Thiền Lâm
Vietnam – Cali Today News – Vừa có một câu trả lời gián tiếp của chính quyền Việt Nam trước đòi hỏi “trả lại” nhân vật gây bão Trịnh Xuân Thanh từ Bộ Ngoại giao Đức: vào ngày 6/8, Trịnh Xuân Thanh bị công bố “tạm giữ hình sự”, để liền sau đó Bộ Công an Việt Nam thông báo “tạm giam” đối với Thanh.
Hoàn toàn có thể hiểu rằng “tạm giữ hình sự” và “tạm giam” là những động tác gắn liền với Luật Tố tụng hình sự của Việt Nam, hàm ý rằng Việt Nam đang “làm đúng luật”, nhưng hàm ý sâu xa hơn hẳn là sẽ không có chuyện “trả” Trịnh Xuân Thanh cho phía Đức.
Một tuần sau cơn khủng hoảng ngoại giao Đức – Việt, Hà Nội vẫn im lặng, ít ra trên mặt báo đảng. Tuy vẫn có những tin tức không chính thức cho biết giới ngoại giao Việt Nam đang “cày cục” đề nghị Chính phủ Đức giãn thời hạn giao trả Trịnh Xuân Thanh, nhưng lại có những tin tức khác cho rằng Tổng bí thư Trọng sẽ không thể nào “nhả” Thanh cho đến khi viên cựu quan chức của Tập đoàn Dầu khí quốc gia và phó chủ tịch Hậu Giang này hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong một vụ án rất có thể mang tính lịch sử của triều đại cộng sản.
Ngày 31/7/2017 khi Trịnh Xuân Thanh bất chợt đến trực ban hình sự của Bộ Công an để “đầu thú”, có người nói vui: “Thanh còn quý hơn vàng. Tình hình thế này thì cou chừng Thanh bị ám sát lúc nào không hay. Có khi các ông trong Bộ Chính trị không còn tin giám thị mà sẽ tự mình cắt đặt nhau luân phiên để canh Trịnh Xuân Thanh cho chắc ăn”.
Quả là mạng sống của Trịnh Xuân Thanh có giá trị hơn cả vàng. Nếu trước khi “Thanh về”, người ta còn nhắc đến vai trò đối chứng, nhân chứng của Thanh để “xử Đinh La Thăng”, thì nay nhiều người đã tỏ rằng Trịnh Xuân Thanh còn có một vai trò lớn hơn thế: chưa bao giờ ông Nguyễn Phú Trọng lại tỏ ra nhiệt thành đến thế trong quá trình truy lùng “đường dây” nào đã bao che và giúp cho Thanh biến mất không tăm hơi khỏi lãnh thổ Việt Nam vào quý ba năm 2016.
Song vẫn chưa phải hết. Cho đến lúc này, vấn đề không chỉ là “thể diện tổng bí thư” mà còn là việc ông Trọng mong muốn và có thể xử lý bàn cờ chính trị trên quan điểm “thanh trừng nhân sự” như thế nào. Nếu Trịnh Xuân Thanh đã khai hết về “đường dây” kia và có thể còn hơn thế nữa, Tổng bí thư Tọng đã có được trong tay một tập hồ sơ quý hơn kim cương.
Không biết vô tình hay hữu ý, vào thời gian này cả hai ông Đinh Thế Huynh – Thường trực ban bí thư, và Trần Đại Quang – Chủ tịch nước, đều hoặc vắng bóng hoặc vắng mặt một cách đầy khó hiểu khiến dư luận dậy lên những mối nghi vấn lớn lao.
Và nếu tập hồ sơ quý hơn kim cương được Tổng bí thư Trọng đưa vào khai thác triệt để các chi tiết của nó, đó sẽ là một loại cáo trạng chấn động để ông Trọng có thể hạ gục bất cứ đối thủ chính trị nào, nhất là khi ông Trọng đang có được sự ủng hộ của “quân ủy trung ương”, Bộ Quốc phòng cùng sự giúp sức đắc lực của Tổng cục 2 (Tổng cục tình báo quân đội). Theo đó, cung đường tiến tới Hội nghị trung ương 6 – dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm nay – của ông Trọng sẽ không quá chông gai, kể cả hai mục tiêu “nhất thể hóa” và “kiểm tra tài sản quan chức” của ông Trọng cũng sẽ vơi bớt khó khăn và thách thức.
Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại. Ngay trước mắt và có thể kể cả sau này, Chính phủ Đức không và sẽ không cần biết về những mối xung đột tế nhị lẫn hiểm nghèo trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam.
Một nhà báo người Việt ở Đức cho biết trong tuần này, có thể vào thứ Tư hoặc thứ Năm, Bộ Ngoại giao Đức sẽ ra “phán quyết” về Việt Nam, tức công bố những biện pháp trả đũa mạnh mẽ sau khi thời hạn giao trả Trịnh Xuân Thanh đã trôi qua.
Một biện pháp trả đũa đã có hiệu lực gần như tức thời là Đức thẳng tay trục xuất Bí thư thứ nhất của tòa đại sứ Việt Nam tại Đức là ông Nguyễn Đức Thoa – được biết là một nhân viên tình báo. Nghe nói còn có hai nhân viên khác của sứ quán này đã phải rời khỏi Đức cùng với ông Thoa.
Vào cuối tuần trước, tờ Taz của Đức đưa tin rằng trong tuần này, Chính phủ liên bang Đức có thể chấm dứt thực hiện các khoản vay cung cấp cho Việt Nam, việc này sẽ được các bộ trưởng họp và phối hợp vào tuần tới và đưa ra quyết định.
Trước mắt, tổng giám đốc của Ngân hàng Phát triển Đức KfW GS Joachim Nagel hủy kế hoạch đến Việt Nam vào tuần này. KfW là ngân hàng chịu trách nhiệm phê chuẩn các khoản vay ưu đãi cho Việt Nam. Chương trình cho vay này nằm trong gói hỗ trợ phát triển của Đức đối với Việt Nam.
Việt Nam hứa sẽ trả nợ Đức 160 triệu EUR trong vòng 2 năm tới, và 2016 Đức cũng hứa cho Việt Nam vay 520 triệu EUR cho lĩnh vực năng lượng tái tạo và cải thiện lĩnh vực điện năng…
Việt Nam đang phải chịu áp lực đổ vỡ đối ngoại rất lớn, không chỉ từ nước Đức mà còn có thể dắt dây sang cả phần lớn khối các nước thuộc Liên minh châu Âu.