Lê Quốc Tuấn chuyển ngữ
Dịch giả gửi tới Dân Luận
Không khí ngày hội không dành cho những nhà hoạt động xã hội chịu áp lực từ phía công an.
Sự rớt đài tàn nhẫn của nhà chính khách nổi bật và năng động nhất Việt Nam mang lại một vở tuồng kịch chính trị hiếm hoi trong những ngày gần đây.
Nhưng hoàn toàn không đem đến hy vọng về một chính phủ đại diện cho dân, hơn thế nữa, Đại hội Đảng Cộng sản còn là một thời gian đầy khó khăn và nguy hiểm cho các nhà hoạt động dân chủ ở Việt Nam.
Qua tường thuật này, blogger Đoan Trang, kể lại những gì cô đã trải qua, khi mà cả hệ thống đàn áp quan liêu khổng lồ của Việt Nam vào cuộc để ngăn chặn những kẻ không chịu tuân phục.
Vào những ngày mà đám lãnh đạo đảng mặc Âu phục, ngồi trong tiết trời lạnh giá của Hà Nội cho cuộc so găng chính trị quan trọng của họ, tôi đã kinh hãi chạy trốn trong đêm ở một nơi thuộc phần phía nam nhiệt đới của đất nước.
Nhảy lên xe máy, tôi lao nhanh xuống con đường nhỏ giữa những cánh đồng lúa, trong khi công an bao vây khách sạn tôi ở tại một thị trấn nhỏ gần Thành phố Hồ Chí Minh.
Tôi phải xuôi Nam để tránh khỏi áp lực ngày càng gay gắt ở Hà Nội, khi công an xiết chặt gọng kìm của họ trong thời gian chuẩn bị Đại hội Đảng Cộng sản, cuộc đối đầu chính trị căng thẳng nhất mà bất kỳ ai trong chúng tôi đều nhớ.
Chả có tội gì nhưng tôi thường bị công an theo sát, có lẽ vì những bài blog mình viết, và vì có quan hệ với những nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ.
NỖI SỢ HÃI VÀ SỰ HỖN LOẠN
Căng thẳng đã gia tăng trong nhiều tháng khi vào giữa tháng 12, ngay khi “mùa chính trị” vừa bắt đầu, công an bắt giam một trong những người đối kháng nổi tiếng nhất Việt Nam – luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài.
Tuần trước đó, anh đã bị những người giấu mặt đánh đập. Còn giờ đây, anh và một người trợ lý bị bắt và bị buộc tội tuyên truyền chống nhà nước.
Vụ bắt giữ gây ra tâm lý hỗn loạn và hoang mang trong cộng đồng những người bất đồng chính kiến và làm tình hình tiếp tục tăm tối hơn. Công an canh chặt nhà của một số người hoạt động, phá cuộc họp của các nhà vận động môi trường và tổ chức một cuộc tập trận lớn để phô trương khả năng kiểm soát bạo động của mình.
Một người tổ chức cuộc họp nọ đã phải phóng xe trốn về nhà cô ở miền núi, do bị đe dọa từ những người công an bám theo mình.
Ở nơi khác, một nhà hoạt động bị tấn công trên đường phố bởi những nhân viên công an thường phục.
Tất nhiên, những câu chuyện như thế này không được đề cập trên hệ thống báo chí – truyền thông do nhà nước quản lý, và đại đa số mọi người sẽ hầu như không nhận thấy có sự thay đổi nào trong khí quyển.
Dân chúng dường như phần lớn chỉ quan tâm thảo luận về loạt phim truyền hình Ấn Độ dài vĩ đại, Cô dâu tám tuổi, đang được chiếu trên tivi, hơn là theo dõi diễn tiến cuộc đánh lộn của Đảng Cộng sản. Chẳng một ai để tâm đến những cuộc đàn áp bí mật các blogger, các nhà bất đồng chính kiến và nhà hoạt động xã hội dân sự.
Chúng tôi bị gạt sang bên lề, hầu như không được ai nhìn đến, trong một hệ thống chính trị huy động tất cả các nguồn tài nguyên tuyệt vời để cô lập và chối bỏ không gian hoạt động dân sự.
Tất nhiên là có một số người quan tâm đến đại hội đảng, nhờ có các trang blog độc lập và tin tức rò rỉ từ các phe phái đối thủ của nhau. Nhiều người cũng có được cái nhìn sơ bộ ban đầu về những trận chiến ở cấp cao nhất của đảng.
Tôi nhớ lại các đại hội đảng trước đây khi mình còn bé. Nhiều ngày trước Đại hội, truyền hình quốc gia, VTV, nhồi sọ chúng tôi từng đêm với hàng chục bộ phim điện ảnh và tài liệu cách mạng, để “kỷ niệm sự kiện chính trị lớn của đảng và nhà nước ta”.
Bây giờ chả ai muốn nghe những thứ ấy nữa và thậm chí đảng cũng chả bận tâm làm việc ấy. Có những nhà tuyên giáo thực hiện các loại tuyên truyền lố bịch trên tivi, nhưng bằng cách nào đó thì Cô dâu tám tuổi vẫn được ưa thích hơn.
TIẾNG GÕ CỬA LỚN
Tôi đã mong có được một dịp để nghỉ ngơi, thoát khỏi bầu không khí ngột ngạt của Hà Nội, ở phương nam này, nơi đại hội, hội nghị và các cuộc họp của Trung ương Đảng như đang diễn ra ở một hành tinh nào khác.
Nhưng tôi đã lầm.
Có tiếng gõ cửa phòng rất to. Người quản lý khách sạn xuất hiện, nhìn tôi với bộ mặt cau có và lo lắng.
“Cô nên đi ngay” – ông nói. “Từ lúc cô đến, công an đã quấy rầy tất cả các khách sạn trong khu vực. Họ cho mọi người xem ảnh cô cùng với một công văn là họ đang tìm cô”.
Ông ta bảo rằng trông tôi không giống tội phạm, nên ông đã chối, bảo với công an là không có tôi ở đây. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng họ sắp quay lại để lục soát các phòng và tôi phải đi ngay lập tức.
Tôi nhanh chóng thu dọn đồ, cảm ơn viên quản lý – hơi ngạc nhiên với tính vô tư Nam Bộ của ông ta – và chạy ra đường.
Lúc đó là 10h tối. Trong cơn hoảng loạn, tôi bị chảy máu chân, và rồi không hiểu làm thế nào mà tôi cũng tìm được một nơi để ở tạm.
Hôm sau, qua bạn bè, tôi nghe nói tôi nên về Hà Nội ngay, ở đó công an có thể kiểm soát được tôi và do vậy họ sẽ thoải mái hơn. Dường như họ không muốn tôi “tung tăng” trong nước trong thời gian đại hội, ngay cả khi tôi chỉ muốn đi nghỉ.
HÀ NỘI BỊ KHÓA CHẶT
Tất nhiên, tôi không phải là người duy nhất. Bộ máy đàn áp ở Việt Nam rất lớn và luôn chơi trò mèo vờn chuột với giới bất đồng chính kiến để duy trì họ trong bất ổn và sợ hãi. Vài ngày trước khi đại hội bắt đầu, khoảng một chục nhà hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh đã thình lình bị canh nhà.
Một số người khác phàn nàn về việc bị xét nhà đột ngột vào ban đêm để “kiểm tra nhân khẩu” – một thủ tục thường được công an sử dụng để tìm hiểu xem có bất kỳ “người lạ”, hoặc khách, ở trong một ngôi nhà nào đó mà không đăng ký trước tại đồn công an địa phương.
Còn ở Hà Nội, công an dường như tự tin hơn, rằng họ đã kiểm soát được mọi thứ. Và do vậy, họ có xu hướng dựa vào công nghệ nhiều hơn: Điện thoại di động bị nghe trộm nhiệt tình, sóng điện thoại bị nhiễu.
Bị canh không cho ra khỏi cửa, Hoàng Dũng, một thành viên Phong trào Con Đường Việt Nam ở Sài Gòn, nằm nhà theo dõi Facebook – một nền tảng kỹ thuật mà bằng cách nào đó chính phủ không thể ngăn cấm, giờ đây là đường dẫn thông tin chính cho 35 triệu người sử dụng.
Blogger chính trị này bày tỏ sự ủng hộ đối với Nguyễn Tấn Dũng, nhân vật mà anh coi là một người đàn ông mạnh mẽ cam kết cải cách, bất chấp việc ông ta bị cáo buộc tham nhũng.
CUỘC CHIẾN KHỐC LIỆT
Nhưng Hoàng Dũng và nhiều người khác đã ủng hộ sai ngựa.
Trận đấu cuối cùng của Nguyễn Tấn Dũng trong Đại hội chẳng đi đến đâu, ông đã bị mất ghế không chỉ trong Bộ Chính trị, mà còn cả trong Ban Chấp hành Trung ương nữa.
Thật là thất bại nặng nề cho một nhân vật mãi gần đây còn được dự báo sẽ là tổng bí thư tiếp theo của đảng.
Đối thủ một mất một còn của ông Dũng, Nguyễn Phú Trọng, tiếp tục bám được vị trí của mình, là người đứng đầu đảng thêm một nhiệm kỳ nữa, trong những gì được xem là một sự trở lại đáng chú ý đối với một tiến sĩ Mác-Lê 72 tuổi.
Xung đột giữa các phe phái khác nhau trong đảng vốn không phải chuyện mới lạ. Lúc nào cũng có tin đồn. Nhưng Đại hội này trông như một cuộc chiến đặc biệt khốc liệt giữa phe đảng và phe chính phủ, đại diện bởi ông đảng trưởng đương nhiệm Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Với nội các gồm các nhà kỹ trị, ông Dũng được nhiều người xem là một người cộng sản “ủng hộ cải cách.” Con gái ông đã kết hôn với con trai của một cựu quan chức chế độ miền Nam Việt Nam, điều đó càng củng cố danh tiếng của ông ta như là một chính trị gia thân phương Tây.
Dân chúng thấy ông đẹp trai và có tài hùng biện, có thể nói chuyện không cần diễn văn chứ không phải ê a một bài viết đã chuẩn bị sẵn như những con ngựa tồi khác của đảng.
BẮT GIAM CÁC BLOGGER
Tuy nhiên, ông Dũng cũng là người cầm đầu các hoạt động của một nhà nước công an. Trong hai nhiệm kỳ của ông, công an được hưởng quyền lực rất lớn.
Nhiều blogger nổi tiếng hay các nhà hoạt động dân chủ đã bị bỏ tù. Một số ý kiến cho rằng những người đó đã bị nhắm làm mục tiêu vì họ chống sự xâm lược của Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng Huy Đức, một nhà báo nổi tiếng ở miền Nam, nói với tôi rằng lý do chung là vì tất cả họ đã chống lại thủ tướng và khiến ông tức giận.
Chắc chắn, tham vọng củng cố quyền lực của ông Dũng là một bí mật công khai.
Trụ được sau các vụ bê bối vì quản lý kinh tế yếu kém một vài năm trước đây, ông ta đã xuất hiện như một lực lượng chống lại nhà macxit giáo điều Nguyễn Phú Trọng. Dũng càng đạt được nhiều ảnh hưởng, càng nhiều blogger bị bắt giữ.
Chiến thắng toàn diện của Trọng khiến mọi người hoàn toàn bất ngờ. Ông ta đã im lặng và bình thản trong hậu trường, không phản ứng với những đòn tấn công mình từ các blogger và đối thủ chính trị. Ông hoàn toàn phớt lờ tất cả những lời lăng mạ, nói xấu mình.
MỘT BẤT NGỜ ĐƯỢC CHÀO ĐÓN?
Rất ít ai biết rằng đằng sau hậu trường, ông Trọng đã cẩn thận tính toán các bước đi của mình và biết chính xác khi nào và làm thế nào để tấn công – những đặc điểm cần thiết của các nhà lãnh đạo cộng sản thành công.
Hay là ông ta chỉ may mắn mà thôi? Bởi vì, với tất cả các trò rò rỉ và đồn đoán, chính trị của đảng cộng sản là một thứ phức tạp và tù mù.
Cũng có thể là Trọng người khôn ngoan, nhưng không mấy ai dám tin rằng với một phong cách cổ hủ, khư khư bám chặt vào chủ nghĩa Mác-Lênin như thế, liệu ông có thể trở nên một nhà cải cách và ủng hộ dân chủ hơn?
Do vậy, thật chẳng có nhiều hy vọng về một sự cởi mở đột ngột nào đó.
Nhưng ai mà biết được? Nguyễn Phú Trọng đã im lặng quá lâu và chờ đợi thời cơ của mình trước khi gây ngạc nhiên cho tất cả chúng ta. Còn bây giờ, khi đã củng cố được quyền lực, có lẽ ông ta sẽ gây ngạc nhiên một lần nữa. Đó mới thật là một bất ngờ rất đáng được đón nhận.
Nguồn: Việt Nam Right Now