Lâm Viên
(VNTB) – Động từ “cách ly” đang là một ám ảnh. Cách gọi đầy đủ là “cách ly y tế”.
Điều 2 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, nói rằng cách ly y tế là việc tách riêng người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm hoặc vật có khả năng mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), người cách ly được yêu cầu cách ly 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh, từ ngày tiếp xúc cuối cùng với ca nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm Covid-19, từ ngày rời khỏi nơi có trường hợp bệnh. Nếu người nghi nhiễm Covid-19 được chẩn đoán không mắc bệnh, thì những người cách ly do tiếp xúc gần với người này sẽ kết thúc việc cách ly.
Căng thẳng nhất là khi người ta buộc phải vào phòng cách ly áp lực âm. Đúng như tên gọi của nó, phòng áp lực âm là một căn phòng có áp suất thấp hơn xung quanh, nơi không khí chỉ có thể đi vào từ một phía và không thể thoát ra qua phía đó. Nếu có một bệnh nhân nhiễm Covid-19 đang cách ly trong đó, các giọt bắn chứa virus của họ sẽ không thể nào lội ngược dòng không khí này để thoát ra bên ngoài cửa được. Lúc này, hiện tượng lây nhiễm chéo qua dòng không khí giữa các bệnh nhân sẽ được dập tắt.
Các căn phòng áp lực âm như thế này thường được xây dựng trong khu cách ly bệnh truyền nhiễm của bệnh viện. Nó thường được sử dụng để cách ly các bệnh nhân lao, sởi, thủy đậu, cúm, SARS, Ebola và bây giờ là Covid-19.
Ông bạn già của tôi – nhà báo Vũ Thế Thành ở Đà Lạt bày tỏ nỗi ám ảnh chuyện ‘cách ly’ có vẻ gần với ‘biệt ly’. Ông nói có vẻ thảm, dù là giọng văn tưng tửng, cà khịa quen thuộc:
“Kính thưa ông phòng dịch. Tôi khẩn thiết nhờ ông tìm cách đề đạt đến lãnh đạo tối cao của ngành ông, nguyện vọng như sau: Giả dụ tôi nghi nhiễm Cô Vi, dù là F1, F2, F3, thậm chí F4, 5, 6… tôi cũng xin tình nguyện cách ly 14 ngày. Nhân viên phòng dịch chắc chắn sẽ yêu cầu tôi khai báo, tôi đã từng tiếp xúc “gần” với ai… Tôi sẵn sáng hợp tác khai báo trên mức cần thiết, kể cả việc tôi đã từng tiếp xúc với bồ nhí, bồ già…, tôi cũng hoan hỉ khai tuốt luôn. Ngành Y các ông nên đánh giá cao ý thức cộng đồng của tôi.
Tuy nhiên, nhân viên phòng dịch, vòng trong vòng ngoài,.. có người vô tình lỡ miệng tiết lộ chuyện riêng tư tối mật của tôi, bọn media rình rập khai thác… Tan hoang như thế, thì dù có sống sót sau cách ly Covid, sau đó tôi cũng sẽ bị “cách ly riêng tư” vô thời hạn, chứ không chỉ 14 ngày phù du. Sống cũng như chết. Bi thảm hơn nhiều!
Tình huống có thể của tôi chắc chắn không phải cá biệt. Mong ông phòng dịch đề đạt để lãnh đạo tối cao ngành Y có giải pháp bảo vệ quyền riêng tư của công dân. Nếu không, e rằng sau đại dịch, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam sẽ giảm thê thảm.
Đội ơn ông”.
“Ông” ở đây không là phiếm chỉ, mà có tên đàng hoàng, tuy nhiên vì nhiều lý do, xin phép không ghi ra đây.
Thú thiệt, tôi cũng ám ảnh ‘cách ly – biệt ly’ lắm, nhất là cuối giờ chiều thứ sáu 13 tháng 3, nhận được tin tức về ca nhiễm của một chàng trai ở quận Tân Bình, Sài Gòn – nơi mà tôi với ông bạn già Vũ Thế Thành mỗi khi về Sài Gòn vẫn hay ghé rai rai vài xị để tán dóc thế sự với bè bạn khu gần ngã tư Bảy Hiền.
Thứ sáu, 13 tháng 3. Đó cũng là một ám ảnh.