Dân Trần
(VNTB) – Khi người trẻ ra nước ngoài làm việc sẽ là ngòi nổ, khi nhận ra những sai lầm, dối trá của cộng sản và… muốn thay đổi
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, từ sau đại dịch COVID-19 số lượng người Việt ra nước ngoài xuất khẩu lao động và học tập tăng đột biến. Nếu năm 2022, có khoảng 3,8 triệu lượt công dân của Việt Nam đi xuất khẩu lao động thì tới năm 2023 con số đã lên đến hơn 10 triệu lượt người.
Đối với Đảng Cộng sản, đây là con số đáng mừng, vì sẽ thu về một lượng kiều hối đáng kể cho Việt Nam. Tuy nhiên đây lại là con số đáng lo với người dân trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng sau đại dịch, chiến tranh và biến đổi khí hậu.
Việc xuất khẩu lao động của người Việt Nam đến các quốc gia nước ngoài không đơn thuần chỉ là sự gia tăng nhu cầu của các quốc gia tiếp nhận lao động mà lý do chính là thu nhập. Ở một số quốc gia phát triển, lương của lao động ngoại quốc thường cao hơn so với ở Việt Nam, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp và dịch vụ như: xây dựng, chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng… Thu nhập ổn định và hấp dẫn này là một động lực lớn khiến nhiều người quyết định rời bỏ quê hương để tìm kiếm cơ hội làm việc ở nước ngoài.
Người Việt phải ra nước ngoài tìm việc cho thấy cơ chế quản lý thị trường, bảo vệ lao động của Nhà nước tỏ ra vô cùng yếu kém. Nhà cầm quyền chỉ lo thu hút nhà đầu tư quốc tế bằng cách bán sức lao động của người dân với giá rẻ mạt, mỗi tháng lương công nhân tại các xí nghiệp trong nước chỉ khoảng 5-6 triệu đồng. Trong khi chỉ cần đi sang các nước tư bản Đông Á như: Đài, Nhật, Hàn, mức thu nhập của công nhân đã cao gấp 7-10 lần.
Trong số 100 triệu dân Việt Nam hiện nay, có 66,6 triệu người nằm trong độ tuổi lao động. Với 10 triệu lượt người ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội việc làm và học tập, tức là có tới 15% người trong độ tuổi lao động phải xuất ngoại mưu sinh. Cần lưu ý là phần lớn người Việt đi du học đều phải đi làm thêm để kiếm tiền đóng học phí và sinh hoạt phí. Tức là dù mang danh nghĩa đi du học nhưng thực tế vẫn là đi lao động.
Bên cạnh đó cũng có một vấn đề nguy cấp khác nữa là tình trạng thất nghiệp của thanh niên Việt Nam khi mà thanh niên chấp nhận lương thấp nhưng vẫn không có việc làm. Tức là kinh tế ảm đạm tới mức các nhà doanh nghiệp quốc tế không muốn đầu tư vào Việt Nam, còn các doanh nghiệp trong nước thì phải đóng cửa liên tục. Không hẳn chỉ do tình hình quốc tế, thiên tai, dịch bệnh, mà còn là do cơ chế quản lý đầy bất cập và tham nhũng của nhà cầm quyền Việt Nam.
Một trong những tệ nạn phổ biến khi nạn thất nghiệp gia tăng là tỉ lệ tội phạm sẽ tăng cao. Với cơ hội kiếm tiền ít, nhiều người bị thất nghiệp dễ dàng trở thành mục tiêu của các nhóm tội phạm hoặc thậm chí là bị đẩy vào việc tham gia vào các hoạt động phạm pháp như trộm cắp, buôn bán ma túy hoặc cướp giật để kiếm sống. Điều này không chỉ gây ra nguy hiểm cho bản thân mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh và trật tự xã hội.
Theo báo cáo cuối năm 2023 của Uỷ ban Tư pháp quốc hội, số vụ tội phạm về trật tự xã hội đã tăng tới 18%, số vụ giết người tăng 12,6%, cướp tăng 44,4%, lừa đảo tăng 61%, cho vay nặng lãi tăng 67%, gây rối trật tự tăng 80%.
Ngoài ra, tình trạng thất nghiệp cũng thường đi kèm với những vấn đề về tâm lý và tinh thần. Người bị thất nghiệp có thể trải qua cảm giác mất tự tin, lo lắng và stress do không có nguồn thu nhập ổn định cũng như không biết làm thế nào để cải thiện tình hình. Điều này có thể dẫn đến tình trạng trầm cảm, tự tử và nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần khác.
Thanh niên là tương lai của đất nước, nắm giữ vận mệnh của dân tộc nên thay vì tự hào vì những con số ảo tưởng, hãy nhìn lại thực tế đất nước để có những thay đổi cần thiết và nhanh chóng. Nếu Nhà nước không thúc đẩy kinh tế trong nước mà chỉ lo xuất khẩu lao động để kiếm kiều hối thì có thể dính đòn hồi mã thương.
10 triệu người trẻ ra nước ngoài sẽ tiếp thu được các giá trị nhân bản, nhân quyền, tự do, dân chủ của thế giới tư bản. Họ sẽ là ngòi nổ, khi nhận ra những sai lầm, dối trá của cộng sản và muốn thay đổi. Còn những người thất nghiệp trong nước chính là trái bom nổ chậm, chờ ngòi nổ quay về…