Thảo Vy
(VNTB) – Tính cho đến thời điểm hiện tại, câu trả lời là “không có ai cả”.
Hôm nay là ngày Quốc tế Lao động. Vào các ngày 1 tháng 5, tại nhiều nước trên thế giới, thường có các cuộc biểu tình trên đường phố của người lao động và các tổ chức công đoàn của họ để yêu cầu mở rộng các quyền lao động và an sinh xã hội.
Ở Việt Nam thì tổ chức công đoàn hoàn toàn đứng bên lề chuyện an sinh. Đơn cử, giá tiền điện cho sinh hoạt tiêu dùng trong tháng 4 vừa qua tăng rất mạnh, và đang tạo làn sóng âm ỉ của sự bất bình; đặc biệt là với các gia đình người lao động, khi đồng lương cứ teo tóp vì vật giá leo thang.
Quyền an sinh của người dân đang bị xâm hại là ghi nhận thực tế. Với người lao động đang làm việc ở các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, liệu tổ chức này đã làm gì để bảo vệ các đoàn viên trong bối cảnh ấy?
“Chúng tôi không được trao quyền tổ chức những cuộc mít tinh lên tiếng phản đối tăng giá điện, mặc dù điều đó đang ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người lao động lẫn phía sử dụng lao động. Chúng tôi cho rằng thực tế này cần được ghi nhận khi Quốc hội đang làm công việc điều chỉnh hệ thống văn bản pháp luật để phù hợp với các cam kết quốc tế như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP”. Bà Khưu Ngọc Lan, chủ tịch công đoàn một xí nghiệp may ở huyện Nhà Bè, Sài Gòn, nhìn nhận.
Theo bà Lan, các nội dung trong Luật Công đoàn hoàn toàn không có bất kỳ điều khoản nào mang tính bảo vệ quyền an sinh của người lao động. Bà đã tìm hiểu tiếp trong Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam, thì thấy có một khoản nhỏ ghi chung chung rằng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là “đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân”. (Trích Điều 3.3)
“Quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân” trong lãnh vực lao động, lại được giới hạn cách hiểu về an sinh xã hội trong phạm vi có các thứ tự như sau: “Một là, tăng cường cơ hội có việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững cho người lao động yếu thế thông qua hỗ trợ cá nhân và hộ gia đình phát triển sản xuất, hỗ trợ tín dụng, giải quyết việc làm và kết nối thông tin thị trường lao động.
Hai là, mở rộng cơ hội cho người lao động tham gia hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để chủ động đối phó khi thu nhập bị suy giảm hoặc bị mất do các rủi ro, ốm đau, tai nạn lao động, tuổi già.
Ba là, hỗ trợ thường xuyên đối với người có hoàn cảnh đặc thù và hỗ trợ đột xuất cho người dân khi gặp các rủi ro không lường trước hoặc vượt quá khả năng kiểm soát như mất mùa, thiên tai, động đất, chiến tranh, đói nghèo,… thông qua các khoản tiền mặt và hiện vật do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Bốn là, tăng cường tiếp cận của người dân đến hệ thống dịch vụ xã hội cơ bản, như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, thông tin. (Trích phát biểu của Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, http://bit.ly/2GSF9LO).
Như vậy, các quyền Hiến định được ghi tại Điều 25, “tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình” ở người lao động hoàn toàn không được bất kỳ tổ chức nào của Công đoàn, của Mặt trận Tổ quốc chịu trách nhiệm ‘đứng ra bảo vệ’.
Từ những ghi nhận ở trên, cho thấy nếu như Quốc hội Việt Nam thực tâm điều chỉnh hệ thống pháp luật phù hợp với cam kết thỏa thuận trong những điều ước quốc tế, thì tiên quyết cần phải xác định rõ về các quyền tự do chính trị, tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền hội họp, quyền lập hội phải độc lập hoàn toàn với những bộ, ngành trong chính phủ, cũng như các cơ quan Đảng.
Có như vậy thì trong trường hợp Bộ Công thương đã ỷ thế độc quyền để tăng giá điện như hiện tại, người lao động mới có thể thực hiện quyền tự do biểu tình, tự do ngôn luận mà không sợ bị bắt bớ, bị chụp mũ ‘phản động’, ‘chống phá Đảng – Nhà nước’…, vì bộ trưởng Trần Tuấn Anh hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Bí thư Ban Cán sự Đảng.
Nói một cách khác, trong chuyện giá điện tăng hiện tại, trách nhiệm liên đới ở đây chính là Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII với hai đại diện cao nhất: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng. Do đó một khi tổ chức ‘mít tinh’ trong doanh nghiệp để người lao động có cơ hội giải bày tâm tư, bức xúc chuyện giá điện sẽ dễ bị chụp mũ là ‘đang bị thế lực phản động lợi dụng’…