Việt Nam Thời Báo

Trung Quốc thu thập thông tin của Quốc hội Việt Nam thông qua những thiết bị văn phòng?

Minh Tâm

(Blue)


Trung Quốc chưa bao giờ hết ý định xâm chiếm Việt Nam. Bằng chứng là việc tranh chấp chủ quyền Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp, trong khi đó ở đất liền thì Trung Quốc âm thầm đưa người dân của họ xâm nhập vào nước ta bằng chính sách khuyến khích du lịch, chưa hết hàng loạt các nhà máy, xí nghiệp của họ đều đóng ở các vùng có vị trí chiến lược…Nay Chính phủ Trung Quốc lại trao quà là thiết bị văn phòng cho Quốc hội Việt Nam, điều này khiến cho dư luận nghi ngại vì xưa nay Trung Quốc là quốc gia nổi tiếng về lĩnh vực thu thập thông tin của các nước thông qua các thiết bị công nghệ. Vậy mục đích của việc này là gì, phải chăng Trung Quốc đang âm mưu muốn điều khiển, thu thập bí mật quốc gia từ cơ quan đầu não của ta?

Chiều 31/3, tại Văn phòng Quốc hội đã tổ chức Lễ tiếp nhận quà tặng của Chính phủ Trung Quốc trao tặng Quốc hội Việt Nam, nhân kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ giữa 2 nước. Đó là một số thiết bị văn phòng trị giá 2 triệu Nhân dân tệ.

Trung Quốc sẽ thu thập thông tin bí mật quốc gia của Việt Nam thông qua các thiết bị quà tặng
Trước tình hình căng thẳng trên Biển Đông, gần đây TQ cũng có nhiều động thái tác động mạnh mẽ đến nền chính trị Việt Nam, thông qua việc hợp tác đầu tư về kinh tế, xã hội…

Về kinh tế, TQ nắm trong tay quyền sinh sát đối với hàng loạt công trình trọng điểm của Việt Nam: Đường ống nước Sông Đà 2, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, bô xít Tây Nguyên, đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, nhà máy nhiệt điện Duyên Hải I, Nhiệt điện Vĩnh Tân, nhà máy giấy Lee&Man, Fomosa…Ngoài ra họ còn đầu tư vào các vùng kinh tế trọng yếu của Việt Nam: Khu Kinh tế Vũng Ánh – Hà Tĩnh, Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải….

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc với các đại biểu tại lễ tiếp nhận quà. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Về xã hội, TQ còn khuyến khích người dân của họ du lịch sang Việt Nam bằng những tour du lịch 0 đồng. Sau vụ này, Hạ Long lại xuất hiện hiện tượng lạ, là người dân nơi đây thanh toán hoàn toàn bằng đồng nhân dân tệ. Không những thế, TQ còn cho người dân của họ sang Việt Nam để lao động và định cư những vùng có vị trí chiến lược về mặt quân sự: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng, và Trà Vinh thông qua sự bảo trợ của doanh nghiệp TQ. Ai dám đảm bảo rằng trong số những người này không có tình báo, gián điệp đi thu thập thông tin cho cơ quan tình báo TQ?

Áp đảo về cả về mặt kinh tế, xã hội liệu TQ có gây sức ép chính trị với Việt Nam? Ngày xưa chiến tranh bên nào có vũ khí hiện đại sẽ thắng, nhưng nay đã khác xưa. Bên nào nắm được thông tin của đối phương thì coi như nắm được quyền áp đảo. Với điều kiện công nghệ phát triển như vũ bão như hiện nay, thì việc xâm nhập, đánh cắp thông tin, dữ liệu của đối phương là việc làm rất đơn giản. Chỉ cần cài một phần mềm mã độc, hoặc 1 con chíp vào bất kỳ thiết bị công nghệ nào là có thể thu thập được thông tin của đối phương.

Lenovo Flex 2 Pro, một trong những mấy laptop cài phần mềm điều khiển từ xa trước khi xuất xưởng.
Còn nhớ vụ tình báo Mỹ cáo buộc hacker Trung Quốc tấn công hệ thống web Chính phủ nước họ thông qua hệ thống máy tính cơ quan, đã đánh cắp thông tin cá nhân của 21,5 triệu người bao gồm ứng cử viên cho các công việc của chính phủ và 1,8 triệu người khác. Chỉ cần một con chip, một mã độc được cài cắm từ xa, tin tặc Trung Quốc đã có thể hack hệ thống web chính phủ của một đất nước đi đầu về công nghệ như Mỹ. Còn với những thiết bị mà TQ đã tặng cho Việt Nam thì sao? Nếu một trong những người đứng đầu Quốc hội – cơ quan nắm giữa thông tin bí mật quốc gia, sử dụng những thiết bị đó vào công việc nội bộ, nhập dữ liệu bảo mật, hoặc trao đổi thông tin liên lạc với lãnh đạo cấp cao, hay công việc điều hành đất nước…Mà toàn bộ thông tin này được truyền tải về hệ thống máy chủ bên TQ thì hậu quả thế nào, thật không thể tưởng tượng.

Nhiều người tự hỏi vì sao TQ lại tặng quà là những thiết bị văn phòng trị mà không là vật gì khác? Trước đây báo chí trong nước đã phản ánh rất nhiều về việc TQ cài phần mềm gián điệp vào thiết bị viễn thông, hay những thiết bị công nghệ như điện thoại Oppo, Huawei, ZTE … ở thị trường Việt Nam để đánh cắp thông tin người dùng, tuyên truyền cho yêu sách chủ quyền vô lý trên Biển Đông. Liệu nay TQ có lợi dụng những thiết bị quà tặng này để thu thập thông tin từ phía Quốc hội Việt Nam, thông qua việc cài sẵn phần mềm gián điệp hay không? Đã có quá nhiều bài học cho thấy, cảnh giác trước ông anh láng giềng lắm thủ đoạn là không bao giờ thừa, và đưa ra biện pháp đề phòng những thiết bị văn phòng mà phía Trung Quốc “tặng” chính là một trong những “việc cần làm ngay”.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.