, nhưng điều đó sẽ được bù đắp bằng việc tiếp cận nguồn vốn lớn hơn nếu Chính phủ Việt Nam mong muốn, dù lãi suất sẽ cao hơn một chút”, vị đại diện bình luận.
Ngân hàng Thế giới, một trong những nhà nhà trợ lớn nhất cho Việt Nam, gần đây thông báo có thể ngừng cung cấp vốn ODA cho Việt Nam kể từ tháng 7 năm tới. Theo đó, Việt Nam sẽ không còn được vay theo điều kiện ODA và chủ yếu chuyển sang sử dụng nguồn vay ưu đãi, vay theo điều kiện thị trường.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong giai đoạn 2011-2015, tổng giá trị ODA và vay ưu đãi ký kết đạt khoảng 26,4 tỷ USD, tăng 5,36% so với giai đoạn trước; giải ngân đạt khoảng 23,22 tỷ USD, so với 13,86 tỷ USD giai đoạn 2006-2010.
Theo Bizlive