Nguyễn Tường Thụy
(VNTB) – Nếu có sai thì sai ở Thông báo của Công an tỉnh Lào Cai. Nếu Thông báo của Công an tỉnh Lào Cai đúng thì là do Bộ Công an bắt phải sai (không hiểu lý do tại sao).
Ngày 10/8/2016, trên mạng xã hội xuất hiện Thông báo số 487/TB-CAH của Công an huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. Thông báo này dẫn Thông báo số 117/CAT-PV11 của CA tỉnh Lào Cai, có nội dung “Tại địa phận giáp ranh Việt Nam – Trung Quốc, tỉnh Hà Giang, trong 6 tháng đầu năm 2016 đã xảy ra 16 vụ/16 nạn nhân bị bắt cóc, mổ nội tạng…đối tượng là người Trung Quốc”.
Sau đó, ngày 11/8/2016, Bộ công an, rồi CA tỉnh Lào Cai, CA tỉnh Hà Giang bác bỏ thông tin trong Thông báo này.
Vậy Bộ công an, và Công an Lào Cai bác bỏ đúng hay Công an huyện Si Ma Cai oan?
Xung quanh vụ việc này, có nhiều điều rất khó tin. Không chỉ Bộ Công an, CA Hà Giang mà ngay cả CA Lào Cai cũng bác bỏ. Trong khi đó, trong thông báo của CA huyện Si Ma Cai còn dẫn cả số, ngày nhận công văn của CA Lào Cai. CA Lào Cai không cãi về việc gửi công văn xuống huyện. Như vậy, công văn 117/CAT-PV11 là có thật. Tuy nhiên, CA tỉnh Lào Cai chỉ kêu rằng, CA huyện Si Ma Cai làm sót của họ hai chữ “đối diện” mà thôi.
Như vậy, cái văn bản ấy nhất định phải có ai đó chịu trách nhiệm. Tôi ngờ rằng, có một sự dàn xếp, áp đặt nào đó giữa Bộ CA, CA tỉnh Hà Giang, CA tỉnh Lào Cai, CA huyện Si Ma Cai và kể cả “cậu đánh máy”.
Thông tin trong Thông báo đúng sai thế nào tôi không bàn tới. Ở đây, tôi chỉ có vài phân tích để bênh vực “cậu đánh máy” mà thôi.
Thứ nhất, chính ông Hoàng Tiến Bình, Trưởng Công an huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai cho biết công văn đang xôn xao trên mạng là có thật. “Đây là công văn với mục đích cảnh báo, giúp bà con nâng cao tinh thần cảnh giác với các loại hình tội phạm mới” (báo Công Lý). Ông không hề nói thông tin trong thông báo là không đúng. Còn nếu một cơ quan công an cấp tỉnh hay huyện mà bịa ra chỉ để “người dân nâng cao cảnh giác” thì không thể tin nổi. Cũng không thấy CA huyện Si Ma Cai đổ cho “cậu đánh máy”
Ông Trịnh Minh Phú – phó trưởng Công an huyện Si Ma Cai cũng xác nhận đã ký thông báo trên (báoTuổi trẻ)
Thứ hai là CA tỉnh Lào Cai khẳng định CA huyện Si Ma Cai sơ suất trong soạn thảo văn bản. Ông Trần Quang Minh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hà Giang cho rằng văn bản của CA huyện Si Ma Cai đã sai sót rất lớn, bỏ chữ “đối diện” tỉnh Hà Giang đi (báo Dân trí)
Vấn đề đến đây có vẻ đã rõ. Với việc cho rằng CA huyện Si Ma Cai bỏ đi chữ “đối diện”, ông Minh cũng thừa nhận Thông báo số 117/CAT-PV11 ngày 25/7/2016 của CA tỉnh Lào Cai là có thật, nhưng là chuyện ở bên… Trung Quốc.
Vậy có đúng là chuyện ở bên TQ không? Có đúng là Thông báo của CA tỉnh Lào Cai có chữ “đối diện” không?
Tạm “trả lại” chữ “đối diện” cho thông báo của CA tỉnh Lào Cai thì nội dung thông báo sẽ là “Tại địa phận giáp ranh Việt Nam- Trung Quốc, đối diện tỉnh Hà Giang, trong 6 tháng đầu năm 2016 đã xảy ra 16 vụ/16 nạn nhân bị bắt cóc, mổ nội tạng…đối tượng là người Trung Quốc”.
Hành văn như thế này (tức là sau khi chen thêm chữ “đối diện”) rõ ràng là không bình thường. Không ai viết như thế cả. Sao không nói là thẳng là tỉnh Vân Nam hay Quảng Tây, Trung Quốc. Mà nếu đúng là chữ đối diện có nghĩa là tỉnh Vân Nam, Quảng Tây thì cũng có thể hiểu là tỉnh Yên Bái và Lào Cai nữa chứ, vì các tỉnh này cũng giáp Hà Giang và cũng giáp ranh biên giới VN – TQ.
Mặt khác, xét về bản đồ, người ta gọi là giáp ranh chứ không nói là đối diện. Đối diện là dùng trong trường hợp các vật thể có chiều cao, như tòa nhà A đối diện tòa nhà B. Hai gia đình liền kề thì gọi là nhà ông A giáp nhà ông B chứ không nói nhà ông A đối diện nhà ông B. Phân tích như thế để thấy đổ cho cậu đánh máy bỏ chữ “đối diện” đi có vẻ không ổn. Có vẻ không có chữ “đối diện” ở đây.
Ông Minh cho rằng, chuyện ở bên Trung Quốc, thì cần gì phải viết thêm “đối tượng là người Trung Quốc”. Không lẽ viết thế để tránh hiểu nhầm rằng đối tượng là người VN, sang TQ bắt cóc, mổ trẻ em? chuyện mà không một người Việt Nam nào nghĩ tới.
Thứ ba là có một thông báo khác được cho là của CA huyện Bát Xát cũng căn cứ vào Thông báo số 117/CAT-PV11 ngày 25/7/2016 của CA tỉnh Lào Cai. Nếu thông báo này là có thật, thì chẳng lẽ Bát Xát và Si Ma Cai bảo nhau cùng bỏ chữ “đối diện” đi. Thông báo của Bát Xát còn viết toạc ra rằng “trên địa bàn tỉnh Hà Giang”, chứ không nói bên Trung Quốc.
Như vậy, nếu có sai thì sai ở Thông báo của Công an tỉnh Lào Cai. Nếu Thông báo của Công an tỉnh Lào Cai đúng thì là do Bộ Công an bắt phải sai (không hiểu lý do tại sao).
Qua phân tích trên thì khả năng rất cao là cậu đánh máy bị oan. Nhưng nếu báo chí tìm đến cậu đánh máy phỏng vấn mà xem, đố có cạy răng được cậu ta để bật ra được câu nào thanh minh cho mình mà nguyện làm một Lê Lai nhỏ bé cũng như nhiều nhân viên hay cán bộ thấp cổ bé họng khác.