Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ai dám nói nghịch?

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Những ông vua rất thông minh, cho phép có người dám nói nghịch

 

Các anh hề này có thể tha hồ chơi khăm, chế giễu các vị vua và hoàng hậu một cách công khai mà không sợ đầu một nơi, người một nẻo như các thần dân còn lại.

Một câu chuyện kinh điển là về vua James VI trị vì Scotland vào giữa thế kỷ 16 và anh hề George Buchanan. Vua James VI là một người vô cùng lười biếng, đến mức luôn ký tài liệu được các quan gửi trước cả khi đọc qua. Điều này trở thành một vấn đề nghiêm trọng trong vương quốc.

Để “xử lý”, George đến gặp James VI và lừa ông ký vào văn bản thoái vị để nhường ngôi cho anh ta trong 15 ngày. Từ đó, James VI không bao giờ dám bỏ sót một dòng tài liệu nào được gửi lên trình ký nữa. Nếu là bất cứ cận thần nào khác dám làm trò tày đình này, hẳn họ đã “đi chân lạnh toát” rồi.

Nhắc về chuyện anh hề George Buchanan, để biết thêm rằng hề có quyền ăn mặc nhố nhăng nhất trước mặt vua, có thể nhạo vua, hoàng hậu và quan lại trong triều mà không bị chém.

Nhưng đó phải là những ông vua rất thông minh, cho phép có người dám nói nghịch, nhưng lời nói là mua vui và cách nói phải thật buồn cười. Hề cũng phải là những con người rất giỏi, luôn tìm ra những mâu thuẫn, nghịch lý trong lời nói, cách sống của vua, của tất cả…, để nói.

“Đó là cái rất hay! Vì ngày xưa, vua nói một lời không ai dám cãi, mà chỉ duy nhất ông hề này dám nhạo báng. Bảo vua chấp nhận nghe lời một tên hề thì không phải, nhưng những lời của hề đôi khi thức tỉnh được vua, biết một chút về cái đúng cái sai.

Mà thật sự phải là minh quân, anh quân mới chấp nhận được! Đó là một hình thức cho phép phản biện trực diện mà hay, nhưng lại yếu ớt vì là tiếng nói của hề” – một nhà báo đang ở vai trò quản lý, hiện làm việc tại Sài Gòn, nhận xét xa gần về chuyện đời xưa.

Góp chuyện, một đồng nghiệp của nhà báo kể trên nói rằng với mệnh lệnh “định hướng chính trị” trong thể chế đơn nguyên hiện tại, vô hình trung đã không mấy ai dám nhận vai “hề cung đình” như thời phong kiến ở châu Âu nữa.

“Tổng bí thư một mặt muốn đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, mặt khác thì với định hướng tuyên truyền mà cơ quan tuyên giáo đưa ra hàng tuần, cho thấy những tiếng nói của người dân để mà bóc trần sự thật không có nhiều cơ hội nữa, bởi báo chí còn bị chi phối bởi định hướng của chính các phe nhóm ngay trong nội bộ đảng. Điều đó coi như tước đi công cụ phản biện sắc nhọn nhất là báo chí.

Báo chí phải nói lên được nguyện vọng của người dân ở mọi góc độ. Không nên lấy “tôn chỉ, mục đích” của báo chí để tạo hành lang an toàn cho những sự bất cập.

Ngày xưa, chúng ta kêu gọi quần chúng đồng hành chúng ta, thì chúng ta chỉ dám nói thầm và dúi vài tờ truyền đơn. Hôm nay chúng ta có gần ngàn tờ báo và gần trăm kênh truyền hình, một bộ máy tuyên truyền hùng hậu. Phải đặt câu hỏi, chúng ta nói thế nào để quần chúng không hiểu mình, mà quần chúng phải đi nghe những gì gọi là không chính thống?” – vị nhà báo nhấn mạnh.

Điểm chung của cuộc trà dư tửu hậu ở đây, đó là yêu cầu đảng cầm quyền, trước hết, phải có thiện chí lắng nghe người dân, bởi lẽ những ngôn từ gay gắt nhất cũng chứng minh tình cảm gắn bó giữa dân với đảng.

Nghe được thì sẽ hiểu được. Hãy để tai mình nghe được những điều cay đắng nhất, hãy để óc mình hiểu được những điều trắc ẩn nhất, thì những người lãnh đạo nhân danh cộng sản sẽ nhận ra phải hành động gì để cải thiện tình hình cho tương lai đất nước. Cho nên, đừng vội vàng quy chụp các ý kiến đóng góp để rồi khó chịu, và đưa họ lên đoạn đầu đài bằng hăm he các điều 117, 331 của bộ luật hình sự.

Xưa nay, thuốc đắng giã tật vẫn là bài học khắc cốt ghi tâm.


Tin bài liên quan:

VNTB – Luật về phỉ báng?

Phan Thanh Hung

VNTB – R.I.P. một ‘ông lớn’ trong làng báo chí Việt Nam

Phan Thanh Hung

VNTB – Kêu gọi chống tham nhũng trong đảng CSVN như nước đổ đầu vịt

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo