(VNTB) – Đây là một câu chuyện đau buồn mà tôi không thể nào quên. Mỗi khi nghĩ tới là tôi lại thấy tim mình quặn thắt. Đó cũng là nỗi ô nhục mà nước Pháp không bao giờ rửa sạch được. Chúng ta hãy đi ngược dòng thời gian để nhìn lại câu chuyện này:
Angkor nức nở – vì ai? |
Ngày 17 tháng 4 năm 1975, quân Khmer Đỏ ồ ạt tiến vào thủ đô Phnom Penh trong sự sụp đổ của Chế độ Lon Nol. Hàng ngàn người từng phục vụ cho chế độ này bị kẻ thù giết hại dã man. Tuy nhiên vẫn có khoảng một trăm quan chức cao cấp của hoàng gia và của chính quyền Lon Nol kịp lánh vào tòa đại sứ Pháp nhằm tìm kiếm sự che chở. Trong số này có cả chú họ tôi là hoàng thân Ung Buon Hor vốn là chủ tịch quốc hội.
Khi ấy tôi đang là du học sinh tại Pháp. Hàng ngày tôi chăm chú theo dõi tin tức về tình hình đất nước, đặc biệt về những gì đang xảy ra tại sứ quán Pháp ở Phnom Penh.
– Liệu nước Pháp có cho những người này được hưởng qui chế tỵ nạn hay không?
Tôi hỏi người bạn thân là Michel. Cha anh làm việc ở Bộ Ngoại giao. Michel trả lời,giọng chắc nịch:
– Nước Pháp sẽ bảo vệ họ. Đất nước tôi là cái nôi của tự do, nhân quyền.
Sau khi biết có nhiều quan chức chế độ cũ trốn trong sứ quán Pháp, phía Khmer Đỏ liên tục đòi phải giải giao cho chúng xử tội.Trước đòi hỏi này của Khmer Đỏ, sứ quán Pháp đã xin ý kiến của Bộ Ngoại giao mà người đứng đầu lúc đó là Jean Sauvagnargues.
– Bộ Ngoại giao có ý kiến thế nào về vấn đề này. Tôi lo lắng hỏi Michel.
– Thật khó hiểu khi bố tôi cho biết ở Bộ Ngoại giao đang có một sự đùn đẩy trách nhiệm. Bạn tôi băn khoăn. Có khi họ lại đá quả bóng sang Tổng thống cũng nên. Với tôi, câu trả lời cho Khmer Đỏ là rất đơn giản: không có chuyện giao nộp nào cả. Đây là vấn đề nguyên tắc. Danh dự của nước Pháp phải được đặt lên trên hết. Khmer Đỏ chỉ là bọn rừng rú. Không việc gì phải đáp ứng yêu cầu của chúng.
Michel nói không sai. Quả nhiên quả bóng đã được Bộ Ngoại giao chuyển sang văn phòng chính phủ. Người được tổng thống Valéry Giscard d’Estaing giao phụ trách các vấn đề về Campuchia là Claude Martin.
– Thế câu trả lời của Claude Martin là thế nào? Tôi sốt ruột hỏi Michel.
– Bố tôi đã đặt câu hỏi như thế với Claude Martin thì chỉ nhận được từ ông ta một sự trả lời lấp lững, không rõ ràng. Michel nhún vai. Thật buồn cười. Chính phủ Pháp giống như một đứa trẻ ngây ngô, không biết phải làm gì. Nếu người ta tiếp tục đùn đẩy thì chính Valéry Giscard d’Estaing là người phải đưa ra quyết định. Ông ta là tổng thống cơ mà.
Cứ thế , trong khi Paris còn đang do dự thì sứ quán Pháp ở Phnom Penh nhận được tối hậu thư của Khmer Đỏ: Chậm nhất là cuối ngày 23 tháng 4 năm 1975 phải giao nộp tất cả những người Campuchia đang lánh trong sứ quán. Nếu không Khmer Đỏ sẽ tấn công và không chịu trách nhiệm về bất cứ điều gì.
– Bộ Ngoại giao vừa nhận được liên tiếp nhiều điện văn từ sứ quán Pháp ở Phnom Penh xin ý kiến dứt khoát về việc này. Michel nói với tôi. Tình hình đang nóng. Lúc này chính phủ Pháp không có lý do gì để trù trừ được nữa. Tôi tin rằng câu trả lời cuối cùng của Paris sẽ là không giao nộp. Đây là vấn đề danh dự. Mà đã là danh dự thì phải bảo vệ tới cùng, không thể so đo thiệt hơn. Theo tôi, Khmer Đỏ sẽ nhận được lời đe dọa của chính phủ Pháp rằng nếu họ tấn công sứ quán thì nước Pháp sẽ đổ quân vào Campuchia dạy chúng một bài học đích đáng. Như thế buộc lòng Khmer Đỏ phải rút lại yêu sách và phải để những người Campuchia trốn trong sứ quán được sang Pháp tị nạn . Bọn Khmer Đỏ có điên rồ cũng không đời nào muốn gây chiến với Pháp, vì làm như thế thì khác nào châu chấu đá xe.
Ấy vậy mà, thật không thể ngờ, trước đòi hỏi trắng trợn của bọn Pol Pot, ngày 21 tháng 4 năm 1975 chính phủ Pháp đã đưa ra một quyết định quái gở là chấp nhận giải giao những người Campuchia khốn khổ cho quân cục súc.
-Tôi xấu hổ quá. Michel lắc đầu với vẻ đầy cay đắng. Người ta đã bán đứng danh dự của nước Pháp. Lương tâm của họ ở đâu? Lòng tự trọng của họ ở đâu? Họ có còn xứng đáng đại diện cho nước Pháp nữa không, Xin lỗi bạn, xin lỗi Campuchia. Lịch sử sẽ không bao giờ tha thứ những kẻ hèn hạ. Nhân dân Pháp xấu hổ vì việc này.
– Biết đâu sứ quán Pháp sẽ linh động cấp hộ chiếu Pháp cho một số người vì phía Khmer Đỏ đâu thực sự biết có bao nhiêu người đang lánh nạn ở đấy. Tôi nói với Michel.
– Tôi cũng hi vọng thế. Ít ra thì đây cũng là điều mà sứ quán Pháp có thể làm được. Điều này hoàn toàn trong khả năng của họ.
Và việc phải đến đã đến. Trưa ngày 23 tháng 4 năm 1975, bất chấp sự van nài của những người tị nạn, nhân viên sứ quán Pháp vẫn lạnh lùng đẩy họ ra cửa để giải giao tất cả cho Khmer Đỏ. Thực vậy , giao tất cả, không sót một người. Những người này tức thì bị Khmer Đỏ đối xử như những tội nhân. Họ bị bịt mắt, bị tống lên những chiếc xe bẩn thỉu, kể cả xe chở rác, để đi vào cõi chết.
Như vậy, không một ai trong họ được sứ quán Pháp cứu giúp, dù chỉ một người. Sau này người ta được biết phó lãnh sự Dyrac đã quay về Pháp với hàng trăm giấy thông hành trắng mà nhẽ ra với chúng ông ta đã có thể cứu được sinh mạng không ít người Campuchia. Thật bỉ ổi. Hóa ra đâu chỉ Khmer Đỏ mới là vô nhân tính mà ngay cả những người Pháp đạo mạo kia cũng chẳng hơn gì. Họ đã bôi nhọ nước Pháp. Họ đã quay lưng với những giá trị cao đẹp mà nước Pháp hằng gìn giữ. Họ đã phạm tội giết người.
Angkor ngày nay |
Ngay cả quân Taliban với thủ lĩnh Mullah Omar ở Afghanistan cũng còn biết thế nào là tự trọng. Chúng thà để người Mỹ dội bom lên đầu chứ nhất định không giao nộp Osama Bin Laden. Mà Khmer Đỏ nào phải là người Mỹ khổng lồ. So với Mỹ , chúng chỉ là một con cắc ké, một chú gián hôi. Với cách xử sự như vậy, chính phủ Pháp đứng đầu là Valéry Giscard d’Estaing đã biến nước Pháp vĩ đại thành một ông già bạc nhược, sợ nước sợ gió sợ cả một chú gián hôi. Ngài tổng thống đáng kính của nước Pháp đã có vinh hạnh chui qua háng Pol Pot!
Cuối thế kỷ 19, nước Pháp từng chứng kiến một vụ nhơ nhớp gây chia rẽ dân tộc. Đó là vụ Dreyfus. Viên đại úy gốc Do thái này bị kết tội làm gián điệp cho nước ngoài, một tội mà ông ta không hề phạm. Văn hào Émile zola đã cho đăng báo “Thư gởi tổng thống Félix Faure”. Trong lá thư này, ông mạnh mẽ tố cáo đích danh tên tuổi nhiều tướng lãnh và sĩ quan đã tha tội cho Esterházy, kẻ mới đúng là tên bội phản. Bức thư của nhà văn hào đã làm chấn động dư luận. Georges Clémenceau, người sau này trở thành thủ tướng, đặt tên cho bức thư là “Tôi Buộc Tội”.
Ba phần tư thế kỷ sau, nếu còn sống, Émile zola chắc chắn sẽ chỉ tay vào mặt cái bộ sậu đê hèn của ngài tổng thống Valéry Giscard d’Estaing mà quát rằng: Tôi Buộc Tội!