Trúc Chi
(VNTB) – Án bỏ túi 37 năm tù giam chỉ nhằm bóp nghẹt tự do báo chí
Đã tròn 15 ngày kể từ ngày xét xử vụ án Hội Nhà Báo Độc Lập.
Những ngày này có lẽ hơn bao giờ hết mới cảm nhận được sự can trường của những người mẹ, người vợ, người chị, người thân của các nhà báo đang bị giam giữ.
Giữa những lúc mưa bão, lũ lụt hay ngay cả trong thời điểm dịch bệnh nguy hiểm, họ vẫn tất tả ngược xuôi để lo cho người thân của mình mà không một lời ca thán. Rồi đến ngày xử án, họ và những người vợ tù nhân lương tâm khác là những người đã trực tiếp đưa thông tin, hình ảnh ra cho thế giới bên ngoài được biết tin tức về một phiên toà được cho là “xét xử công khai nhưng lại kín”.
Thông tin một chiều chỉ có được trên báo chính thống, hình ảnh phiên xử chỉ có trên hệ thống truyền hình nhà nước…
Nếu không có tin từ luật sư bào chữa đăng rất nhanh chóng và hợp xu hướng truyền tải thông tin tất tần tật trên mạng xã hội thì sẽ lại còn mù mờ đến mức nào.
Còn lại thì tất cả chỉ là im ắng… im ắng đến rợn người…
Mà có lẽ ai cũng sợ phải án binh bất động; thì làm sao có thể thoát xác ve sầu để mạo hiển đến một nơi mà an ninh thường phục, sắc phục đã được bố trí vòng trong vòng ngoài…
Làm sao mà lại không thể sợ được cơ chứ!
Một vụ xét xử đã làm lôi cuốn sự chú ý của truyền thông thế giới vì những bản án nặng nề mà nhà cầm quyền dành cho ba nhà báo độc lập như những phát đại bác bắn vào tự do ngôn luận và tự do báo chí ở Việt Nam.
37 năm tù giam và 9 năm quản chế cho Chủ tịch hội Phạm Chí Dũng, Phó chủ tịch Nguyễn Tường Thuỵ và hội viên Lê Hữu Minh Tuấn.
6 năm trước, năm 2015, nhà báo Phạm Chí Dũng đã từng lạc quan khi trả lời Thomas Bass rằng có lẽ những tù nhân lương tâm chỉ phải nhận án vài ba năm tù là hết. Những đển hôm nay, với bản án có thể được coi là nặng nhất từng được giáng xuống cho những người bị xét xử theo điều 117 Bộ Luật Hình Sự, thì ắt sau này sẽ không mấy ai nhận một bản án nhẹ nhàng hơn mà sẽ lại càng tiệm cận về phía kịch khung.
Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền Liên Hiệp Quốc gọi đây là thông điệp “lạnh mình” cho giới bất đồng chính kiến ở Việt Nam, James Pearson cũng nhận xét đây là sự đàn áp “ớn lạnh” đối với những ai dám phản biện nhà cầm quyền ngay trước thềm Đại hội Đảng XIII sắp sửa nhóm họp vào thứ Hai tuần tới.
Tình trạng của nhà báo Phạm Chí Dũng và những người hoạt động dường như đều được định đoạt sẵn một khi đã dấn thân vào con đường đấu tranh cho các quyền tự do cơ bản nhất của con người đó là như “cá nằm trên thớt.”
Bản án 37 năm dành cho ba nhà báo có lẽ được nhà cầm quyền sử dụng làm đòn cảnh tỉnh cho những ai dám phản biện xã hội. Dù đã có thể phần nào dự đoán được nhưng vẫn không thể nào không uất ức, phẫn nộ khi nghe toà tuyên án.
Sự phẫn nộ với phiên xét xử lại trở thành sự buồn cười khi Toà truy thu tiền từ các nhà báo mà Toà cho là thu lợi bất chính. Họ lao động trí óc, sử dụng chất xám để sáng tạo chứ không ăn tàn ăn hại vào tiền thuế của người dân.
Số tiền mà họ buộc phải trả lại chưa được tròm trèm 2 tỷ trong thời gian 6 năm lao động lương thiện. Số tiền đó chỉ là là muỗi so với tiền tiêu vặt của một ông quan tỉnh. Số tiền đó đã thấm vào đâu để chạy cho được một cái chứ thơm tho vào thời điểm chạy quyền chạy chức đồng bộ này?
Con của nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ đã thốt lên rằng: “Bố đã 70 tuổi rồi, biết có ở được ngần ấy năm trong tù không!”
Với nhà báo Phạm Chí Dũng, nếu ở hết thời gian thụ án trong tù, khi ra ngoài anh đã là một ông lão ở tuổi thất thập cổ lai hy; con trai út anh giờ mỗi ngày vẫn nói “ Ba đi công tác, thứ sáu về,” khi anh trở về nó đã là một chàng thanh niên trẻ.
Với Lê Hữu Minh Tuấn, 11 năm là qua hết một thời trai trẻ để có thể tạo dựng một tương lai, sự nghiệp, bỏ lỡ cả độ tuổi nên lập gia đình.
Thế nhưng họ vẫn ngẩng cao đầu cho đến khi nói lời cuối rằng họ không làm gì sai cả.
Một Phạm Chí Dũng hiên ngang, một Nguyễn Tường Thuỵ bình tĩnh đến lạ thường, một Lê Hữu Minh Tuấn ung dung, tự tại mà tôi chỉ được nhìn qua báo chí khác hẳn những quan chức lừa đảo, tham nhũng ăn của dân không từ thứ gì lại phải khóc lóc, ngất xỉu, xin lỗi đảng, xin lỗi lãnh đạo, xin lỗi cả bố mẹ.
Cái bản án khắc nghiệt dành cho cho việc cầm bút để phản biện thật quá đắt trong một chế độ mà tự do ngôn luận, tự do báo chí đã bị bóp nghẹt bằng một bản án đã định sẵn như nhà báo Phạm Chí Dũng đã nói.
Hôm này là ngày hạn họ phải nộp đơn kháng cáo … dù có kháng cáo hay không, nhìn những vụ án từng được phúc thẩm từ trước, mà chẳng đâu xa xôi là Nhóm Hiến Pháp được đưa ra xử chỉ 3 ngày sau khi xử 3 thành viên Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam phiên sơ thẩm.
Án bỏ túi đã tuyên … có phúc thẩm thì vẫn y án!
Chính phủ Việt Nam đã trả lời chất vấn của các cơ quan thuộc Cao uỷ Nhân quyền Liên Hiệp Quốc rằng ba nhà báo của hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam vi phạm pháp luật nhà nước Việt Nam.
Nhưng tôi cũng như nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thuy, Lê Hữu Minh Tuấn, nhìn khắp hết vẫn không biết họ đã phạm tội gì.
Cái tội duy nhất có lẽ là họ đã sanh ra nhầm ở chế độ không biết trọng dụng người tài, và không được phép buông lời nghịch nhĩ.