Lâm Viên
(VNTB) – Moody’s cho biết, việc đánh giá xếp hạng của 18 ngân hàng được thực hiện từ ngày 10/10/2019, sau khi xem xét hạ xếp hạng quốc gia của Việt Nam vào ngày 9/10/2019.
Việc đánh giá triển vọng tín nhiệm đối với các ngân hàng cũng căn cứ theo thông báo của Moody’s (Moody’s Investors Service) vào ngày 18/12/2019 về xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.
Theo nhận xét của Moody’s, trước hết, họ chưa thấy được giải pháp cụ thể của Việt Nam trong việc nâng cao hiệu quả phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý nợ nước ngoài, bao gồm cả nợ chính phủ bảo lãnh. Thứ hai, Moody’s chưa thấy giải pháp để tăng tính minh bạch trong quản lý nợ nước ngoài của chính phủ Việt Nam.
Hệ lụy của hai nhận xét trên là tất cả các doanh nghiệp Việt Nam đã được Moody’s xếp hạng tín nhiệm vừa qua đều sẽ bị hạ bậc, bao gồm cả hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp. Mới nhất là 18 ngân hàng đã bị hạ triển vọng đợt này là: ABBank, ACB, Agribank, BIDV, HDBank, Lienvietpostbank, MBBank, MSB, NamABank, OCB, Sacombank, SeABank, SHB, Techcombank, TPBank, VIB, Vietcombank, Vietinbank và VPBank.
Moody’s khẳng định, các hành động xếp hạng đối với 18 ngân hàng được điều khiển hoàn toàn bởi xếp hạng quốc gia, và không phản ánh sự suy yếu của hồ sơ tài chính độc lập các ngân hàng. Nôm na, nói theo ngôn ngữ dân dã, ở đây là ‘cháy thành vạ lây’: Trần xếp hạng tín nhiệm của các ngân hàng tối đa là trần quốc gia. Do đó, khi trần quốc gia bị giảm, đương nhiên các ngân hàng cũng bị giảm chứ không phải hệ thống ngân hàng có vấn đề.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB ý kiến: “Quyết định của Moody’s chủ yếu dựa trên yếu tố kỹ thuật, hơn là đánh giá về khả năng, năng lực hay triển vọng. Dựa vào thanh khoản ngoại tệ, lẽ ra Việt Nam phải được nâng bậc, chứ không phải hạ bậc”.
Tuy nhiên ông Tùng cũng ‘nước đôi’ trong vụ ‘hạ bậc’ này, khi cho rằng, “Thời gian qua, rất nhiều nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài tìm đến các ngân hàng Việt Nam để cho vay. Quyết định có tăng lãi suất cho vay hay không phụ thuộc vào nhà đầu tư. Nếu nhà đầu tư thấy rằng, quyết định của Moody’s là nguy hiểm cho khoản vay, thì họ sẽ nâng lãi suất cho vay. Còn nếu nhà đầu tư cho rằng, đánh giá của Moody’s đơn thuần mang tính kỹ thuật, có thể họ sẽ không tăng lãi suất cho vay, vì các nhà đầu tư cũng sợ mất cơ hội kinh doanh”.
Bộ Tài chính của Việt Nam cũng đưa ra thông báo cho rằng quyết định hạ triển vọng tín nhiệm quốc gia với Việt Nam của Moody’s là không xác đáng, không tương xứng với chỉ đạo quyết liệt và kịp thời của Chính phủ Việt Nam. Moody’s chỉ dựa trên sự việc riêng lẻ đối với nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, mà bỏ qua thành tựu toàn diện mà Việt Nam đã đạt được trong phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện khả năng chống chọi với các cú sốc bên ngoài và nâng cao tính bền vững danh mục nợ công.
“Moody’s hạ tín nhiệm của Việt Nam không phải là vì Việt Nam thiếu tiền để trả nợ đúng hạn. Việc Việt Nam chậm trả nợ lần này nói lên tình trạng thủ tục, quy trình, trình tự ở Việt Nam quá là phức tạp, rắc rối và trong nhiều trường hợp nó gây ra ảnh hưởng tiêu cực một cách không cần thiết” – “Có thể gọi đây là một vết thương mà mình tự gây ra” – “Rõ ràng đây là sự chậm trễ vì thủ tục, vì trình tự. Tôi nghĩ rẳng nó có thể sửa chữa được bằng một vài cách khác nhau”.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, đã được Thời báo Ngân hàng trích lời như vậy trong một bài viết có tựa đề “Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm không phải vì Việt Nam thiếu tiền trả nợ” – https://thoibaonganhang.vn/
Xem ra ở đây là vấn đề của thể chế chính trị, của việc quản trị quốc gia thiếu sức cạnh tranh bởi quyền chọn lựa nhân sự từ lá phiếu cử tri.
“Việc bị hạ triển vọng là một điều không tốt,nhưng cũng là một điều tốt, vì nó cho thấy chúng ta cần phải hành động, phải cải cách thể chế, phải thay đổi, phải có bước phát triển mới phù hợp với thời đại ngày nay. Ngân hàng Thế giới chúng tôi luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam, đặc biệt là các yếu tố liên quan đến việc làm thế nào để hệ thống minh bạch hơn, hiệu quả hơn”, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam khẳng định như vậy trong bài viết trên tờ Thời báo Ngân hàng.