VNTB – 17 tỷ đồng cho chức “vụ phó” một vụ quan hệ quốc tế….

VNTB – 17 tỷ đồng cho chức “vụ phó” một vụ quan hệ quốc tế….

Sơn Trà

(VNTB) – Ở Việt Nam có hẳn quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền.

Nôm na là ở Việt Nam có tệ nạn mua quan bán chức trong bộ máy quyền lực nhà nước.

“Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng Đảng, Bộ Chính trị quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền như sau (…)” – đó là đoạn trích trong Quyết định số 205-QĐ/TW, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 23 tháng 9 năm 2019.

Phần “giải thích từ ngữ’ của Quyết định 205-QĐ/TW, như sau:

Quyền lực trong công tác cán bộ là thẩm quyền của tổ chức, cá nhân trong việc tuyển dụng, bố trí, quản lý, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, phong, thăng cấp bậc hàm, giới thiệu ứng cử, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác cán bộ; phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước, nhất là các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền hoặc không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những việc phải làm trên cương vị được giao trong công tác cán bộ”.

Thực tế thế nào? Tiếp theo đây là một minh thị từ vụ án vừa xong phần cáo trạng.

Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã truy tố nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu sách và học liệu giáo dục Lê Văn Hồng (sinh năm 1976) và Cù Đăng Thành (sinh năm 1989), nguyên cán bộ Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học, Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, Bộ Công an về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174, khoản 4, điểm a – Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo cáo trạng, mặc dù không có khả năng xin việc làm vào các cơ quan, nhưng do cần tiền chi tiêu cá nhân, Cù Đăng Thành và Lê Văn Hồng đã bàn bạc, thống nhất dùng thủ đoạn gian dối giới thiệu với bà Phan Thị Phương H. (sinh năm 1968, trú tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), là Thành có thể nhờ xin cho bà H. làm “Vụ phó” Vụ Quan hệ quốc tế của một cơ quan, với chi phí là 800.000 USD (tương đương 17 tỷ đồng).

Thành hứa sẽ xin chuyển việc cho bà H. trong thời gian sớm nhất sau khi nhận tiền và yêu cầu bà H. phải đặt mua 1 xe ô tô nhãn hiệu Camry để làm quà biếu, tạo mối quan hệ để xin việc. Ngoài số tiền thỏa thuận ban đầu với bà H., Thành còn yêu cầu bà H. đưa thêm tổng số hơn 9 tỷ đồng để xin việc mà không nói cho Hồng biết.

Tin là thật, từ ngày 8/8/2016 đến ngày 12/2/2018, bà H. đã 14 lần chuyển tiền đến tài khoản ngân hàng của Thành với tổng số tiền hơn 26 tỷ đồng cùng 1 xe ô tô nhãn hiệu Toyota Camry Q ASV50L trị giá hơn 1,6 tỷ đồng để xin việc.

Sau khi nhận tiền, Thành chia cho Hồng 1 tỷ đồng. Sau đó, Thành và Hồng không thực hiện xin việc, “chạy chức” cho bà H. như đã hứa hẹn, mà chiếm đoạt sử dụng chi tiêu cá nhân…

Cáo trạng không xem xét trách nhiệm hình sự về hành vi “mua chức vụ” của bà Phan Thị Phương H.

Một câu chuyện của năm 2017: Ngày 5/10, phiên tòa xét xử Châu Thị Thu Nga cùng 9 đồng phạm bước sang ngày làm việc thứ 4. Luật sư đã hỏi Châu Thị Thu Nga về khoản tiền hàng chục tỷ Nga khai dùng để “chạy” đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, tại toà, hai lần bị cáo Nga xin được khai nhận nhưng chủ tọa đã không chấp nhận để bị cáo nói với lý do công an đang điều tra…

Bà Nga khai đã chi 30 tỷ cho một doanh nghiệp vàng bạc ở Hà Nội để lo thủ tục ứng cử đại biểu quốc hội khóa 13. Doanh nghiệp này, không được công bố tên, đã phủ nhận cáo buộc.

Bà Châu Thị Thu Nga, sinh 1965, từng là đại biểu Quốc hội khóa 13, đồng thời là Đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2011-2016. Bị bắt đầu năm 2015, bà bị Quốc hội bãi nhiệm tư cách Đại biểu vào tháng Sáu 2015…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)