Việt Nam Thời Báo

VN phải ‘thoát ta’ thế nào để giảm phụ thuộc vào TQ

LTS: Nhận định rằng, VN muốn giảm lệ thuộc nhập khẩu quá mức vào TQ, VN cần ‘thoát ta’– tức thoát khỏi chính mình. TS. Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chỉ rõ 6 vấn đề cần phải thoát và nếu để làm tốt được 6 vấn đề trên, VN nên có một “trái tim nóng” và cái “đầu lạnh”, thông minh, có lý trí cao trong xây dựng, xử lý mối quan hệ kinh tế với TQ.

PV:- Một số chuyên gia nông nghiệp đã chỉ rõ, hàng nông sản VN có nhiều lợi thế khi xuất khẩu sang TQ. Ví dụ, TQ rất cần nhập khẩu gạo từ VN để đáp ứng nhu cầu trong nước, TQ mua vải thiều VN chế biến để xuất khẩu… Tại sao chúng ta chưa thể phát triển thị trường TQ như một thị trường tiêu thụ (trực tiếp hoặc gián tiếp) trên cơ sở hai bên cùng có lợi (hoặc có hại nếu một phía không thiện chí)?
Nếu cứ tư duy theo cách như vậy, việc nhập siêu từ TQ nếu chúng ta kiểm soát được chất lượng sản phẩm nhập vào tốt và tạo ra giá trị gia tăng cao từ những sản phẩm đó sẽ không chỉ có hại, thưa ông?
TS. Lê Xuân Sang: Gần đây, VN đã có chuyển biến nhất định theo hướng nhìn nhận bình tĩnh, tích cực hơn về mối quan hệ kinh tế VN – TQ. Dẫu vậy, vẫn còn tồn tại những nhìn nhận, đánh giá nặng cảm tính, đôi khi bị thiên kiến chính trị ảnh hưởng, quá coi nhẹ những lợi ích mà quan hệ kinh tế với TQ mang lại cho nền kinh tế VN.
TS. Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Như vậy, Việt Nam nên thay vì quan ngại quá mức vấn đề “thoát Trung” thì điều quan trọng nhất là cần đặt vấn đề cần “thoát ta”- tức thoát khỏi những cái yếu kém cố hữu của chính mình nếu muốn giảm mạnh sự phụ thuộc kinh tế vào TQ, và chủ động có đối sách phù hợp đối với sự trỗi dậy của nứơc này.
Vậy VN phải thoát ta ở những vấn đề gì và phải thoát thế nào?
Trước khi trả lời được câu hỏi này, chúng ta phải lưu ý một số vấn đề VN cần giải quyết để “thoát ta”, tức thoát khỏi chính mình.
Thứ nhất, VN cần đổi mới cách nghĩ, cách thức xử lý những hành vi trên thị trường của các thương lại TQ, qua đó có những biện pháp xử lý chủ động và hiệu quả. Nên nhìn nhận những hành vi thị trường gây ra bởi thương nhân, doanh nghiệp TQ một cách “bình tĩnh”, duy lý hơn, cố gắng phân biệt đâu là hành vi gây rối loạn thị trường (mang tính thương mại để trục lợi) và hành vi mang động cơ chính trị đằng sau. Ví dụ, việc thương lái TQ thu mua giá cao các nông sản, thủy sản “kỳ quặc” (thường có mức cung khan hiếm, khó đáp ứng và chấp nhận cung ứng trong ngắn hạn) rồi ngừng mua có thể là hành vi “thổi giá” rồi “mua tay trái, bán tay phải”, để “thoát hàng” và trục lợi. Số liệu của Hải Quan VN cho thấy nhiều mặt hàng “kỳ quặc” được thương lái TQ thu mua không được xuất ra khỏi lãnh thổ VN. Qua câu chuyện này tôi muốn nói rằng VN cần phải có chính sách quản lý nhà nước phù hợp, xử lý tốt các hành vi phản cạnh tranh, thao túng thị trường; đặc biệt nghiên cứu các trường hợp cụ thể để phát hiện tính chất của các hành vi (thương mại hay chính trị) để có các giải pháp phù hợp.
Thứ hai là, doanh nghiệp VN phải nhanh chóng thay đổi cách tư duy kinh doanh và phong cách sản xuất – kinh doanh “dễ dãi”, không có hợp đồng kinh doanh đối với thị trường và doanh nghiệp TQ. Đây là phương cách doanh nghiệp tự bảo vệ mình bền vững nhất khi làm ăn trên thị trường quốc tế, đặc biệt là với TQ.
Thứ ba, để giảm phụ thuộc quá mức vào nhập khẩu từ TQ, phát triển công nghiệp hỗ trợ là đường lối chiến lược cần được thực hiện “rốt ráo” hơn, hiệu quả hơn, “nương” nhiều hơn vào Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Tham gia hội nhập sâu rộng hơn là cơ hội giúp VN thay đổi cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, giúp VN nhập cuộc tốt hơn, chủ động tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất toàn cầu.
Việc VN tham gia ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại tự do, nhất là TPP, EVFTA, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA)… được trông đợi sẽ tạo ra những bước tiến mới cho sự phát triển kinh tế VN, đặc biệt là tạo cú huých cho sự phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước, qua đó, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ TQ. Thực tế cho thấy xu hướng tích cực đã bắt đầu hình thành. Từ năm 2014, một số nhà đầu tư nước ngoài từ TQ, Vùng lãnh thổ Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản,.. đã bắt đầu đổ vốn đầu tư vào vào lĩnh vực dệt/sợi ở VN.
Như vậy, tham gia hội nhập sâu rộng, mạng lưới sản xuất toàn cầu là một phương cách giảm phụ thuộc vào TQ. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn là cần “dùng” hội nhập để tạo ra cơ hội và chuyển cơ hội thành hiện thực thay vì hội nhập sâu hơn để tạo ra thách thức, hay tạo ra cơ hội quá nhiều cho các doanh nghiệp FDI.
Thứ tư, phát triển mạnh hơn công nghiệp chế biến nông sản, đổi mới mô hình sản xuất với nông nghiệp, xây dựng hệ thống bảo quản chế biến, hệ thống bảo quản, trung chuyển nông sản vùng biên. Việc nông sản mất giá khi được mùa hoặc bán tháo, thối mục khi đợi xuất khẩu sang TQ cho thấy các chiến lược trên là rất quan trọng.
Việt Nam phải ‘thoát ta’ để giảm phụ thuộc quá mức TQ
Thứ năm, đổi mới, hài hòa hóa chính sách thương mại biên mậu giữa 2 nước. Trong thời gian dài, nhìn chung, chính sách thương mại biên mậu của TQ còn chưa minh bạch, khó tiên liệu, gây khó khăn, rủi ro cho việc xuất khẩu hàng nông sản VN.
Thứ sáu, chủ động xây dựng các chính sách hữu hiệu để ứng phó tốt với việc TQ đẩy mạnh quá trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ và mở cửa các giao dịch trên cán cân vốn. Mặc dù có quan hệ thương mại sâu rộng với nước này, đến nay VN vẫn là nước láng giềng TQ có mức độ sử dụng NDT vào dạng thấp nhất và ngày càng giảm so với các nước ASEAN. Dù chưa “mặn mà” với NDT nhưng trong xu thế khu vực hóa, toàn cầu hóa đồng tiền này, VN khó mà đứng ngoài thời cuộc, đòi hỏi xây dựng hệ thống chính sách tài chính – tiền tệ hữu hiệu để đáp ứng bối cảnh mới, chủ động chống đỡ các tác động bất lợi từ kinh tế TQ và giảm dần mối phụ thuộc từ nước này.
Xin nhắc lại là để làm tốt các vấn đề trên VN nên có một trái tim nóng và cái đầu lạnh, thông minh, có lý trí cao trong xây dựng, xử lý mối quan hệ kinh tế với TQ.
Theo Vũ Lan (báo Đất Việt)

Tin bài liên quan:

VNTB – Thao túng thị trường là hệ lụy của nền kinh tế định hướng XHCN?

Trương Thế Tử

« Vừa hợp tác vừa đấu tranh » nhưng tại sao chưa kiện?

Phan Thanh Hung

VNTB – Việt Nam và Liên Hợp Quốc

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo