(VNTB) – Đây có thể là cách “rửa ma tuý” của công an, khi để cho các đối tượng tội phạm điều chế xong rồi bắt, tịch thu và đem bán, vừa có công, được lên chức, vừa có tiền.
Vụ đột kích xưởng sản xuất ma túy ketamin lớn nhất nước hồi 22/3 là chiến tích vô tiền khoáng hậu của công an Việt Nam. Đây được coi là “công xưởng sản xuất ma túy tổng hợp với quy mô đặc biệt lớn, dây chuyền trang thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến, lớn nhất tại Việt Nam cho đến thời điểm này bị triệt phá”.
Nói sơ qua để thấy quy mô vụ án: phía công an huy động 200 quân số vũ trang, bắt 11 người, thu tổng cộng 1,4 tấn ketamin với “độ tinh khiết rất cao lên đến 99%”, và gần 80 tấn hóa chất. Các đối tượng đã thuê 3 khu đất ở Khánh Hoà gồm một mảnh đất 1.000 m2 làm xưởng sản xuất, 1 mảnh đất 300 m2 làm kho tập kết nguyên vật liệu hóa chất và các thiết bị liên quan, 1 kho xưởng tại số 47 Cát Lợi, thành phố Nha Trang để thực hiện công đoạn cuối cho ra ketamin. (1)
Công an cho biết ngay từ tháng 8/2024 đã bắt đầu lập chuyên án (lúc các đối tượng mới qua thì phía đơn vị chống ma túy của Trung Quốc đã thông báo thông tin về hai nghi phạm có lịch sử liên quan sản xuất hàng cấm đã xuất cảnh sang Việt Nam). Tuy nhiên phải đợi những đối tượng này thuê đất, xây nhà xưởng, tập kết nguyên vật liệu, sản xuất ra thành phẩm rồi mới bắt. Trung tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 Bộ Công an) giải thích rằng nếu “sớm quá thì chưa có ketamin thành phẩm, muộn thì chúng tẩu thoát”, “sai thời điểm thì không đảm bảo an toàn”.
Ông Viện nói “Nếu không bắt được quả tang thì vụ án không thành công. Nếu bắt khi mọi việc đã rồi thì chúng sẽ cãi là đến đây để làm thuê, sản xuất phân lân hay các loại chất khác để trồng cây. Kinh nghiệm qua nhiều vụ án càng thôi thúc chúng tôi quyết tâm bắt quả tang bằng được”. (2)
Đây là mấu chốt khiến người dân đặt ra câu hỏi, rằng với những nguyên liệu như vậy mà công an để cho các đối tượng đó khai là làm phân lân, làm chất khác, thì hoá ra công an và nhà chức trách Việt Nam không có nghiệp vụ hay sao?
Tuy nhiên, tướng Viện cũng có một nhận định đáng quan tâm rằng “rất có thể sau khi sản xuất xong, chúng sẽ chuyển cả 1,4 tấn hàng về Đài Loan, tại Đài Loan một kg ketamin có giá chợ đen khoảng một tỷ đồng”.
Như vậy tổng lượng ma tuý thành phẩm này sẽ có giá 1.400.000.000.000 đồng ( một ngàn bốn trăm tỷ đồng). Một con số có thể làm lung lay ý chí của nhiều người, đặc biệt là các tham quan và giới công an vốn nổi tiếng với nạn tham nhũng tại Việt Nam.
Chính vì con số khng lồ này nên người dân mới đặt nghi vấn về vấn đề xử lý, tiêu huỷ 1,4 tấn ma tuý này (và cả 80 tấn hoá chất nguyên liệu). Trước đây công an Việt Nam đã có nhiều vụ tiêu huỷ ma tuý rất lạ đời, là đem đốt (khói bay mịt mù gây ảnh hưởng tới người dân), hoặc đem chôn (ảnh hưởng tới nguồn đất và nước ngầm).
Hơn nữa, một số người thậm chí cho rằng công an chỉ tiêu huỷ cho có, qua mặt người dân, rồi sau đó lại đem bán ngược ra thị trường. Đây là chuyện không lạ gì với công an Việt Nam, khi chính những quan chức ngành này từng bị lộ ra chuyện điều hành các đường dây mua bán ma tuý, cờ bạc. Cho nên nhiều nghi vấn cho rằng công an Việt Nam cố tình đợi các đối tượng trên điều chế ra thành phẩm rồi mới bắt gọn, vừa lập công, thăng chức vừa “tịch thu tang chứng” để tuồn ra ngoài.
Dẫu thế nào thì người dân cũng đang rất quan tâm tới phương án xử lý khối lượng ma tuý khủng lồ này. Theo cách làm việc của công an Việt Nam thì có thể phải mất vài tháng tới vài năm thì mới công bố cách tiêu huỷ, thậm chí có khi dư luận quên đi vụ việc thì nhà chức trách cũng không công bố luôn. Nếu không công khai phương án xử lý, không minh bạch việc tiêu huỷ thì đây có thể là cách “rửa ma tuý” của phía công an, khi để cho các đối tượng tội phạm điều chế xong rồi bắt, tịch thu và đem bán, vừa có công, được lên chức, vừa có tiền.
___________________
Tham khảo:
(1) https://vnexpress.net/phut-can-nao-dot-kich-xuong-san-xuat-ma-tuy-ketamin-lon-nhat-nuoc-4866341.html