VNTB – 31 năm trước Giang Trạch Dân ‘bắt tay hòa giải’ Việt Nam

VNTB – 31 năm trước Giang Trạch Dân ‘bắt tay hòa giải’ Việt Nam

Phú Nhuận

 

(VNTB) – Suốt từ lần được gọi là “ít phút gặp riêng” đó giữa đôi bên, cho tới tận hôm nay phía Trung Quốc vẫn cho Nam Sa (tức Trường Sa) là của Trung Quốc.

 

Theo Hãng tin Tân Hoa xã, ông Giang Trạch Dân qua đời lúc 12g13 (11g13 giờ Hà Nội) ngày 30-11-2022 tại thành phố Thượng Hải. Ông bị bệnh bạch cầu và suy đa tạng.

Ông Giang Trạch Dân là lãnh đạo thế hệ thứ ba của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông giữ chức tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc trong 13 năm (1989 – 2002) và chức chủ tịch Trung Quốc trong 10 năm (1993 – 2003). Từ năm 1989 – 2004, ông giữ chức chủ tịch Quân ủy Trung ương. Dưới sự lãnh đạo của ông, Trung Quốc bắt đầu trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.

Ông Giang Trạch Dân là người đã đưa Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2001. Vào thời điểm ông kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch nước vào năm 2003, Trung Quốc đã là thành viên của WTO. Sau đó, Bắc Kinh giành được quyền đăng cai Thế vận hội năm 2008 và vị thế quốc tế của quốc gia tỉ dân này ngày một gia tăng.

Với Việt Nam, lịch sử ghi nhận ông Giang Trạch Dân là người ‘bắt tay giảng hòa’ với Hà Nội sau cuộc chiến tranh tương tự như Nga đang xâm lược Ukraine, là “phải dạy cho Việt Nam bài học” do Đặng Tiểu Bình khởi xướng.

Sự việc trên được ghi nhận ở chương 11: “Tham gia lãnh đạo thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”  trong hồi ký “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng” của Đại tướng Lê Đức Anh, như sau (trích):

“Sáng ngày 30/7/1991, đồng chí Chu Thiện Khanh và một số cán bộ Ban Đối ngoại Trung Quốc đưa chúng tôi tới thăm xã Tứ Quý Thanh (tức bốn mùa xanh) ở ngoại ô Bắc Kinh. Buổi chiều, Thủ tướng Lý Bằng tiếp đoàn chúng tôi tại Tử Quang Cáo trong Trung Nam Hải.

Cuộc hội kiến chính thức diễn ra tại Trung Nam Hải vào buổi chiều ngày 31/7/1991, phía Trung Quốc do Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Giang Trạch Dân làm trưởng đoàn. Trước khi hội đàm, có ít phút gặp riêng giữa Tổng bí thư Giang Trạch Dân và tôi, có hai phiên dịch của hai Ban Đối ngoại Trung ương Việt Nam và Trung Quốc. Đồng chí Giang Trạch Dân nêu một vấn đề khá “hóc búa”:

– Tới đây lãnh đạo cấp cao hai nước gặp nhau sẽ mở lại trang sử tốt đẹp quan hệ Trung – Việt. Nhưng có một vấn đề quan trọng phải bàn riêng, vì ra họp chung khó nói. Tôi ở địa phương mới lên làm Tổng bí thư. Trước chưa biết, nhưng nay nghiên cứu lịch sử mới biết Nam Sa (tức Trường Sa) là của Trung Quốc.

Nghe vậy tôi liền nói:

– Tôi cũng như đồng chí, tôi ở chiến trường mới về Trung ương, có dịp nghiên cứu lịch sử, địa lý và pháp lý thì thấy Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc lãnh thổ Việt Nam. Bây giờ chúng ta nên cử các cơ quan chức năng nghiên cứu và xác định cụ thể.

Nghe vậy, đồng chí Giang Trạch Dân không nói gì nữa, chỉ cười thôi. Rồi ông bảo:

– Tới giờ rồi, mời đồng chí ra hội đàm!

Nói chung cuộc hội đàm đạt kết quả tốt, mọi vấn đề đặt ra đều được hai bên thỏa thuận, nhất trí. Trung Quốc cũng thấy rằng quan hệ hữu nghị với Việt Nam để phát triển là một nhu cầu của cải cách, mở cửa của họ. Họ đang có nhu cầu phát triển, ta cũng có nhu cầu bình thường hóa quan hệ để ổn định và phát triển.

Tôi còn nhớ một số đoạn trong lời phát biểu của hai trưởng đoàn tại cuộc hội đàm này. Đồng chí Tổng bí thư Giang Trạch Dân đứng dậy trịnh trọng nói:

– Tôi nhiệt liệt hoan nghênh đồng chí Lê Đức Anh và đồng chí Hồng Hà. Hôm nay, được dịp quen biết đồng chí Lê Đức Anh – phái viên đặc biệt của Việt Nam, chúng tôi rất phấn khởi. Đồng chí đã hội đàm rất tốt với đồng chí Kiều Thạch và đồng chí Lý Bằng. Một giờ sáng nay, tôi mới ở địa phương về đến Bắc Kinh. Theo tập quán của chúng tôi, xin mời đồng chí nói trước…”. (dừng trích).

Tướng Lê Đức Anh từ trần ngày 22-4-2019. Giờ thì Giang Trạch Dân cũng qua đời. Thế nhưng suốt từ lần được gọi là “ít phút gặp riêng” đó giữa đôi bên, cho tới tận hôm nay phía Trung Quốc vẫn Nam Sa (tức Trường Sa) là của Trung Quốc.

Và mặc dù ‘bắt tay giảng hòa’, nhưng theo lời của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy – nguyên quyền Tư lệnh Quân khu 2, Trưởng ban Liên lạc toàn quốc cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên, thì sau khi tuyên bố rút quân, Trung Quốc vẫn duy trì 12 sư đoàn và hàng chục trung đoàn độc lập áp sát biên giới Việt Nam, thường xuyên gây tình trạng căng thẳng, tiếp tục lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam ở mọi quy mô, thực hiện kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)