Việt Nam Thời Báo

VNTB – Án an ninh quốc gia: Luật sư làm kiểng!?

Hà Nguyên – Cát Tường

 

(VNTB) – Trong các vụ án liên quan Điều 117, Điều 331 của Bộ luật hình sự, dường như công luận ít quan tâm đến chuyện luật sư cần cãi để thân chủ được quyền tự do, hoặc nhận bản án tuyên ở mức thấp nhất.

 

Không luận bàn đúng sai ở từng trường hợp, chỉ biết góc nhìn chung quen thuộc là “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, song vẫn gật gù trước ý kiến: Tăng hay giảm án trong vụ án chính trị không có ý nghĩa gì. Bản chất là các tù nhân lương tâm vô tội!

Bên lề cà phê hè phố ‘tán dóc’ nhìn lại chuyện ‘cãi’ năm qua, luật sư Quyên nói rằng chắc sẽ bị ném đá khi nhắc về chi tiết xử vụ Đồng Tâm, mà ít ai để ý, đó là trường hợp bà Nối bị xử tăng án lên 2 năm, là do bà bức xúc quá nói “to”/ “la hét” tại phiên xét xử mà phía luật sư không can ngăn. Đúng ra là bà vô tội, ca ngợi, tung hô bà già tội nghiệp làm gì, tuổi của bà là ở nhà nghỉ ngơi chứ không phải ngồi tù.

‘Phản biện’ cho ý kiến trên, thường thấy là, thân chủ sợ tù đày thì đã không đấu tranh. Thuê luật sư là để ra tòa cùng đấu tranh, chứ không phải thuê để ra nhận tội, xin giảm án.

Tham gia tố tụng ở các vụ án bị cáo buộc theo Chương XIII “Các tội xâm phạm an ninh quốc gia” thường là các luật sư dày dặn tuổi nghề, nên lạm bàn quanh chuyện ‘cãi’ tại tòa ở đây, tạm coi như góc nhìn khác của quan điểm người ta sẽ đấu tranh cho quyền con người, cho đời sống dân sinh, cho yêu cầu điều chỉnh thể chế chính trị tốt hơn, nếu như người ấy đang là không ở chốn lao tù.

Rào trước đón sau về góc nhìn trên, luật sư Thành lạm bàn: Cũng khó tránh việc nghi kỵ về luật sư ‘hai mang’, bởi pháp luật có cụm từ “luật sư góp phần bảo vệ pháp chế” mà chúng ta hay nói, chính là việc luật sư làm đúng pháp luật, tìm ra công lý trong khuôn khổ không làm xấu đi hình ảnh của Đảng ở nội hàm hiến định ghi tại Điều 4 của Hiến pháp 2013.

Điều 31.1 Hiến pháp 2013 đã quy định: Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Nguyên tắc này lại tiếp tục được nêu tại Điều 13 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Quy định trên phù hợp với Điều 14.2 “Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên hiệp quốc năm 1966”, mà Việt Nam gia nhập làm thành viên của Công ước này năm 1982.

Như vậy, việc bào chữa cho thân chủ tại tòa, theo luật sư Thành, là đưa ra các tranh biện chứng minh trình tự luật định cáo buộc – ví dụ như theo Điều 117, cần làm rõ định tính của thế nào là “xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân” – “nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân” –  “vật phẩm gây chiến tranh tâm lý”.

Trong một chu trình kết tội, thì việc chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, đó là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và cuối cùng là đến Tòa án xét xử để tuyên án về thân phận pháp lý một con người.

Đây là nguyên tắc quy định tại Điều 15 Bộ luật tố tụng hình sự 2015: Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền, nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

Điều 98.2 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định: Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội.

Những quy định này cũng phù hợp với các quy định về “quyền được hưởng một cách đầy đủ và hoàn toàn bình đẳng những bảo đảm tối thiểu” tại Điều 14.3.g của Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên hiệp quốc năm 1966.

Về vấn đề chứng cứ trong vụ án hình sự, được định nghĩa và xác định bởi Điều 86 và Điều 87 Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Chỉ được coi là chứng cứ khi có đủ 3 thuộc tính: tính khách quan (có thật), tính liên quan (tính chứng minh) và tính hợp pháp (đảm bảo pháp lý) – và chúng được thu thập từ nhiều nguồn chứng cứ khác nhau, qua một quá trình tố tụng để đánh giá thì các cơ quan tiến hành tố tụng mới có thể đi đến kết luận về vụ án.

“Đó là một chu trình và các hoạt động tố tụng nghiêm ngặt, khắt khe bắt buộc các cơ quan tiến hành tố tụng phải tuân thủ trong mọi trường hợp. Và luật sư chúng tôi có cãi thì cũng hiểu cần căn cứ vào 3 thuộc tính đó để bảo vệ thân chủ.

Tiếc là định tính của thế nào là “xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân” – “nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân” –  “vật phẩm gây chiến tranh tâm lý”, đến nay vẫn thuộc về duy ý chí mang tính định kiến về tội phạm của cơ quan tố tụng” – luật sư Thành nói, và trong nhiều trường hợp vì quá thất vọng trước định kiến này, để rồi cả thân chủ lẫn luật sư đã phải ‘to tiếng’ ở chốn công đường.


Tin bài liên quan:

VNTB – Bà Trần Thị Tuyết Diệu bị tuyên án 8 năm tù giam

Phan Thanh Hung

VNTB – Bà Đặng Thị Hàn Ni đã phòng vệ chính đáng trước bà Nguyễn Phương Hằng?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – ‘Games show’ của công an?

Do Van Tien

1 comment

Nguyễn Tuấn Anh 06.01.2022 8:16 at 20:16

Luật sư Việt Nam hổng có làm kiểng . Như nhận định của tiến sĩ Phạm Chí Dũng, họ là những trí thức độc lập tương đối làm đẹp cho bộ mặt nhân quyền của chế độ . Làm kiểng khác với làm đẹp, làm kiểng là để đó cho mốc lên, làm đẹp là làm cho đẹp lên những gì không đẹp lắm . 2 chuyện khác hẳn nhau .

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo