VNTB – Bà Nhàn AIC sẽ là một trường hợp của “mặc cả thú tội” (!?)

VNTB – Bà Nhàn AIC sẽ là một trường hợp của “mặc cả thú tội” (!?)

Hoài Nguyễn

(VNTB) – Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, người đang bị Bộ Công an Việt Nam truy nã, được cho là đang ở Đức. Sắp tới có thể bà sẽ về lại Hà Nội ở tình huống pháp lý là “mặc cả thú tội”.

 

 

Các bài viết trong số phát hành hôm 7-8-2023 của trang Việt Nam Thời Báo cho biết, “bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã sang Đức được vài tháng và sống tại một thành phố lớn tại đây.

Trước đó, bà được cho là đã trốn sang Nhật Bản rồi đến London, nơi con gái bà được cho là đang sống. Mật vụ Việt Nam cũng được cho là biết về việc bà Nhàn ở lại Đức. Đại sứ quán Việt Nam không trả lời các câu hỏi về việc này. Riêng Nguyễn Thị Thanh Nhàn thì không liên lạc được”.

Bài viết này thực hiện trên cơ sở giả định rằng nếu mai này bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn trở về Hà Nội cho “mặc cả chính trị” nào đó của ghế quyền lực chóp bu ở Việt Nam, vậy thì cách nào để mọi chuyện tránh vết đổ Trịnh Xuân Thanh?

“Mặc cả nhận tội” là một gợi ý cho Trưởng Ban cải cách tư pháp trung ương về vấn đề của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

“Mặc cả thú tội” (Plea bargains), còn được biết đến với các cách dịch khác nhau như: “thỏa thuận nhận tội”, “thương lượng nhận tội”, “đàm phán thú tội” và là một trong những nguyên tắc và cũng là thủ tục tố tụng nổi tiếng của Hoa Kỳ.

Có đến 90% các vụ án hình sự ở Hoa Kỳ được giải quyết bằng “mặc cả thú tội”, 8% các vụ án hình sự bị đình chỉ và chỉ có khoảng 2% là giải quyết bằng thủ tục xét xử đầy đủ, có bồi thẩm đoàn (Công bố vào ngày 11-6-2019 trên trang web chính thức của pewresearch.org).

Ở Việt Nam, cần nói rõ là pháp luật tố tụng hình sự từ trước đến nay chưa bao giờ ghi nhận chế định “mặc cả nhận tội – mặc cả thú tội”. Điều này một phần xuất phát từ quan niệm truyền thống cho rằng trách nhiệm hình sự là một loại trách nhiệm pháp lý thuộc thẩm quyền quyết định của tòa án.

Do đó, bên buộc tội và bên gỡ tội không thể mặc cả, thỏa thuận với nhau về kết quả giải quyết vụ án.

Trong Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã xuất hiện quan điểm đổi mới về trách nhiệm hình sự và thủ tục tố tụng thể hiện qua quy định cho phép bị hại hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho người bị buộc tội trong những trường hợp nhất định.

Đây là một căn cứ để đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án. Tuy nhiên, chế định này xét về bản chất hoàn toàn khác mặc cả nhận tội. Đây là sự thỏa thuận giữa bị hại và người bị buộc tội (victim-offender mediation) trong khi đó mặc cả nhận tội do bên buộc tội (đại diện cho nhà nước) và bên bào chữa tiến hành.

Ngoài ra, công chúng, xã hội chắc chắn sẽ có những phản ứng đối với đề xuất bổ sung chế định “mặc cả nhận tội” vào pháp luật tố tụng hình sự.

Ở Việt Nam, ngay cả những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng vẫn còn nhận thức mang nặng tính trấn áp, trừng trị người phạm tội thì sự phản đối của công chúng đối với mặc cả nhận tội là điều rất có khả năng xảy ra.

Hơn nữa sự mất lòng tin của người dân vào tính liêm minh, chính trực, công bằng của hệ thống tư pháp hình sự cũng là nguyên nhân làm cho họ nghi ngờ về mục đích chính của chế định mặc cả nhận tội.

Trong một số cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ở Việt Nam có nơi, có lúc hiện tượng tiêu cực vẫn còn xảy ra. Do đó, nếu ghi nhận “mặc cả nhận tội”, giống như lịch sử của Hoa Kỳ đã từng trải qua, sẽ tạo thêm cơ hội cho những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực, làm mất đi ý nghĩa thật sự của chế định này.

Đồng ý rằng không có mặc cả nhận tội thì vẫn giải quyết được phần lớn vụ án hình sự, nhưng có thêm một thủ tục “phi truyền thống” nhưng ít phức tạp, ít tốn kém mà vẫn hiệu quả, nhanh chóng thì vẫn tốt hơn.

Vấn đề cốt lõi là xác định thời điểm thích hợp để ghi nhận; thiết kế quy định pháp luật hạn chế tối đa những nhược điểm và phát huy lợi ích của chế định “mặc cả nhận tội”. Ở điểm này thì kinh nghiệm của các nước có truyền thống pháp luật, có mô hình tố tụng hình sự, có điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội tương đồng sẽ là những bài học có giá trị cho Việt Nam.

Từ thời sự vụ sẽ thi hành án tử hình đối với tử tù Nguyễn Văn Chưởng hổm rày với vai trò được nhắc nhiều nhất là Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, một chính khách đang đồng thời giữ chức danh Trưởng Ban cải cách tư pháp trung ương, cho thấy rất có thể kịch bản “mặc cả nhận tội” sẽ sớm được đưa ra từ “thí điểm” cá nhân bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn chẳng hạn.

Khi ấy chắc chắn sẽ dung hòa được lợi ích các nhóm quyền lực liên quan từ phía công an lẫn quân đội; đặc biệt là cá nhân Thủ tướng Phạm Minh Chính trong mối quan hệ chằng chịt giữa tình cảm và những áp phe vũ khí cho quân đội được cho là có vai trò quan trọng của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

ThS Võ Văn Tài, Phó Trưởng Khoa kiểm sát hình sự, trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM, nhìn nhận, “thỏa thuận nhận tội có điểm tích cực là làm cho quá trình giải quyết vụ án đơn giản hơn nhiều, không phải tốn nhiều công sức, chi phí của các cơ quan điều tra. Đồng thời mang đến một biện pháp nhân đạo, người chịu thỏa thuận nhận tội ít nhiều cũng đã ăn năn hối cải, thừa nhận tội và thể hiện sự chuyển hóa tâm lý của người phạm tội”.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)