Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ăn trên đầu Thái Tuế?

Cát Tường

(VNTB) – Rất nhiều đảng viên đã ‘ăn trên đầu Thủ trưởng – tức Thái Tuế’ của họ trong vụ “chuyến bay giải cứu”

 

Trên thực tế, chỉ có thủ trưởng quá ‘hồn nhiên’ nên mới xảy ra chuyện ‘ăn trên đầu Thái Tuế’…

Thái Tuế là chòm sao trong văn hóa tín ngưỡng dân gian, còn gọi là Thái Tuế Tinh Quân hay Tuế Quân, đây là chòm sao có ảnh hưởng lớn trong vận hạn của một đời người, quản lý cát – tai – họa – phúc, tài lộc qua từng năm của 12 con giáp. Còn trong chiêm tinh học, sao Thái Tuế chính là sao Mộc (Jupiter), bởi sao này cứ 12 tháng quay 1 lần.

Nếu ngày sinh của một người bị chòm sao này chiếu mệnh thì bị coi là phạm Thái Tuế trong dân gian, trong năm làm chuyện gì cũng không suôn sẻ, sức khỏe không tốt. Vì vậy, dân gian luôn coi sao Thái Tuế là sao hung, không tốt.

“Ăn trên đầu Thái Tuế” là câu hay được nói về chuyện viên quan nào đó nhận hối lộ mà không biết phải quấy với ‘ân sư’ đương triều trong phim kiếm hiệp Hồng Kông. Câu này nếu mang sử dụng vào vụ án vừa được công khai bản kết luận điều tra, cho thấy rất nhiều đảng viên đã ‘ăn trên đầu Thủ trưởng – tức Thái Tuế’ của họ trong vụ “chuyến bay giải cứu” ở mùa dịch giã Covid-19 vừa qua, lúc mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng rất tự hào khoe rằng đã hoàn thành sứ mệnh chuyến bay không để ai bị bỏ lại phía sau.

Theo kết luận, ông Tô Anh Dũng là thứ trưởng Bộ Ngoại giao, có nhiệm vụ phê duyệt tổ chức kế hoạch chuyến bay trên cơ sở đề xuất của Cục Lãnh sự để gửi thành viên trong tổ công tác năm bộ xin ý kiến. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông Dũng đã chỉ đạo cấp dưới đưa doanh nghiệp thân quen vào danh sách ‘chuyến bay combo’ (*) tham gia chiến dịch “chuyến bay giải cứu”.

Cơ quan điều tra kết luận ông Dũng đã nhận hối lộ 21,5 tỷ của đại diện các doanh nghiệp khi hỗ trợ, tạo điều kiện được cấp phép thực hiện ‘chuyến bay combo’.

Theo kết luận điều tra vụ án “chuyến bay giải cứu”, ông Phạm Trung Kiên – lúc đang là thư ký của thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên – đã có hơn 180 lần nhận hối lộ 42,6 tỷ để trình Bộ Y tế chấp thuận chuyến bay hoặc người dân được về nước trong dịch Covid-19. Ông Kiên bị đề nghị truy tố về tội nhận hối lộ.

Lưu ý, thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên làm nhiệm vụ xem xét, duyệt ký văn bản trả lời Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan chức năng khi những nơi này xin ý kiến về chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo và xin cho khách lẻ được về nước. Ở đây, vai trò của ông Kiên được hiểu nôm na là “thầy dùi”.

Liệu ông Kiên có “phải quấy” với thầy của mình là thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên ở các thủ tục giấy tờ bắt buộc phải có chữ ký này của ông Đỗ Xuân Tuyên.

Tương tự, theo kết luận điều tra, ông Nguyễn Quang Linh đã lợi dụng vị trí công tác của mình là Trợ lý của ông Phạm Bình Minh, khi đó ông Phạm Bình Minh đang là Phó Thủ tướng, để nhận hối lộ và giúp một số công ty được phê duyệt chuyến bay tham gia “chuyến bay giải cứu”.

Ông Linh bị cáo buộc đã vi phạm nguyên tắc, quy chế làm việc, quy định pháp luật của Nhà nước trong việc tham mưu, trình phê duyệt cấp phép cho doanh nghiệp tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước trong đại dịch Covid-19. Cơ quan an ninh điều tra kết luận ông Linh đã nhận hối lộ hơn 4,2 tỷ đồng.

Cũng xin được lưu ý, vị trí trợ lý, trên thực tế có thể ‘đưa ra các lệnh miệng’ kiểu ‘truyền khẩu dụ’, song họ không bao giờ được đặt bút ký vào bất kỳ giấy tờ thủ tục hành chính nào. Như vậy muốn ‘qua mặt thủ trưởng’ tức ‘ăn trên đầu Thái Tuế’ trong thời gian không phải ngắn như vụ “chuyến bay giải cứu”, thì đó là điều có lẽ nhờ vào sự dễ dãi của các vị thủ trưởng liên quan trong vụ việc ấy.

Từ góc nhìn trên cho thấy ở đây xem ra có phần lỗi công vụ của các “Thái Tuế” trong nhiệm vụ là những bộ trưởng, phó thủ tướng ‘đương triều’…

________________

Chú thích:

(*) Cụm từ ‘chuyến bay combo’ xuất hiện trong giai đoạn dịch bệnh khi người Việt có nhu cầu về nước trên các “chuyến bay giải cứu” theo hình thức công dân tự chi trả toàn bộ chi phí cách ly. Các chuyến bay combo là chuyến không thường lệ (charter) nên có thể linh hoạt hơn trong khai thác.

Trong hàng không còn có chuyến bay thuê bao nguyên chuyến (charter). Charter thường sử dụng trong gói combo du lịch được các doanh nghiệp lữ hành thuê bao nguyên chuyến bay để chủ động trong việc phục vụ khách.


Tin bài liên quan:

VNTB – 1.000 giường hồi sức dành cho các trường hợp Covid-19 nguy kịch tại 4 bệnh viện tuyến cuối ở Sài Gòn

Phan Thanh Hung

VNTB – Việt Nam thay đổi toàn bộ nhân sự lãnh đạo trực tiếp tham gia chống dịch Covid

Phan Thanh Hung

VNTB- Bình Dương đang ‘soán ngôi’ Sài Gòn và sự im lặng đầy khó hiểu của Bộ Y tế

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo